Chân dung danh họa Trần Phúc Duyên lúc sinh thời
Lần đầu tiên, sau 71 năm kể từ lần triển lãm tại Sài Gòn vào năm 1952, họa sĩ Trần Phúc Duyên đã chính thức trở về Việt Nam trong một sự kiện văn hóa giàu màu sắc di sản. Gần 150 tác phẩm và tư liệu tiêu biểu cho sự nghiệp của Trần Phúc Duyên sẽ lần lượt dẫn người xem đi qua 9 không gian trưng bày, kể câu chuyện cuộc sống và sáng tác của người họa sĩ từ khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), đến khi di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sỹ (1968-1993), và mất tại đó.
Từ khi rời quê hương năm 1954 cho đến khi mất, Trần Phúc Duyên chưa quay lại Việt Nam. Sau khi ông qua đời năm 1993, toàn bộ tranh, phác thảo, tài liệu, giấy tờ, sổ sách ghi chép của ông được đóng thùng và lưu tại nhà kho ngoại ô thủ đô Thụy Sĩ nơi ông sống và làm việc từ năm 1968.
Năm 2017, các tác phẩm của ông được giới thiệu tại Bern, trong triển lãm "Kho Báu Bị Bỏ Quên", nơi bộ đôi nhà sưu tập Phạm Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) lần đầu tiếp xúc và vô cùng xúc động trước những bức tranh đậm tình quê hương của người họa sĩ quá cố.
Từ đây, khởi đầu hành trình hồi hương di sản nghệ thuật bị "ngủ quên" trong yên bình, tĩnh lặng suốt 24 năm, để rồi 5 năm sau, mở ra triển lãm hồi cố Họa duyên tương ngộ.
Những nghiên cứu, sáng tạo của sơn mài Trần Phúc Duyên từ phức hình đến tối giản qua 9 cụm chủ đề lớn trong 9 không gian trưng bày đã được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê: Thời kỳ tại trường Mỹ thuật Đông Dương trước 1945, Xưởng sơn mài Quán Thánh (1945 – 1954), Cuộc sống và sáng tác tại Châu Âu sau năm 1954, Đời sống Đông Dương, Phong cảnh, Sinh vật cảnh, Thủy mặc, Trừu tượng, Phúc niệm.
Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng Họa duyên tương ngộ là triển lãm có quy mô phổ quát nhất trưng bày hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, bao gồm các tư liệu riêng tư, cá nhân của cố họa sĩ và gia đình.
Một số tác phẩm của danh họa
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 6-8.
Link nội dung: https://travelteam.vn/hoa-duyen-tuong-ngo-chinh-thuc-mo-cua-1970.html