Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc

Thông tin Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15-3 thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, mở ra triển vọng rất lớn về phục hồi du lịch quốc tế

Chiều 9-3, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho hay việc mở cửa trở lại du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam là tin vui mà các doanh nghiệp (DN) chờ đợi từ nhiều tháng qua. Trước đó, rất nhiều DN đã chuẩn bị sản phẩm, quảng bá và sẵn sàng đón khách nhưng sau đó, Việt Nam chưa có tên trong danh sách ở đợt đầu vào tháng 1-2023.

Mọi thứ đều đã sẵn sàng

Ông Đào Trọng Tùng - Giám đốc Công ty CP Charter Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành đón khách Trung Quốc tại Khánh Hòa - ngày 9-3, cho biết 21 DN lữ hành thuộc hiệp hội đều đã có các kế hoạch, chương trình để thu hút khách Trung Quốc vào Việt Nam từ ngày 15-3, trong đó Khánh Hòa sẽ là địa điểm ưu tiên.

Sau 3 năm ngừng đón khách Trung Quốc do dịch COVID-19, ông Tùng đánh giá ngành du lịch Việt Nam bước đầu sẽ gặp một số trở ngại về đội ngũ hướng dẫn viên, phiên dịch; việc bảo đảm an toàn phòng dịch; nhiều dịch vụ vẫn chưa khởi động trở lại…

Xu hướng hiện nay khách Trung Quốc đi từng nhóm nhỏ, gia đình, chứ không đi theo đoàn lớn. Do đó, thị trường khách Trung Quốc dự kiến sẽ là những vị khách có tiền, chịu chi. Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay nắm bắt tâm lý của khách, nhiều DN lữ hành Trung Quốc đã chuẩn bị theo từng bước, phục hồi dần chứ không ồ ạt đưa khách qua.

Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc - Ảnh 1.

Khánh Hòa sẵn sàng đón khách quốc tế với nhiều chương trình hành động nhằm kích cầu, giới thiệu sản phẩm, điểm đến cho du khách. Ảnh: KỲ NAM

"Việc đón khách Trung Quốc phục hồi là điều sớm muộn. Do đó, chúng ta không quá nôn nóng hay lo lắng. Nhiệm vụ các DN trong nước là bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất, dịch vụ để phục vụ tốt vào những dịp cao điểm. Hiện các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú ở Khánh Hòa đã chuẩn bị tốt nhất về nhân lực, tích cực chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng…" - ông Nhựt nói.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có gần 1.150 cơ sở lưu trú với hơn 55.000 phòng. Công suất phòng vẫn còn thấp, do đó phải thu hút được khách quốc tế, nhất là khách Trung Quốc, để bù vào lúc thấp điểm khách nội địa. Ngành du lịch sẽ chuẩn bị đón khách một cách an toàn, bền vững và có lợi nhất. Sở đã chỉ đạo các DN du lịch tăng cường phòng chống dịch, bảo đảm an toàn đón khách quốc tế.

Tại Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết đã kết nối với các hãng lữ hàng, các đơn vị cung cấp sản phẩm tại Trung Quốc để khai thác thị trường này. Việc xúc tiến thị trường được thực hiện thường xuyên, chủ động, chứ không phải đợi đến mốc ngày 15-3 mở cửa cho khách đoàn.

Cho rằng việc chưa có sân bay là một bất lợi khi thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Bình Thuận, ông Trần Văn Bình, Giám đốc Khu Du lịch Little Mũi Né (TP Phan Thiết), khẳng định đang chuyển hướng thị trường này theo đối tượng khách lẻ và nghỉ ngắn ngày.

