Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" được trình diễn tại Cảng Sài Gòn - Cảng hành khách tàu biển vào lúc 20 giờ ngày 6-8. Đây là điểm nhấn của Lễ hội Sông nước TP HCM lần I - 2023, do UBND thành phố chỉ đạo, Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao cùng các đơn vị liên quan thực hiện.
Đến tham dự chương trình gồm các ông: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Minh Triết -Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; Trương Mỹ Hoa - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM...
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lãnh đạo TP HCM tham dự chương trình "Dòng sông kể chuyện"
Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu tại chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện"
"Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" ngay tại Cảng Sài Gòn, bên dòng sông Sài Gòn, như một bản tổng phổ về thiên nhiên, con người của vùng đất được dòng sông dáng cung đàn ôm trọn vào lòng; như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp cư dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau" - ông Phan Văn Mãi cho biết.
"Dòng sông kể chuyện" là chương trình nghệ thuật thực cảnh đầu tiên của TP HCM, tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người, xã hội, văn hóa, qua các thời kỳ phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP HCM.
Chương trình có thời lượng gần 2 tiếng, trải qua 5 chương gồm: "Khẩn hoang"; "Xây thành"; "Trên bến dưới thuyền"; "Thương cảng phồn vinh"; "Rực rỡ thành phố bên sông". Qua mỗi chương, lịch sử hình thành, phát triển của thành phố bên sông được hiện dần lên một cách rõ nét, hoành tráng như những thước phim sống động, tinh tế và đặc sắc.
Hành trình khai khẩn vùng đất Phương Nam
Ở chương đầu tiên, chương trình lấy cảm hứng từ câu chuyện khai khẩn vùng đất phương Nam và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc để tái hiện không khí xây dựng cuộc sống mới đầy sôi nổi. Chương này truyền tải thông điệp về sự sinh sôi qua ngôn ngữ múa đậm sắc dân gian với cây lúa - cây lương thực chính, biểu tượng của sức sống, là vòng tuần hoàn của thời gian trong mỗi khắc chuyển mùa.
Tinh thần đoàn kết của đồng bào
không khí xây dựng cuộc sống mới
Cùng chung sức, chung lòng
Chương "Xây thành" đưa khán giả ngược dòng thời gian về với những dân phu dựng nên thành Gia Định- tòa thành được xây bằng đá ong Biên Hòa, giúp giữ vững an ninh vùng Gia Định.
Nỗ lực "Xây thành"
Dốc sức xây thành
Trong đó, "Trên bến dưới thuyền" tái hiện nhịp sống và hình ảnh thân quen của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở xứ Sài Gòn - Gia Định xưa: làng mắm, làng rèn, làng dệt chiếu, làng đóng ghe thuyền và cả những sản phẩm gốm Cây Mai tinh xảo, nức tiếng một thời…
Nhộn nhịp hoạt động buôn bán
Đủ loại hình giao thương
"Trên bến dưới thuyền" nhộn nhịp
Bến cảnh thương mại sôi động được tái hiện trong chương "Thương cảng phồn vinh" với hình ảnh những con tàu cập bến, đưa những thương nhân, du khách đến trao đổi hàng hóa, giao thương buôn bán với người dân bản địa.
Thương cảng phồn vinh
Thương cảng phồn vinh
Cuối cùng, "Rực rỡ thành phố bên sông" khắc họa một TP HCM trẻ trung, năng động, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và luôn ngập tràn tình yêu thương.
Sôi động và rộn rã, khát khao vươn lên
Những thực cảnh được thiết kế tỉ mỉ, các gian hàng xưa cũ được phục dựng tạo nên sự hoài niệm, cảm xúc chân thật về thời xa xưa của vùng đất trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của Nam Bộ.
Chương trình còn sử dụng hệ thống nhạc nước, hệ thống ánh sáng… cũng được vận dụng một cách hài hòa, tạo hiệu ứng mãn nhãn, mãn nhĩ cho khán giả.
Ban tổ chức kỳ vọng "Dòng sông kể chuyện" sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo chưa từng có dành cho du khách khi họ đến TP HCM.
Link nội dung: https://travelteam.vn/choang-ngop-voi-chuong-trinh-dong-song-ke-chuyen-2043.html