Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đã thông báo ngay cho đối tác ở những thị trường trọng điểm khách quốc tế về chính sách visa mới, đồng thời chuẩn bị sản phẩm, tour tuyến cho mùa du lịch quốc tế cuối năm.
Đẩy mạnh sản phẩm liên tuyến, liên quốc gia
Theo các DN, chính sách visa mới thông thoáng, thuận lợi hơn là cơ sở để xây dựng các sản phẩm liên tuyến, liên vùng, liên quốc gia nhằm thu hút khách đến. Với các hãng hàng không, đây là cơ hội để nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các đường bay mới từ các thị trường trên thế giới. Một trong những sản phẩm được nhiều DN nhắc đến có thể triển khai ngay khi chính sách visa mới có hiệu lực là sản phẩm du lịch liên tuyến, liên quốc gia xuyên 3 nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia) hay liên tuyến Việt Nam - Campuchia…
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, phân tích trước đây thời gian tạm trú cho khách được miễn visa 15 ngày là quá ít, đặc biệt với phân khúc khách Tây Âu có thói quen du lịch dài ngày, đi nghỉ dưỡng. Như Vietluxtour phục vụ dòng khách từ Hà Lan, Đức…, họ có thể ở Việt Nam hơn 20 ngày. Trong lịch trình, họ thường từ Việt Nam đi Campuchia, Lào rồi quay trở lại Việt Nam nhưng mỗi lần như vậy phải xin lại visa. Điều này khiến du lịch Việt Nam kém cạnh tranh so với Thái Lan, Singapore…
"Nay, chính sách visa mới sẽ kích thích phân khúc khách lưu trú, du lịch dài ngày. Riêng với nhóm khách chuộng đi du lịch xuyên 3 nước Đông Dương trong đó Việt Nam có lợi thế về điểm đến, đường bay nhiều nên có thể thu hút khách ở lâu hơn. Hiện tại, chúng tôi đã thông báo cho các đối tác ở nước ngoài về chính sách visa mới và đang chờ hướng dẫn tiếp theo từ các nghị định, thông tư khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-8, để triển khai các bước tiếp theo" - ông Trần Thế Dũng nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhận định việc nâng thời hạn của visa điện tử có thể xem là cú hích lớn cho du lịch Việt Nam, trong đó có TP HCM, trong thời gian tới. Về truyền thông, đây là cơ hội để du lịch đẩy mạnh công tác quảng bá tại các thị trường khách quốc tế, các thị trường trọng điểm và tiềm năng, đặc biệt là những thị trường xa, có đường bay dài hay phân khúc khách nghỉ dưỡng, khách tàu biển cần thời gian lưu trú dài.
"Thời hạn visa kéo dài và được nhập cảnh nhiều lần cũng tạo ra không gian để DN chào bán sản phẩm, cung cấp các dịch vụ linh hoạt cho khách như điều chỉnh thời gian khởi hành, thay đổi lịch trình… TP HCM ngoài là điểm đến, còn là điểm trung chuyển khách du lịch lớn nhất nước, nên là cơ hội để đẩy mạnh liên kết, hợp tác với khu vực BĐSCL, Đông Nam Bộ xây dựng các sản phẩm của vùng nhằm thu hút khách đến và từ đây có thể đi các vùng khác của Việt Nam. Hay xa hơn là sản phẩm đi các nước lân cận, sau đó quay lại TP HCM để bay về" - bà Ngọc Hiếu nói.
Du khách quốc tế tại cảng quốc tế Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TẤN THẠNH
Tăng cường quảng bá
Ông Phạm Hà - CEO Lux Group, đơn vị chuyên khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng du thuyền 5 sao qua đêm - cho biết ngay khi Quốc hội thông qua chính sách visa mới, công ty ông đã thông báo tới các đối tác nước ngoài để chuẩn bị xây dựng sản phẩm "Nhiều nước - một hành trình".
