Chuyên gia dự đoán giá vé máy bay tiếp tục tăng cao

CEO của hãng hàng không Ryanair dự đoán giá vé máy bay còn tăng trong vài năm tới.

Theo Michael O'Leary, CEO của Ryanair, hãng hàng không giá rẻ và lớn nhất châu Âu tính theo lượng hành khách vận chuyển, giá vé có thể sẽ tăng trong vài năm tới. O’Leary ước tính mùa hè năm nay, giá vé có thể tăng phần trăm lên hai con số, sau khi đã chứng kiến mức tăng 15% năm ngoái.

Tony Fernandes, CEO của Capital A (tiền thân là AirAsia), nhận định giá vé máy bay hiện giờ không cao, mà đúng với giá trị thực. Ông cho rằng các hãng hàng không luôn định giá thấp sản phẩm của mình.

Hành khách xếp hàng đợi bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM dịp đầu năm 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Hành khách xếp hàng đợi bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM dịp đầu năm 2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Fernandes cho biết giá vé máy bay cao sẽ tiếp tục duy trì vì các hãng đang tận dụng sự bùng nổ du lịch sau đại dịch để tăng phí: "Mọi người đang hơi sốc vì họ thấy giá cao. Đó không phải giá cao, mà là giá thực. Tôi nghĩ đáng lẽ giá của năm 2019 nên bằng hiện nay". Người đứng đầu hãng bay Malaysia cho rằng hàng không đã tăng giá chậm hơn so với xu hướng.

Đại dịch lắng xuống, du lịch quốc tế đã gần như trước, các hãng hàng không mở lại các đường bay. Nhưng tại sao giá vé lại vẫn cao?

Theo SCMP, thứ nhất là vì thiếu máy bay. Các hãng đã bỏ trống phần lớn đội bay vì nhu cầu đi lại ít trong những năm dịch bệnh. Giờ đây, dù muốn họ vẫn chưa thể đưa toàn bộ đội bay quay lại ngay lập tức. Phải mất ít nhất 100 giờ làm việc để những chiếc máy bay phản lực sẵn sàng quay lại hoạt động, sau khi dừng một thời gian.

Có tới 16.000 máy bay, chiếm khoảng hai phần ba đội bay thương mại của thế giới, đã phải dừng bay khi dịch bệnh bùng phát khắp thế giới. Nhiều chiếc đã phải đưa đến các vùng sa mạc ở Mỹ, Australia để đỗ. Điều này khiến việc nội thất xuống cấp, động cơ hư hỏng.

Lý do thứ hai là người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn để mua vé sau thời gian ở nhà quá lâu, có thể là ba năm (như Trung Quốc). Một cuộc khảo sát của Booking, ứng dụng đặt phòng hàng đầu thế giới, với hơn 25.000 người trưởng thành dự định đi du lịch trong vòng 12-24 tháng tới cho thấy nhiều người muốn bù đắp lại quãng thời gian đã mất. Ngay cả khi một số chuyến bay đắt hơn, họ vẫn sẵn sàng chi tiền vì thấy việc đi du lịch là đáng giá.

Các hãng bay chịu thiệt hại gần 200 tỷ USD trong dịch, khiến hàng chục triệu người trong ngành mất việc. Du lịch đang phục hồi, đồng nghĩa với việc ngành hàng không phải tiếp tục vật lộn trong việc tuyển dụng lại nhân sự. Đó là nguyên nhân thứ ba. Nhiều nhân sự lành nghề, được đào tạo bài bản đã tìm được việc mới trong dịch và không muốn quay lại. Tình trạng thiếu hụt nhân sự đã kéo theo dây chuyền chậm trễ tại quầy làm thủ tục, nhập cảnh, băng chuyền hành lý.

Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng cần đưa ra các chính sách để giữ chân nhân viên, song song với tuyển dụng. Điều đó nghĩa là mức lương sẽ cao hơn. Cộng dồn lại, giá vé máy bay sẽ cao hơn khi hãng cố gắng thu lại chi phí họ phải bỏ ra.

Nguyên nhân thứ tư là giá nhiên liệu trong năm qua đã hạ nhiệt, nhưng giá dầu thô vẫn đắt hơn 50% so với tháng 1/2019. Vì vậy, nhiên liệu đang là chi phí lớn nhất với nhiều hãng hàng không.

Nga đóng cửa không phận với nhiều hãng bay từ hàng chục quốc gia bắt đầu vào cuối tháng 2/2022. Các chuyến bay từ đông sang tây phải bay vòng, qua nhiều chặng để tránh không phận Nga, khiến tốn nhiên liệu hơn, giá vé vì thế cao hơn.

Việc sử dụng nhiên liệu bền vững để bảo vệ môi trường cũng khiến chi phí đội lên. Lý do là loại nhiên liệu này có giá cao gấp 5 lần nhiên liệu truyền thống. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, ngành sẽ phải chi trả 2.000 tỷ USD để góp phần trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Các hãng bay phải tăng giá vé để đối phó với vấn đề này.

Trong khi đó, một số công nghệ mới đang được nghiên cứu để giảm tải khí thải carbon như máy bay chạy bằng điện và hydro. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và rất tốn kém nếu áp dụng vào hiện thực.

Trên hết, các nhà máy sản xuất máy bay đang bị tụt hậu vì thiếu lao động tại các nhà thầu phụ, khiến sản xuất bị đình trệ. Lệnh trừng phạt liên quan đến Nga cũng khiến Airbus, Boeing cùng các nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu chế tạo (như titan), khiến giá thành lên cao.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nguồn cung cấp gần 280 tỷ USD cho chi tiêu du lịch hàng năm trước dịch, mới đang khởi động lại. Chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa Covid-19 lâu hơn nhiều những nơi khác. Người Trung Quốc cũng chưa quá háo hức mạo hiểm du lịch trở lại. Một cuộc khảo sát được công bố vào đầu tháng 5 cho thấy hơn 30% khách Trung chưa sẵn sàng đi du lịch nước ngoài năm nay.

Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương cho biết sẽ mất ít nhất một năm để Trung Quốc đi du lịch như trước, dù hiện bay nội địa đang trở lại mức ngang bằng trước dịch. Việc Trung Quốc mở cửa chậm và thận trọng cũng khiến các hãng hàng không lo lắng việc đưa tất cả máy bay và tần suất, chặng bay trở lại. Điều đó dẫn đến ít vé hơn trên các chuyến quốc tế, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng và tiếp tục đẩy giá vé lên.

"Các hãng hàng không chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch", Clint Henderson, quản lý của trang chuyên về lĩnh vực hàng không The Points Guy, cho biết. "Các chuyến bay đến Trung Quốc là một ví dụ rõ ràng. Hiện có rất ít chuyến và giá cao ngất ngưởng", Henderson nói.

Anh Minh (Theo SCMP)

Link nội dung: https://travelteam.vn/chuyen-gia-du-doan-gia-ve-may-bay-tiep-tuc-tang-cao-1253.html