Hong Kong đón 10 triệu du khách trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: Sam Tsang. |
Số lượng du khách đến Hong Kong trong 5 tháng đầu năm bằng 40% so với thời điểm trước đại dịch. Theo ông Dane Cheng Ting-yat, Giám đốc điều hành của Tổng cục Du lịch Hong Kong, khác từ Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á chiếm thị phần lớn du khách tại điểm đến này, khoảng 60% so với mức trước đại dịch.
Ngoài mục đích du lịch, Hong Kong cũng đón một lượng du khách nhất định đến từ Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) theo dạng MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng). Số đêm nghỉ trung bình của khách tại đây dao động 3-4 đêm thay vì 2-3 đêm như trước đó.
Dù đón lượng khách khả quan, các quan chức cho biết ngành du lịch Hong Kong vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Khát nhân lực, thiếu chuyến bay
Nghịch lý du lịch ở Hong Kong nằm ở chỗ giới lãnh đạo ngành tại đây muốn thu hút thêm nhiều du khách nhưng lại chưa giải quyết được các vấn đề bất cập về chuyến bay, nhân sự.
Ông Cheng lo ngại về tốc độ hồi phục ngành công nghiệp hàng không tại đây khi du khách chọn đi tàu hỏa nhiều. “Du khách Trung Quốc đại lục đến Hong Kong chủ yếu bằng tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong. Nếu chúng tôi tăng chuyến bay, liệu khách từ Trung Quốc đại lục có đến Hong Kong nhiều hơn?”, vị lãnh đạo này thắc mắc.
Giới lãnh đạo Hong Kong đạt ra mục tiêu hồi phục 70% ngành du lịch vào cuối năm và 100% vào năm 2024. Tuy nhiên, hãng hàng không Cathay Pacific chỉ hoạt động 50% công suất vào tháng 3. Trong khi đó, đối thủ của hãng là Singapore Airlines đã bay ở mức 79% so với mức trước đại dịch trong cùng tháng.
Nhu cầu tăng, công suất hạn chế đã đẩy giá vé máy bay và phí khách sạn tại địa điểm này cao hơn. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Hong Kong cho biết giá phòng tại đây trung bình khoảng 1.500 HKD/đêm (tương đương 191 USD), tăng 200 HKD (khoảng 25 USD) so với thời điểm trước dịch, song tỷ lệ lấp phòng vẫn giữ ở mức 86% vào tháng 4, không tăng so với trước đó.
Bà Sarah Leung Fong-yuen, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Ngành Du lịch Hong Kong, cho biết ngành này vẫn thiếu hụt hàng nghìn lao động. Bà bày tỏ sự lo lắng về nguồn cung phòng khách sạn trong kỳ nghỉ hè, khi nhiều sinh viên Trung Quốc đại lục dự kiến đến Hong Kong để tham dự các khóa học.
“Nếu không có đủ phòng khách sạn để đối phó với mùa cao điểm, tôi e rằng du khách sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho chỗ ở, nhưng trải nghiệm chưa chắc đã tốt hơn”, vị này nói.
Chưa hồi phục ngay
Khi được hỏi liệu chính sách nhập khẩu lao động của chính quyền có giải quyết được vấn đề hay không, bà Sarah cho biết thêm các đại lý du lịch và hướng dẫn viên đang thiếu nguồn cung, rất khó thay thế bằng lao động nước ngoài vì họ cần thông thạo nhiều thứ tiếng, kiến thức địa phương và hiểu biết về lịch sử của các điểm tham quan.
Freddy Yip Hing-ning, Chủ tịch Hiệp hội chủ sở hữu đại lý du lịch Hong Kong, cho biết ông bi quan về khả năng phục hồi trong nửa cuối năm nay, chủ yếu do hạn chế về năng lực khai thác chuyến bay. “Giao thông thuận tiện sẽ thu hút du khách, nhưng nhiều hãng hàng không quốc tế vẫn chưa quay lại Hong Kong, trong khi hãng hàng không địa phương sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoạt động hết công suất trở lại,” vị này nhận định.
Một nhóm du khách Trung Quốc đại lục tới nhà hàng ở To Kwa Wan (Hong Kong). Ảnh: Sam Tsang. |
Ngoài ra, các chuyên gia về quan hệ công chúng cho biết một số bê bối của tiếp viên gần đây khiến hàng không tại Hong Kong mất nhiều thời gian trong việc xây dựng lại hình ảnh thương hiệu và đào tạo lại nhân sự về văn hóa doanh nghiệp.
Sắp tới Hong Kong tiếp tục tung ra các sự kiện quy mô lớn nhằm thu hút thêm du khách. Lễ hội thuyền rồng, sự kiện Harbor Chill Carnival kéo dài 10 ngày dọc theo cảng Victoria là những chương trình sẽ được tổ chức vào dịp hè.
Du khách Trung Quốc đại lục đến Hong Kong thích chụp ảnh tại các điểm nóng như đồn cảnh sát ở Yau Ma Tei, đường MacDonnell ở Mid-Levels, trải nghiệm thiên nhiên ở Cheung Chau và trên Đảo Lantau, ghé thăm các cửa hàng nhỏ và dạo chơi ở các khu dân cư địa phương như phố Apliu.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/du-lich-hong-kong-gap-kho-du-don-luong-khach-ky-luc-1555.html