Phát hiện khá lớn số lượng đồ gốm với 6.300 mảnh của người tiền sử niên đại 3.500-3000 năm (ảnh Sở VHTTDL Đắk Nông)
Ngày 30-5, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Nông cho biết đã có báo cáo kết quả khai quật điểm di chỉ khảo cổ học tại thôn 12 (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Đầu tháng 5-2023, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ tại thôn 12. Qua đó, phát hiện khá lớn số lượng đồ gốm với 6.300 mảnh. Gốm tại di chỉ thôn 12 có độ dày trung bình từ 0,5-0,8cm, xương gốm thô màu đen có tỷ lệ bã thực vật cao, hai mặt miết láng, phần miệng trong ngoài có màu đen xám kiểu ánh chì...Đây là thông tin mang lại sự phấn khởi cho giới khảo cổ học. Bởi, từ những kết quả ban đầu cho thấy, khu vực trên là một di chỉ khảo cổ học, là nơi cư trú, kiếm sống của các cư dân nguyên thủy thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ kim khí và có niên đại từ cách đây 3.500-3.000 năm.
Trụ đá ở chùa Dạm (Bắc Ninh)
Cách đây không lâu, Viện Khảo cổ học, Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM, và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa công bố kết quả khai quật di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) sau 10 tháng khai quật (15/1- 21/10/2021) với diện tích 200m2, gồm 5 hố thăm dò và 1 hố khai quật. Tại đây, 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý bằng nhiều chất liệu: vàng, đá quý, thủy tinh, đá, nhuyễn thể... Nhiều di vật lần đầu tiên phát hiện tại di tích như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, hiện vật hình tù và, các loại hình mộ chum, di cốt... chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cùng lịch sử hình thành và phát triển TP.HCM cách đây trên 2.000 năm.
Giồng Cá Vồ nằm trong hệ thống 26 di tích ở rừng ngập mặn Cần Giờ, cách trung tâm TP.HCM gần 60km được phát hiện hơn 30 năm trước. Đây là một giồng đất đỏ, cao hơn bề mặt xung quanh khoảng 1,5m, nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh và được bao quanh bởi rừng ngập mặn. 28 năm sau kể từ lần cuối cùng vào năm 1994, di tích này mới được khai quật trở lại.
Di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ được công nhận năm 2000, thuộc nhóm di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cần được bảo vệ. Nhiều di vật được khai quật tại Giồng Cá Vồ năm 1994 đang được trưng bày tại các bảo tàng: Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), Lịch sử Việt Nam (TP.HCM); Lịch sử - Văn hóa Nam bộ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) để minh chứng cho giai đoạn phát triển tiền - sơ sử trước Công nguyên.
Link nội dung: https://travelteam.vn/phat-hien-hien-vat-nguoi-tien-su-nien-dai-3500-3000-nam-1518.html