Không dễ làm phim về ngành nghề

Nhiều phim truyền hình đã đưa các ngành nghề trong đời sống lên màn ảnh nhưng không phải tác phẩm nào cũng chinh phục được khán giả

Phim truyền hình "Lụa" do đạo diễn Trần Đức Long thực hiện, dài 31 tập, sẽ phát sóng vào lúc 19 giờ 30 phút trên kênh HTV7 từ ngày 6-3. Phim lấy đề tài thời trang, nghề dệt lụa truyền thống làm nội dung chính.

Đừng "cưỡi ngựa xem hoa"

"Lụa" được quay tại TP HCM, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đồng Nai và tái hiện làng nghề truyền thống lụa Duy Xuyên ở Quảng Nam từ quá khứ đến hiện đại. Tác phẩm này được Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) đầu tư lớn với kỳ vọng sẽ chinh phục khán giả khi kể câu chuyện về thời trang hiện đại trên chất liệu lụa truyền thống một cách dung hòa, ấn tượng.

Trước đó, nghề làm tranh cát nghệ thuật đã được giới thiệu trong phim truyền hình "Màu cát" do NSƯT Nhâm Minh Hiền đạo diễn. Phim này đang được phát sóng lúc 19 giờ 45 phút trên kênh SCTV14. "Màu cát" được quay ở nhiều vùng miền trên đất nước với bối cảnh chính tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Phim truyền tải thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình người và trên hết là tôn vinh nghề làm tranh cát...

Phim truyền hình Việt khai thác về các ngành nghề không phải ít. Trên màn ảnh nhỏ, khán giả từng được xem phim về nghề y, nghề báo, kiểm lâm, công an, đầu bếp… Tuy nhiên, phim về ngành nghề trước đây chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", mô tả công việc bề nổi, làm phông nền cho câu chuyện khác nên chưa đủ sức thuyết phục khán giả. Đó là những phim như: "Lời thề Hippocrates" (đạo diễn: Phạm Thanh Phong), "Gia tài bác sĩ" (đạo diễn: Nguyễn Minh Cao), "Chân trời trắng" (đạo diễn: Phạm Gia Phương - Nguyễn Đức Hiếu)…

Không dễ làm phim về ngành nghề - Ảnh 1.

Phim “Màu cát” tôn vinh nghề làm tranh cát. (Ảnh do SCTV14 cung cấp)

Vài năm gần đây, nghề trên phim được chú trọng đào sâu hơn với những tác phẩm như: "Vua bánh mì" do NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền thực hiện, "Bánh mì ông Màu" của đạo diễn Nguyễn Quang Minh, "Hành trình công lý" do NSƯT Nguyễn Mai Hiền đạo diễn…

Theo nhiều nhà chuyên môn, phim về các ngành nghề không dễ thực hiện đến nơi đến chốn vì nhiều yếu tố, từ kiến thức của người biên kịch đến mức độ đầu tư của nhà sản xuất và nỗ lực của diễn viên. Nhà biên kịch muốn viết được về ngành nghề nào đó phải đọc nhiều, hiểu rộng và nắm vững các thuật ngữ cơ bản để tránh "sạn".

"Khán giả sẽ không tin vào nhân vật - cụ thể là khó thể tin một người làm bác sĩ khi chỉ dựa vào việc mặc áo blouse trắng và đi lại trong bệnh viện, chẳng thể hiện được kiến thức chuyên ngành, tác phong cần thiết hoặc không hề đụng chạm đến kim tiêm, dao mổ. Nếu quá tập trung vào câu chuyện nhân vật thì yếu tố nghề sẽ chỉ là phông nền mờ nhạt, trong khi nếu quá chú trọng vào nghề thì lại dễ tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho khán giả. Sự cân bằng, đan xen giữa nhân vật và nghề nghiệp cần phải vừa đủ nhưng không hề dễ thực hiện" - nhà biên kịch Đông Hoa nhận xét.

Nỗ lực vượt khó

Một số khó khăn, thử thách khi làm phim khai thác về ngành nghề được người trong giới liệt kê gồm: kiến thức, sự hiểu biết; nguồn vốn nhà sản xuất, sự hưởng ứng từ các nhà tài trợ và diễn xuất của diễn viên.

