Theo khảo sát do Morning Consult, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, thực hiện cuối năm ngoái, 35% người Nhật chưa sẵn sàng du lịch trở lại, cao nhất trong số các quốc gia trên thế giới.
Giáo sư tâm lý học và hành vi du lịch Tetsu Nakamura của đại học Tamagawa (Tokyo) không ngạc nhiên về điều này. Ông dẫn chứng, năm 2019, chỉ 10% người Nhật đi du lịch nước ngoài. Nghiên cứu Nakamura thực hiện trước dịch cũng chỉ ra hai nhóm đối tượng: "người thụ động" - muốn du lịch nước ngoài nhưng chưa đi và "người từ chối" - không quan tâm hoặc sẽ không đi. Hai nhóm này chiếm gần 70% số người được hỏi, trong đó nhóm từ chối chiếm gần 30%.
Nhật Bản có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới khi công dân được nhập cảnh 193 điểm đến không cần xin visa, nhưng theo Bộ Ngoại giao, chưa đến 20% người Nhật có hộ chiếu. Với những người "không bao giờ đi du lịch nước ngoài", các chuyến đi trong nước là đủ.
"Nhiều người Nhật thấy du lịch nước ngoài tốn thời gian vì phải mất công lên kế hoạch cho một hành trình", Nakamura nói. Hiroo Ishiada, 25 tuổi, đến từ tỉnh Chiba, có sở thích mô tô, là một trong số đó. Anh thích đến Mỹ vì biết đây là nơi dành cho những người mê mô tô. Nhưng anh không đi vì "chỉ lên kế hoạch thôi cũng thấy bất tiện".
Ishida nói ở Nhật cũng có nhiều điểm đến phù hợp. Chuyến đi nước ngoài gần nhất của Ishida là đảo Guam (trên biển Thái Bình Dương) hồi trung học. Kể từ đó, anh chưa từng thấy "bị thôi thúc phải đi du lịch nước ngoài".
Kotaro Toriumi, nhà phân tích du lịch và hàng không Nhật Bản, cho biết các thủ tục du lịch nước ngoài phức tạp do đại dịch cùng nguy cơ lây nhiễm đã cản trở mọi người. "Đại dịch đã thay đổi tư duy người Nhật", Toriumi nói.
Người Nhật cũng ngày càng nhận ra có nhiều điểm đến hấp dẫn trong nước mà họ có thể vui chơi, không cần ra nước ngoài. Tuy vậy, Toriumi cũng giải nghĩa cụm từ "không bao giờ muốn đi du lịch nữa" có thể là "không sẵn sàng đi du lịch sớm, trước khi đại dịch kết thúc hoàn toàn".
Chi phí đi lại cũng là yếu tố khiến người Nhật cân nhắc khi đồng yen chạm đáy 32 năm so với USD, nhiều người không được tăng lương sau 30 năm. Thu nhập ít hơn có thể khiến người trẻ có xu hướng ở nhà hoặc đi gần. Họ cũng thấy các chương trình giải trí trực tuyến, chơi game thú vị hơn.
Nhiều người già muốn đi du lịch nước ngoài trở lại sau đại dịch cũng giảm. Aki Fukuyama, 87 tuổi, từng có nhiều chuyến đi chơi golf ở nước ngoài. Ông mong muốn có thể ra nước ngoài tiếp, nhưng bị cản trở về tuổi tác và sức khỏe. Ông dự định đi trong nước, những điểm gần, "nếu được mời".
Tuy nhiên, nghiên cứu của Nakamura cũng chỉ ra những người thích đi du lịch sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên. Họ sẽ thực hiện các chuyến đi nước ngoài ngay khi có cơ hội. "Điều này đúng cho cả trước và sau dịch", theo Nakamura.
Yama Kase, 25 tuổi, sống ở Tokyo thích đến các quốc gia mới và giao lưu với mọi người. Nhưng mẹ cô ghét đi du lịch, chỉ thích cuộc sống với những thói quen cố định hàng ngày. Nơi xa nhất mẹ cô đến năm 2022 là trung tâm mua sắm.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia, lượng khách Nhật đi nước ngoài năm 2019 là khoảng 20 triệu lượt người, đến 2022 con số này đã giảm 86%, còn khoảng 2,7 triệu. "Những người trước đây đi du lịch vì giá rẻ hoặc đặc biệt không thích đi du lịch, giờ không đi nữa", Toriumi nói.
Anh Minh (Theo CNN)
Link nội dung: https://travelteam.vn/nhung-ly-do-khien-nguoi-nhat-it-du-lich-nuoc-ngoai-173.html