Cũng theo lãnh đạo DN này, cửa visa đã mở, du khách sẽ vào nhiều, rồi "chủ nhà" sẽ tiếp đón ra sao để họ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn? Do đó, điều quan trọng lúc này là cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới trên sông, biển và liên kết các vùng với nhau. Công tác quản lý điểm đến cũng cần được nâng cao để giúp du lịch phát triển bền vững, phù hợp với xu thế hiện đại, phải xóa bỏ nỗi sợ của du khách về rác, nhà vệ sinh bẩn, thái độ phục vụ, nạn chèo kéo, chặt chém…
"Làm sao để khách đến phải vui hơn là bài toán mà những nhà làm du lịch, cơ quan quản lý nhà nước tính tới. Mỗi phân khúc, thị trường khách có những niềm vui khác nhau nên cần tạo thêm nhiều trải nghiệm đa dạng ở các điểm đến, thay vì chỉ "bán cái mình có". Một thành phố ven sông đẹp như TP HCM cần có tàu trên sông, dịch vụ du thuyền cho khách ngủ đêm trên sông, kết nối tour đường sông với các khu vực lân cận ra sao…" - ông Hà góp ý.
Ngoài ra, điều quan trọng lúc này là tăng cường quảng bá điểm đến để du khách quốc tế biết mà tới. Một lãnh đạo Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho hay mỗi thời điểm và tùy từng thị trường như Bắc Mỹ, châu Âu hay những thị trường gần ở châu Á, Đông Nam Á..., công ty sẽ có chiến lược quảng bá khác nhau. Công ty tập trung đẩy mạnh quảng bá thu hút dòng khách doanh nhân tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh kết hợp du lịch.
"Với tour liên tuyến, để khách tới Việt Nam rồi đi các nước lân cận trong khu vực như Campuchia, Thái Lan... và quay trở lại Việt Nam, chính sách visa mới cho phép ra vào nhiều lần là rất cần thiết và quan trọng. Công ty đang tăng cường quảng bá và thiết kế thêm những tour liên tuyến, đồng thời từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh chương trình quảng bá ở Nhật Bản hay Trung Quốc để thu hút các dòng khách này" - lãnh đạo Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nói.
Với TP HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay chính quyền đã có chủ trương để Sở Du lịch và các sở, ngành, hiệp hội du lịch và DN tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại Singapore, Campuchia, Thái Lan, Úc và sắp tới là Mỹ, Canada, Bỉ… Ngành du lịch thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng sản phẩm mới như du lịch cộng đồng giai đoạn 2 tại Thiềng Liềng (Cần Giờ), nâng chất sản phẩm mới đã có và tổ chức những lễ hội, sự kiện đặc sắc như Lễ hội Sông nước, Tuần lễ Du lịch, Giải Marathon quốc tế, Lễ hội Âm nhạc Hò dô, Lễ hội Khinh khí cầu…
"Sở sẽ phối hợp với DN để hình thành các sản phẩm liên vùng hấp dẫn và xây dựng kế hoạch quảng bá xúc tiến tại một số thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Mỹ, Úc… Ngành du lịch cũng tăng cường giới thiệu chính sách visa mới của Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao, kênh của DN và đặc biệt là tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM - ITE HCMC năm nay" - bà Ngọc Hiếu nói.
Tạo ra nhiều sản phẩm mới
Theo số liệu từ Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, trong 5 tháng đầu năm, nước này đã đón 11,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu 3,67 tỉ USD. Với đà này, Thái Lan có thể sớm hoàn thành chỉ tiêu đạt ít nhất 25 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Kinh nghiệm làm du lịch của Thái Lan đã được đại diện Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines chỉ ra.
Cụ thể, người Thái đã triển khai rất nhiều chính sách quyết liệt để đẩy sớm quá trình phục hồi du lịch. Họ nỗ lực tiếp thị điểm đến, tập trung vào 2 thị trường chiến lược là Trung Quốc và các quốc gia có tiềm năng đón hơn 1 triệu du khách, bao gồm Malaysia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thị trường khách đường bay ngắn tiếp tục là chìa khóa cho sự phục hồi du lịch trong năm nay, đóng góp 62% về doanh thu và 72% về lượng khách cho Thái Lan.
Do đó, Vietnam Airlines cho rằng ngành du lịch Việt Nam bên cạnh cải thiện chính sách visa thông thoáng hơn, cần tổ chức các chiến dịch quảng bá điểm đến hiệu quả, trước mắt tập trung tại các thị trường chính (Mỹ, Canada, châu Âu, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore).
Về dài hạn, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và có quy hoạch, phân bổ nguồn lực xứng đáng. Cần xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tổ chức các sự kiện, lễ hội phát động du lịch quy mô lớn, tạo tiếng vang và có khả năng thu hút du khách...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-6
Link nội dung: https://travelteam.vn/du-lich-but-pha-nho-cu-hich-visa-giai-bai-toan-giu-chan-du-khach-1797.html