Hiện các cơ sở lưu trú, du lịch ở Bình Thuận vẫn tổ chức đón khách theo tiêu chuẩn quốc tế thông lệ. Riêng về biện pháp phòng chống dịch, nước ta đã mở cửa đón khách nên sẽ tuân thủ chung theo quy định của Chính phủ về y tế, không gây khó dễ hay đặt quy định riêng.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), thống kê hằng năm, số khách Trung Quốc ở Mỹ Sơn chiếm đến 25% trong cơ cấu tổng lượng khách. Vì vậy, Trung Quốc mở cửa thì du lịch Mỹ Sơn được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn. Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện hạ tầng, các sản phẩm để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết thị trường khách du lịch ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh này ước đạt 930.000 lượt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 425.000 lượt, tăng gấp 73 lần. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 970 tỉ đồng, tăng gấp 11 lần.

Mở thêm nhiều đường bay đến Trung Quốc

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, nhấn mạnh ngành du lịch địa phương và cộng đồng DN đã đưa việc thu hút khách Trung Quốc vào kế hoạch từ đầu năm 2023 và xác định đây là thị trường tiềm năng. Công tác chuẩn bị đã thực hiện hơn 3 năm nay nên tất cả mọi thứ từ nhân lực, cơ sở vật chất đều đã trên cả sẵn sàng. DN lữ hành của Trung Quốc cũng đã chuẩn bị kết nối để đưa khách sang Việt Nam. Tuy nhiên, để việc đón nguồn khách này được như cũ thì phải chờ các chuyến bay trực tiếp. Hiện Vietnam Airlines đã công bố một số đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đi Trung Quốc và một số DN cũng công bố các chuyến bay thuê chuyến.

Tại Khánh Hòa, Công ty CP Charter Việt Nam đang xúc tiến việc quảng bá, phối hợp các hãng lữ hành Trung Quốc để bay thuê bao từ Trung Quốc đến Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh vào tháng 3 này. Còn theo Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, đến ngày 23-3, hãng hàng không Vietjet tổ chức khoảng 35 chuyến bay đưa khách Trung Quốc từ 3 tỉnh: Tứ Xuyên, An Huy, Hồ Nam đến Khánh Hòa với tần suất 4-5 chuyến bay/tuần, mỗi chuyến sẽ có từ 180-220 khách du lịch Trung Quốc. Các hãng hàng không khác cũng đã có kế hoạch mở đường bay từ các thành phố lớn của Trung Quốc đến Khánh Hòa từ ngày 26-3.

Dưới góc độ DN, ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TSTtourist, cho biết công ty đã đầu tư xây dựng nhiều sản phẩm tour tuyến, dịch vụ chất lượng cao để đón khách Trung Quốc đi theo đường hàng không tới những điểm đến ở cả 3 miền của Việt Nam. Dòng khách được DN tập trung khai thác là khách đi tour trung, cao cấp, chi tiêu cao và sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ, sản phẩm chất lượng; riêng khách đi tour 0 đồng thì công ty không hướng tới.

"Nhu cầu đi du lịch của khách Trung Quốc là rất lớn sau khi mở cửa, trong đó Việt Nam là điểm đến thu hút. Các DN du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng vẫn chờ phía hàng không để mở thêm đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm thuận lợi trong đi lại cho du khách" - ông Lại Minh Duy nói.

Chiều 9-3, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết từ rất sớm, hãng đã chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường hàng không, du lịch Trung Quốc. Đến tháng 3-2023, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP HCM với Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời nối lại đường bay Hà Nội - Bắc Kinh. Trong các tháng sau đó, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa máy thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc. Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh. 

Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh

Về giải pháp thu hút khách Trung Quốc, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng giải pháp quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh du lịch Việt Nam một cách thuận tiện nhất, đặc biệt với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch. Bên cạnh đó, cần kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, nhất là những sân bay, thành phố trước đây là trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất.

Ngoài ra, ngành du lịch cần kết nối với các địa phương, DN, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch, đón các đoàn famtrip, KOLs từ thị trường Trung Quốc...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở đất nước này.

Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc - Ảnh 3.
Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc - Ảnh 4.
Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc - Ảnh 5.
Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc - Ảnh 6.
Tín hiệu vui từ thị trường khách Trung Quốc - Ảnh 7.

Link nội dung: https://travelteam.vn/tin-hieu-vui-tu-thi-truong-khach-trung-quoc-252.html