Đến nay, Việt Nam chưa có phim trường hay xưởng phim chuyên ngành, không có nhiều kinh phí để xây dựng bối cảnh, mua sắm thiết bị chuyên biệt phục vụ việc quay phim. Vì thế, nhiều phim khai thác về ngành y trước đây không có các cảnh chuyên ngành do khó khăn về kinh phí, dẫn đến tác phẩm kém thu hút so với những phim cùng chủ đề của Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều diễn viên không có cơ hội thực tập, tiếp cận ngành nghề mình sẽ thể hiện nên khó thuyết phục khán giả. Một số nhà biên kịch không có trải nghiệm, thiếu sự tư vấn từ người có chuyên môn dẫn đến kiến thức sai lệch, bị phản ứng khi phim phát sóng. Muốn vượt qua những thử thách này, nhà làm phim buộc phải nỗ lực để tác phẩm dù chưa được hoàn hảo thì cũng phải bảo đảm tiêu chí tôn vinh nghề lồng ghép trong câu chuyện muốn kể cho khán giả.

"Tôi gặp nhiều khó khăn với phim "Lụa" do không có nhiều kiến thức về thời trang, về nghề dệt lụa. Tôi phải nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của người trong giới; phải đọc sách, tìm hiểu trên báo, trên mạng và các kênh thông tin khác rồi trò chuyện, học hỏi người trong ngành. May mắn là tôi được các hãng thời trang hỗ trợ trang phục, các nhà thiết kế hỗ trợ chuyên môn và họ cũng tham gia diễn xuất trong phòng thiết kế của phim" - đạo diễn Trần Đức Long nhớ lại.

Theo NSƯT - đạo diễn Nhâm Minh Hiền, trước khi quay phim "Màu cát", ông phải tìm các nghệ nhân làm tranh cát để học hỏi. Đoàn phim cũng có người cố vấn là chuyên gia về tranh cát, hằng ngày có mặt ở phim trường để góp ý về kịch bản, tạo hình, cách nói chuyện, lời thoại của diễn viên...

"Quá trình sáng tác tranh cát nghệ thuật rất công phu, việc đi tìm màu cát nguyên thủy cũng rất gian nan. Máy móc không thể tạo ra tranh cát, chỉ có con người với thao tác thủ công và bằng trí tuệ, nhãn quang mới làm ra được tác phẩm. Sâu xa hơn, sáng tác tranh cát mà tâm động thì không thể có tác phẩm đẹp được. Đó cũng là lý tưởng sống của mỗi người - chọn cách sống giả dối hay chân thật" - đạo diễn Nhâm Minh Hiền nhìn nhận.

Trong khi đó, nhà biên kịch Thanh Hương cho rằng thách thức của việc làm phim về ngành nghề là khán giả truyền hình đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi. Nếu phim có chi tiết sai thuật ngữ, sai kiến thức cơ bản sẽ bị họ chỉ trích ngay.

"Kịch bản Việt hóa "Hạnh phúc bị đánh cắp" do tôi thực hiện sẽ được bấm máy vào tháng 4-2023. Đây là tác phẩm khai thác về nghề thêu. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi kiến thức thêu từ các nghệ nhân ở XQ. Nếu đã mô tả về nghề chuyên biệt thì không thể sai lệch kiến thức, để lại "sạn" cho phim" - nhà biên kịch Thanh Hương nhấn mạnh.

Các nhà làm phim cho hay đưa một ngành nghề nào đó lên màn ảnh không phải chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, nếu chỉ hời hợt, thoáng qua thì sẽ không tạo được dấu ấn; mà mô tả cận cảnh, kỹ lưỡng thì cần kiến thức chuẩn, đầu tư cẩn trọng. Ngoài ra, sự cân bằng giữa yếu tố nghề cùng câu chuyện phim cần được bảo đảm để mang đến trải nghiệm vừa đủ cho khán giả.

Link nội dung: https://travelteam.vn/khong-de-lam-phim-ve-nganh-nghe-204.html