Thấy người đàn ông có tuổi đang trú mưa dưới mái che của tiệm tạp hóa, anh chủ quán cà phê sang mở lời: "Chú mặc cái
Mưa... làm nhớ chuyện ngày cũ (Ảnh minh họa từ Internet)
Tấm lòng và chiếc áo mưa của anh chủ quán cà phê làm tôi nhớ chuyện ngày cũ, cái ngày tôi còn một đứa trẻ lẽo đẽo bên ba trong chiếc áo mưa. Nói áo mưa nhưng thật ra chỉ là một bao ni-lông cắt đôi choàng qua vai rồi túm hai đầu cột lại. Khá hơn chút là chiếc áo mưa được may gấp mí, kín và thẩm mỹ hơn, tất nhiên là cũng được làm từ bao phân u-rê.
Tấm ni-lông ấy theo chị em tôi suốt mấy mùa mới thay. Khép lại vụ mùa, bao phân u-rê trong nhà cũng vơi. Lúc này má cẩn thận lấy bao ni-lông giặt sạch rồi xếp ngay ngắn để dành. Ngoài làm áo mưa, tấm bao này còn dùng cho nhiều việc, vậy nên nó còn là thứ thiết yếu trong mỗi gia đình nghèo khó lúc bấy giờ.
Chứ hồi đó, thế hệ chúng tôi làm gì có được chiếc áo mưa đúc nhựa dẻo với màu ưa nhìn, kiểu dáng thời trang, tiện lợi, rồi áo mưa cho trẻ thì còn in hình con thú này con thú kia.
Càng nhớ chuyện mấy mươi năm trước, nhớ như in dáng ba còm nhom trong chiếc áo mưa ni-lông thùng thình mỗi ngày mưa gió. Mưa tháng 6 miền Trung như rót đều vào từng khe nứt nẻ trên đồng do hạn hán dài ngày. Mưa thời điểm này, người lớn bớt lo chuyện nước sinh hoạt, tưới rau màu... Riêng bọn trẻ chúng tôi thì khoái chí lắm, chỉ trông mưa để khoác áo mưa ni-lông chơi trò này trò kia rồi sau đó cởi ra chạy tung tăng tắm mưa.
Ba nói mưa trái mùa nhiều cá lắm; hiểu ý, má soạn đôi lưới và áo mưa ni-lông để sẵn trước hiên. Ba ra sau hè lấy sõng rồi đội ra bờ sông. Ngay lúc đó, tôi cột tấm ni-lông thật kỹ, nó quá rộng và dài nhưng tôi cảm thấy thú vị vì điều đó, ôm lưới và cây dầm lon ton sau chân ba. Ra đến bến sông, ba thả sõng xuống nước rồi đánh tay dầm cho sõng cập ngang bờ để tôi dễ dàng bước lên. Trước đó, ba nhắc đi nhắc lại phải cẩn thận để không bị vướng, vấp bao ni-lông mà té ngã. Ba ngồi song giữa sõng, tay bơi tay nhặt từng đoạn lưới thả dọc theo bờ sông. Tôi ngồi bệt dưới tấm vạt sõng, chăm chú nhìn tay ba rê dầm nhè nhẹ. Thi thoảng gió lớn hắt mưa thì lại chui vào sau áo mưa của ba, đến giờ tôi vẫn còn cảm giác ấm và an toàn.
Đi học ngày mưa, đứa kỹ tính thì lúc nào cũng chuẩn bị tấm bao ni-lông trong cặp, đứa không có thì được đi ké. Lúc đó, tấm bao ni-lông lại được căng ra, mỗi người cầm một góc che suốt quãng đi, về. Nhà dột khắp nơi, tấm bao ni-lông cũng là thứ vật liệu có sẵn để "chữa" dột hiệu quả.
Bây giờ, không quá lo toan cuộc sống cơm áo nhưng có chiếc áo mưa mới, má lại cẩn thận đem cất vào tủ, trong khi má vẫn khoác chiếc áo mưa cũ mấy mùa bạc thếch, tả tơi. Má cất đó để biết đâu con cháu lại về vào mùa mưa có cái mà xài. Người lớn lo xa, lại trông mong con cháu về quê thường xuyên là vậy.
Bên kia đường, lũ trẻ tan lớp học hè. Đứa thì được che dù bước lên xe hơi. Đứa thì mẹ mặc cho áo mưa hình thú ngộ nghĩnh chờ người thân đến đón... Vậy thôi mà cứ thích nhìn, thích dõi theo như để tìm lại mình của ngày xa.
Quán thưa khách. Mưa tiếp tục rơi. Cái lạnh lùa qua ô gió, ngay lúc này thèm được về với ngày cũ, để được vén tấm ni-lông rồi rúc vào lưng ba, thế là đủ.
Link nội dung: https://travelteam.vn/ao-mua-1781.html