Mai Thái Khang (28 tuổi, sống tại TP HCM) mê lặn biển từ chuyến đi đảo Gili (Indonesia) tháng 3/2020. Dù chỉ tham gia tour snorkeling (lặn với ống thở), anh cũng đủ choáng ngợp vì thế giới dưới đáy biển, với những rạn san hô hay những chú rùa.
Tháng 5/2022, Thái Khang bước vào con đường "chinh phục đại dương". Điều đầu tiên anh phải làm là hoàn thành hai bằng cơ bản để có thể đi lặn ở bất kỳ đâu trên thế giới - Open Water và Advanced Open Water. Tổng chi phí cho 5 ngày học tại Nha Trang (Khánh Hòa) là 15 triệu đồng.
Khang được đào tạo về scuba (lặn với bình dưỡng khí). Với snorkeling, bạn chỉ nhìn mọi thứ dưới nước từ mặt biển và không lặn sâu còn người chơi scuba sẽ đeo bình dưỡng khí và lặn sâu xuống nước. Quá trình học không khó khăn do anh đã tiếp xúc với freedive, lặn tự do nín thở, không bình dưỡng khí. Khang thích lặn kiểu scuba hơn, vì giúp người lặn ở lâu dưới nước lâu. Ở nước ngoài, các điểm lặn scuba phân chia bài bản hơn freedive. Quan trọng hơn, freedive không phù hợp với nhiều điểm lặn do nước sâu, dòng chảy mạnh.
Các điểm lặn Khang chọn thường được bảo tồn tốt. Người lặn không được chạm vào bất kỳ thứ gì dưới biển, không đeo găng tay, không dùng kem chống nắng có thành phần gây hại cho san hô, không cho cá ăn.
"Tôi muốn chi nhiều tiền để ra nước ngoài lặn biển, một phần vì không thể lặn mãi một nơi, phần khác vì Việt Nam khai thác biển quá đà", Khang chia sẻ. Tới nay, anh đã đặt chân đến 12 điểm lặn ở 3 quốc gia gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Nam du khách TP HCM cho biết hai khoản lớn nhất khi đi lặn biển ở nước ngoài là dịch vụ lặn và vé máy bay. Tiền thiết bị không đáng kể do các bên cung cấp dịch vụ đều có đủ.
Số tiền lớn nhất anh từng chi ra cho thú vui của mình là 43,5 triệu đồng, cho chuyến đi Raja Ampat và Nusa Penida (Indonesia) trong 15 ngày tháng 6/2022 với tổng cộng 18 dive (lần lặn, mỗi lần khoảng 45-60 phút).
Theo Thái Khang, Raja Ampat tiêu tốn nhiều tiền di chuyển. Riêng vé máy bay hai chiều hết 13 triệu đồng. Chi phí lặn tại đây không quá cao nhưng tiền di chuyển giữa các đảo lại đắt do phải thuê thuyền riêng. Tổng chi cho 8 ngày tại Raja Ampat tốn khoảng 23 triệu đồng. Số tiền Khang phải chi ở Nusa Penida ít hơn. Lần anh tiêu ít tiền nhất là gần 14 triệu đồng cho chuyến đi 7 ngày ở Koh Tao (Thái Lan).
Sipadan (Malaysia) là điểm đẹp và đáng tiền nhất Khang từng trải nghiệm, tháng 6/2022. Tổng chi phí cho chuyến đi Sipadan kết hợp với Mabul và Kapalai trong 10 ngày với tổng cộng 25 dive tiêu tốn của Thái Khang khoảng 40 triệu đồng.
Tại Sipadan, Thái Khang đã trải nghiệm "wall blue dive". Đây là một thuật ngữ chỉ những ca lặn bên cạnh vách đá thẳng đứng, sâu hun hút, đem đến "cảm giác tò mò và cũng đáng sợ". Do được chính phủ Malaysia bảo tồn nghiêm ngặt từ năm 1997, việc đặt được lịch lặn ở đây không dễ. Khang may mắn đặt được 4 ngày lặn với tổng cộng 12 dive (ba dive một ngày một người). Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, quy định mới đã được cập nhật và số dive mỗi ngày đã giảm xuống còn hai.
Bên cạnh những chỏm đá thẳng đứng, cao hàng trăm mét được bao bọc bởi đại dương, Sipadan còn nổi tiếng với những đàn cá nhồng khổng lồ. Chúng bơi thành đàn, xoay theo hình tròn khiến Khang tưởng mình đang lạc giữa một cơn lốc xoáy. Một điều thú vị khác là những con cá này có sở thích bơi ngược dòng. Để đuổi theo chúng dưới nước cũng là thử thách với anh.
"Sipadan là một đảo ngọc thực sự. Hòn đảo này không được tô vẽ bởi những resort hay cáp treo vượt biển", Khang nói. Đây là vùng biển đơn sơ với cây cầu gỗ duy nhất cùng chốt biên phòng để bảo đảm ngư dân không đánh bắt, khai thác hải sản. Các tour lặn cũng được khai thác với số lượng hạn chế.
Trịnh Quang Vỉ, bạn đồng hành của Thái Khang trong chuyến lặn biển ở Sipada, cho biết thời điểm cả hai tới Sipadan năm ngoái là giai đoạn mới mở cửa nên chi phí lặn được giảm. Trong giới lặn biển, Sipadan luôn nằm trong top các điểm đẹp nhất nên khi biết về mức giá tốt, họ hiểu mình phải chớp cơ hội.
Vỉ đã dùng từ "tuyệt vời" để tả cảnh quan Sipadan. Giống người bạn đồng hành, Vỉ cũng choáng ngợp trước "cơn lốc cá nhồng khổng lồ". Rùa ở Sipadan nhiều không thể tả. Có ca lặn, cả hai phải đếm được khoảng 20 con. "Có con còn to hơn cả mình", Vi nói.
Do vị trí Sipadan nằm ở giữa 3 nước gồm Malaysia, Philippines và Indonesia nên thỉnh thoảng khi ngoi lên từ mặt nước, Khang và Vi còn thấy cả chuyên cơ phản lực hay tàu chiến.
Bên cạnh Sipadan, Thái Khang nhận xét Raja Ampat cũng là một điểm ấn tượng với hệ sinh thái đa dạng dù dịch vụ chỉ đáp ứng một số nhu cầu cơ bản. Ở Raja Ampat, mọi thứ hầu hết làm bằng gỗ, từ cầu cảng cho tới các homestay. Thỉnh thoảng, Khang cũng thấy rùa và cá mập bơi ngay dưới chân homestay.
Sau khoảng nửa năm "thực chiến", Thái Khang đánh giá việc theo đuổi bộ môn lặn biển đòi hỏi đầu tư nhiều. Dù vậy, với anh, mỗi khoảnh khắc được chìm đắm trong bàn tay của mẹ đại dương đều "đáng giá tới từng xu". Khang luôn trả lời "không" khi nhiều lần bị hỏi "Đi hoài không chán à?". Trong tương lai, Khang hy vọng có thể đi khắp thế giới bởi với con người, đại dương vẫn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá.
Tú Nguyễn
Ảnh, video: NVCC
Link nội dung: https://travelteam.vn/khach-viet-chi-gan-250-trieu-dong-lan-bien-o-dong-nam-a-125.html