Đó là một buổi chiều oi bức ở vườn thú Negara, Malaysia. Du khách dừng lại xem chuột lang nước - loài gặm nhấm lớn nhất thế giới - gặm rau củ và lá cây trên bục gỗ cao 2 m so với mặt đất.
Chuồng chuột lang nước rất rộng và nằm thấp hơn lối đi, với cây cối ở phía sau và tường đá thấp ở phía trước. Ở giữa, một bục cao được dựng lên với phần dưới là hang cho chúng tránh mưa nắng. Cạnh đó là một bể nước rộng và nông để đám chuột làm mát.
Một phụ nữ vươn mình về phía trước. “Ồ, nhìn kìa, một con mèo”, cô kêu lên với gia đình, những người thích thú lấy điện thoại ra chụp ảnh.
Bên phải đám chuột lang nước, một con mèo vàng béo tốt ngồi trên gờ, ăn cá ngừ trong bát màu xanh. Con mèo và đám chuột đã sống cùng nhau trong khoảng 2-3 năm. Tình bạn đặc biệt này đã thu hút du khách, giúp vườn thú chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 phục hồi doanh thu.
Tình bạn đặc biệt giúp sở thú hồi sinh
Các nhân viên sở thú không rõ khi nào con mèo, được đặt tên là Oyen, vào sống cùng đám chuột. Họ chỉ biết rằng trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh, họ đột nhiên thấy Oyen vào thời điểm các bữa ăn dọn ra.
Chuột lang là loài ăn cỏ, và có vẻ không mảy may để ý việc có một động vật ăn thịt giữa chúng.
“Khi chúng tôi mới thấy nó, nó rất thân thiện với đám chuột lang nước. Nó ăn cùng chúng. Lúc đó, chúng tôi cho đám chuột ăn bánh mì, con mèo cũng ăn luôn” - Mohd Taufik Yazidbustami - nhân viên cao cấp tại sở thú cho biết.
Thông thường, vườn thú không khuyến khích động vật tương tác với động vật hoang dã vì có thể nguy hiểm. Phúc lợi động vật được đánh giá dựa trên 5 yếu tố tự do: tự do khỏi đói khát; tự do khỏi sự khó chịu; tự do khỏi đau đớn, thương tích và bệnh tật; tự do thể hiện hành vi bình thường; tự do khỏi sợ hãi và lo lắng.
Theo phó chủ tịch vườn thú, ông Rosly Rahmat Ahmat Lana, đến giờ, cả con mèo và đám chuột lang nước đều khoẻ mạnh, vui vẻ, mà không cho thấy bất cứ sự khó chịu nào. Ông cho biết họ liên tục giám sát cả hai loài để đảm bảo chúng khỏe mạnh.
Các nhân viên vườn thú quyết định cho phép tình bạn này tiếp tục khi con mèo và đám chuột có vẻ hoà hợp. Oyen được cho ăn thức ăn riêng, không chỉ bánh mì.
Con mèo được cho ăn cùng đám chuột lang. Ảnh: Bernama. |
Họ cho rằng nó là một trong những con thú cưng bị bỏ rơi gần vườn thú. Đây là nơi vứt bỏ mèo từ trước đại dịch, nhưng sau đại dịch cũng có. Nguyên nhân là nhiều người mất việc và không thể nuôi thú cưng của mình nữa.
Vườn thú Negara, nơi có chi phí hoạt động khoảng một triệu ringgit mỗi tháng, cũng gặp khó khăn nặng nề. Nơi này gặp khủng hoảng tài chính trong vài tháng đầu của đại dịch, khi lượng khách giảm mạnh trong giai đoạn hạn chế đi lại. Các nguồn lực đều khan hiếm.
Ông Rosly cho biết con mèo đã gặp may, không chỉ tìm thấy thức ăn, mà còn cả nơi trú ẩn và tình bạn với đám chuột lang nước.
“Con mèo rất hạnh phúc. Đột nhiên, sau khi vườn thú mở cửa trở lại, công chúng nhận thấy nó ăn cùng đám chuột lang nước, đó là một điều đặc biệt. Oyen đã trở nên rất nổi tiếng” - ông cho biết.
Vườn thú nhanh chóng tận dụng tình bạn đặc biệt này, dùng mạng xã hội để lan toả thông tin. Video quay Oyen và đám chuột lang nước xuất hiện trên trang chính thức của vườn thú, cũng như tài khoản của du khách. Nhiều đoạn clip đã được lan toả trên mạng xã hội sau khi vườn thú mở cửa lại vào tháng 9/2021, trong đó cho thấy Oyen ôm hoặc ngủ cùng những người bạn lớn của mình.
