Dưới đây những hoạt động diễn ra trong dịp nghỉ lễ tại Hà Nội. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến vui chơi trong ngày, theo gợi ý của Sở Du lịch, từ 29/4 đến 3/5.
Vườn thú Hà Nội
Từ 9h đến 10h30 hai ngày 30/4 và 1/5 diễn ra chương trình: "Nói chuyện với động vật vườn thú". Ngày đầu tiên, khách đến tham quan sẽ được tìm hiểu các thông tin chi tiết về loài công Việt Nam. Ngày thứ hai là cơ hội để khám phá về loài vượn đen má trắng.
Được thành lập năm 1976, hiện vườn thú đang chăm sóc, nuôi dưỡng và trưng bày trên 500 cá thể động vật thuộc 76 loài. Trong đó, nhiều loài động vật quý hiếm thuộc danh mục Sách Đỏ Việt Nam như: công, gà lôi lam mào trắng, gà lôi vằn, vượn đen má trắng, hồ Đông Dương, beo lửa, báo gấm. Mỗi năm, nơi này đón khoảng 2 triệu lượt khách ghé thăm.
Giá vé vào cửa: 30.000 đồng (người lớn) và 20.000 đồng (trẻ em cao dưới 1m3). Giờ mở cửa: 6h đến 18h.
Địa chỉ: CCông viên Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Bảo tàng Dân tộc học
Ngày 29 và 30/4 có chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước và trải nghiệm mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc, các trò chơi cho trẻ em...
Bảo tàng Dân tộc học lưu giữ, trưng bày 15.000 hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam, được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức. Khu trưng bày thường xuyên trong tòa Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Ở đây có nhiều hiện vật thông dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trong khu trưng bày ngoài trời, có 10 công trình kiến trúc dân gian.
Giá vé vào vào cửa: 40.000 đồng (người lớn), 20.000 đồng (sinh viên và các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước). Giá vé dành cho học sinh là 10.000 đồng và miễn phí với trẻ dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người có thẻ nhà báo.
Địa chỉ: đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy. Thời gian mở cửa: 8h30 đến 17h30.
Hoàng thành Thăng Long
Chương trình múa rối nước tại sân khấu biểu diễn ở khu di sản Hoàng Thành Thăng Long từ 10h và 15h các ngày 29/4 đến 1/5. Các suất diễn kéo dài 40 phút.
Triển lãm "Chung một con đường" diễn ra trong ba ngày 29/4 đến 1/5, giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến ngày 30/4, để du khách hiểu thêm về lịch sử dân tộc.
Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới nằm ở trung tâm Hà Nội và đã có bề dày lịch sử hơn 1.300 năm. Nơi đây chứa đựng những di tích, di vật độc đáo, minh chứng cho lịch sử của Thăng Long - Hà Nội và lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thời đại. Công trình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010.
Giá vé: 30.000 đồng (người lớn), 15.000 đồng (học sinh và trên 60 tuổi), miễn phí với trẻ dưới 15 tuổi và người có công với cách mạng. Giờ mở cửa: 8h đến 17h.
Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình
Làng nghề Bát Tràng
Ngày 30/4 tại đây khai trương nhà "Bát Tràng tôi còn nhớ" ở Nhà cổ cùng triển lãm "Ký ức con đường lửa" tại Nhà Gian khó do UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.
Làng Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10 km về phía đông nam. Đây là làng nghề gốm nổi tiếng không gắn với sản xuất nông nghiệp nên không có ruộng cấy lúa trong địa phận làng.
Sông Hồng chảy qua Bát Tràng khoảng 1,5 km, có hai bến chính là bến Ba Đậu (hay bến Đầu Cống) và bến Chùa thông nối với tám bến đò ngang và hai bến đò dọc của sông trên địa phận hai huyện Gia Lâm và Văn Giang. Ngày nay, du khách đến làng có thể tham gia trải nghiệm tham quan làng cổ, làm gốm, nhiều trò chơi và hoạt động phù hợp trẻ em.
Địa chỉ: xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.
Phương Anh
Link nội dung: https://travelteam.vn/4-diem-choi-trong-ngay-o-ha-noi-cung-tre-em-1105.html