Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 90 năm ngày sinh của
GS Hoàng Xuân Sính
Tập sách về luận án của nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam - GS Hoàng Xuân Sính - do Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành (Ảnh do Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm cung cấp)
Đại diện NXB Đại học Sư phạm cho biết luận án tiến sĩ của GS Hoàng Xuân Sính là một công trình rất có giá trị về mặt khoa học, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về sau của lý thuyết "n-Catégories" và ứng dụng trong Vật lý tô-pô. Công trình này không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng toán học quốc tế bởi nội dung phong phú và những kết quả khoa học quan trọng, mà còn thu hút các độc giả quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Xuân Sính. Một điểm quan trọng nữa là luận án này chưa từng được xuất bản mặc dù đã có nhiều bản sao công trình luận án do tác giả viết tay bằng tiếng Pháp được lưu tại thư viện của nhiều trường đại học ở Pháp và một số nước châu Âu.
Khi tương lai khoa học tại Pháp đang rộng mở, bà trở về quê hương theo tiếng gọi của Tổ quốc. Về nước, bà chọn đi dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chiến tranh chống Mỹ, phải sơ tán, bà vừa dạy học vừa làm luận án tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của thiên tài toán học thế kỷ XX Alexander Grothendieck. GS Hoàng Xuân Sính từng chia sẻ trong suốt 8 năm làm luận án, bà chỉ nhận được 2 - 3 bức thư từ người thầy, do ảnh hưởng của chiến tranh.
Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức tại Vancouver (Canada). Tháng 5-1975, GS Hoàng Xuân Sính sang Paris, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 7 trước đông đảo giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều. Bà tâm sự đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. GS Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.
Năm 1988, GS Hoàng Xuân Sính nhận được thư của GS Bùi Trọng Liễu gửi về từ Pháp mời bà cùng 4 nhà khoa học danh tiếng khác trên cả nước cùng lập nên một trường đại học tư nhân để khắc phục các nhược điểm của trường đại học công lập trong hoàn cảnh bấy giờ. GS Hoàng Xuân Sính đã đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xin mở trường đại học nhưng không xin tiền nhà nước và được Tổng Bí thư đồng ý. Sau nhiều nỗ lực, ngày 15-12-1988, bà nhận được giấy phép đồng ý thành lập Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long).
GS Hoàng Xuân Sính đã gắn bó toàn bộ quá trình công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học từ khi bắt đầu bước vào nghề dạy học cho đến lúc về hưu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà từng được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp vì những đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa 2 quốc gia Pháp - Việt...
Với uy tín cao về mọi mặt, bà từng giữ nhiều trọng trách trong các tổ chức như: Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam...
Link nội dung: https://travelteam.vn/xuat-ban-luan-an-tien-si-cua-gs-hoang-xuan-sinh-2172.html