Oyen là con mèo vàng thân thiện. Ảnh: Bernama. |
Một phần của tình bạn đặc biệt này là bản tính tự nhiên của chuột lang nước. Loài gặm nhấm bán thuỷ sinh này có tính xã hội cao và có thể hoà hợp với phần lớn động vật, gồm chó và vịt. Chúng là loài bản địa ở vùng bắc và trung Nam Mỹ. Còn với Oyen, nhiều người tin rằng mèo vàng rất thân thiện và đáng yêu.
Những ý kiến trái chiều
Ông Rosly cho biết sự hiện diện của Oyen đã khiến chuồng chuột lang nước trở thành một trong những khu đông khách nhất vườn thú. Họ đang nghĩ đến chuyện thêm Oyen vào biển thông tin ở trước cửa chuồng.
“Phần lớn du khách biết điều này. Nhiều người đến chỉ để chụp ảnh Oyen với đám chuột lang nước. Nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công. Nếu may mắn đến vào giờ cho ăn, họ sẽ chụp được ảnh”, ông nói.
Chúng được cho ăn hai lần một ngày, vào 9h30 và 14h30.
Không phải khách tham quan nào cũng biết đến Oyen, nhưng họ rất phấn khích khi phát hiện ra một con mèo sống cùng đám chuột lang nước.
“Chúng tôi không biết chuyện này, nhưng thật đáng yêu. Chúng tôi đến xem chuột lang nước và con mèo là bất ngờ thú vị. Hẳn là sống cùng đám chuột rất tuyệt, nếu không, con mèo đã bỏ chạy, phải không”, Seth Deister, một du khách đến từ Mỹ, chia sẻ.
Ông Rosly cho biết tình hình đã được cải thiện so với thời hạn chế đi lại, khi vườn thú có nguy cơ đóng cửa với quỹ khẩn cấp chỉ đủ chăm sóc cho động vật trong ba tháng.
Số lượng du khách đã giảm mạnh trong năm 2020 và 2021 xuống còn 182.000 người/năm, do nhiều đợt giãn cách xã hội. Năm 2022, khi các quy định được nới lỏng, lượng khách tăng lên 430.000 người, vượt quá con số 350.000 lượt trước đại dịch. Sự ủng hộ từ cộng đồng và doanh nghiệp bù đắp cho các thiếu hụt trong giai đoạn này. Chính phủ đã cấp gần 10 triệu Ringgit cho Vườn thú Negara trong khoảng từ 2018 đến 2022.
Ông Rosly cho biết giờ họ đã hoà vốn và cần tăng doanh thu để bù đắp phí tổn và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai. “Chúng tôi muốn thêm nhiều khách đến vì cần chi trả cho các triển lãm, bảo trì vườn thú và chăm sóc động vật”, ông nói thêm.
Khu chuột lang nước thu hút khách tham quan. Ảnh: Bernama. |
Các vườn thú không phải không gây tranh cãi. Các nhà hoạt động vì quyền động vật cho rằng chúng đáng được tự do và sống trong môi trường hoang dã, cũng như cáo buộc các vườn thú lạm dụng động vật dưới danh nghĩa giáo dục. Họ đưa ra ý kiến rằng các vườn thú đã không còn hữu dụng, khi các phim tài liệu và chương trình truyền hình có thể dạy trẻ em trân trọng thiên nhiên và động vật hoang dã tốt hơn.
Cựu chủ tịch Hiệp hội Tự nhiên Malaysia, GS.TS Ahmad Ismail, không đồng tình. Ông cho rằng vườn thú không chỉ giáo dục và giới thiệu về động vật, nhất là các loài đang bị đe doạ, mà còn triển khai các dự án bảo tồn.
Tuy nhiên, ông không chắc việc để một con mèo sống trong cộng đồng chuột lang nước là một ý hay, vì tương tác giữa chúng có thể làm thay đổi hành vi thông thường của loài gặm nhấm này.
“Trong môi trường nuôi nhốt, điều này có thể đáng yêu, nhưng một số người yêu thiên nhiên không thích vậy. Vì họ muốn thấy động vật cư xử như trong môi trường hoang dã”, ông nói.
Ông cho biết thêm tình bạn kỳ lạ giữa con mèo và đám chuột lang nước có thể có lợi về lâu dài, nếu điều này thu hút đám đông, giúp duy trì vườn thú Negara.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/tinh-ban-giua-meo-va-chuot-lang-nuoc-cuu-so-thu-o-malaysia-1222.html