Phim “Đất rừng phương Nam” có xuyên tạc lịch sử?

(NLĐO) - Ngay sau khi phim “Đất rừng phương Nam” do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn ra mắt suất chiếu sớm từ tối ngày 13-10 đến nay, tác phẩm gây sốt trên mạng xã hội với hàng loạt ý kiến trái chiều.

Trong đó, nhiều khán giả khen phim nhưng cũng không ít người phản ứng cho rằng phim đề cao vai trò Thiên Địa Hội, xuyên tạc lịch sử.

Phim "

Một cảnh trong phim "Đất rừng Phương Nam"

Phim mang đến nhiều hình ảnh đẹp, gợi nhớ về vùng đất phương Nam trù phú, màu mỡ về sản vật. Dàn diễn viên diễn xuất từ tròn vai đến tốt, ấn tượng nhất là Tuấn Trần vai Út Lục Lâm, Băng Di vai Tư Mắm, Tiến Luật vai ông Tiều.

Trấn Thành diễn chưa ra chất nhân vật Bác Ba Phi khi chưa thể chọc cười khán giả bằng lối kể chuyện của mình nhưng cũng không đến mức quá tệ. Âm nhạc được phối mới đầy hào hùng, tạo được cảm xúc cho tác phẩm.

Câu chuyện phim có nhiều thay đổi theo hướng giải trí, mạch nhanh, pha trộn yếu tố bi - hài, tạo kịch tính với những phân cảnh hành động, cháy nổ. Khác với cái tình trong phiên bản truyền hình, bản điện ảnh đề cao cái nghĩa, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm.

Những điểm hạn chế của phim nằm ở chỗ kỹ xảo còn chưa tốt, tác phẩm cho thấy được sự trù phú của một phương Nam sung túc sản vật nhưng lại chưa thấy nhiều sự đàn áp của ngoại xâm với vùng đất này. 

Những cảnh áp bức, bóc lột chưa thể hiện đủ để làm nền cho các hoạt động nổi dậy khiến cho cảm xúc còn ở lưng chừng, chưa được đẩy lên cao trào.

Ngay sau khi "Đất rừng phương Nam" ra rạp, nhiều khán giả khen ngợi phim: "Phim quá đẹp, nội dung không như bản truyền hình nhưng giải trí vừa đủ"; "Tôi quá xúc động khi nhạc phim vang lên, mọi người xem xong không về mà ở lại vỗ tay, hát theo nhạc phim"; "Tôi nghĩ phim giải trí tốt, diễn viên diễn xuất cũng tốt"…

Nhiều đạo diễn, diễn viên khen ngợi phim: "Phim đem đến tiếng cười, nước mắt và cả sự rung động về lòng tự hào dân tộc, về khí chất của con người miền Nam, và con người Việt Nam. Xem phim thấy yêu quê hương mình hơn, và yêu cái nghề của mình hơn" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh viết.

"Ngẹn ngào, nức nở, thương những con người của Đất rừng phương Nam quá xá. Cảm ơn ê-kíp cho mình thưởng thức một tác phẩm tràn đầy cảm xúc!" – đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ…

Phim “Đất rừng phương Nam” có xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 2.

Tiến Luật vào vai ông Tiều - thành viên Thiên Địa Hội

Phim “Đất rừng phương Nam” có xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 3.

Tuấn Trần vai Út Lục Lâm, diễn xuất tốt nhân vật này

Phim “Đất rừng phương Nam” có xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 4.

Bé Cò trong phim "Đất rừng Phương Nam

Phim “Đất rừng phương Nam” có xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 5.

Bé Xinh trong phim "Đất rừng Phương Nam"

Bên cạnh đó, một số người cho rằng tác phẩm đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội, trang phục của người Hoa, không phải của người miền Nam ngày xưa. Họ nhận định: "Phim đề cao Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh, xuyên tạc lịch sử"; "Tôi đề nghị hội đồng kiểm duyệt xem xét cấm chiếu phim này"; "Phim lật sử mà cũng được duyệt, đổi tên thành Đất rừng Trung Hoa"…

Tiến sĩ Hà Thanh Vân viết bài dài trên trang mạng xã hội Facebook, có đoạn trích: "Thật ra bộ phim với chuyện lấy "Thiên Địa Hội" làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ", vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật đóng) đi mãi võ.

Nhưng cũng nên lưu ý là gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu. Thưa rằng các gánh "Sơn Đông mãi võ" thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh và cụ Nguyễn Hiến Lê có viết điều này rất rõ. 

Thế thì, sau khi xem phim xong, tôi nghĩ là đổi tên phim là tốt nhất, khỏi chê trách, so sánh gì với nguyên tác "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi. Tên phim là "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ"!".

Trước sự chỉ trích này, nhiều người trong giới lẫn một số khán giả cho rằng phim điện ảnh là tác phẩm hư cấu, không phải tư liệu lịch sử, không thể xem như phim tài liệu để soi mói từng chi tiết. 

Ngay từ ban đầu, nhà làm phim đã nói rõ phim chỉ lấy cảm hứng câu chuyện bé An đi tìm cha trải dài khắp vùng đất phương Nam và gặp được những con người hào sảng của vùng đất này, không chuyển thể theo đúng nguyên tác.

Ở bản truyền hình, bối cảnh phim cũng được lùi lại trước năm 1930 so với nguyên tác tiểu thuyết là sau năm 1945, do những biến động lịch sử giai đoạn này còn Việt Minh ra đời từ 1941. Phim điện ảnh làm theo cột mốc bối cảnh này của phiên bản truyền hình, để có thêm những tình tiết được bổ sung làm dày thêm câu chuyện phim.

Thêm vào đó, người Hoa kiều gồm cả người Tiều (Triều Châu) xuất hiện nhiều ở phương Nam xưa nên dấu ấn của họ trong trang phục không thể phủ nhận. Vì thế, nhà làm phim vẫn có thể sáng tạo trong khuôn khổ đủ để tạo nên tác phẩm phục vụ khán giả dưới góc nhìn mới.

Trấn Thành: “Đất rừng Phương Nam hơn 100 tỉ đồng mới hòa vốn”

Hãy cứ xem "Đất rừng phương Nam" là một tác phẩm điện ảnh đậm tính giải trí, thương mại.

Phim “Đất rừng phương Nam” có xuyên tạc lịch sử? - Ảnh 7.

Trấn Thành bị chỉ trích trang phục nhưng đây chỉ là hình ảnh trong video ca nhạc (MV) "Bài ca Đất Phương Nam" - nhạc phim của "Đất rừng Phương Nam". Trang phục này không xuất hiện trong phim

Link nội dung: https://travelteam.vn/phim-dat-rung-phuong-nam-co-xuyen-tac-lich-su-2350.html