Là một người yêu mến thế giới văn học của Murakami, từng có thời gian đọc và nghiên cứu những tác phẩm của ông bằng tiếng Nhật, tôi đã rất háo hức trước thông tin thư viện mang tên ông ra mắt.
Tôi nghĩ mình sẽ là một trong những người đầu tiên được tham quan thư viện Murakami Haruki, muốn được tận mắt ngắm nhìn mô hình thư phòng, nơi Murakami dành phần lớn thời gian ở đó để sáng tác.
Nhưng rất tiếc, thư viện khai trương đúng khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, do hạn chế luợng khách đến tham quan, nên các slot đặt chỗ gần như luôn kín từ trước 1-2 tháng.
Những chiếc ghế đọc sách tựa như "vỏ kén". Ảnh: Vân Hoàng. |
Cứ như thế, bẵng đi mất 2 năm, vào một ngày cuối thu đẹp trời, một thôi thúc kỳ lạ khiến tôi mở website thư viện Murakami và đọc đuợc thông tin: Mở cửa tham quan tự do, hoàn toàn miễn phí, không cần đặt chỗ trước. Và tôi chỉ mất 3 giây để quyết định đến thăm thư viện này ngay ngày hôm sau!
Những bạn yêu mến văn học, yêu thích những tác phẩm của Murakami, hãy note lại ngay địa điểm tuyệt vời này nhé! Một nơi yên tĩnh để đắm chìm vào thế giới của Murakami, khám phá những góc riêng tư như “vỏ kén” của chính mình để đọc và nghiền ngẫm lại những tác phẩm của ông.
"Đường hầm" kết nối tới không gian và thời gian khác
Thư viện này được cải tạo từ tòa nhà số 4 trong trường Đại học Waseda, là nơi Murakami thường xuyên ghé tới khi còn là sinh viên của trường. Tên chính thức của tòa nhà là “The Waseda International House of Literature”, nhưng vẫn thường được gọi là “Thư viện Murakami Haruki”.
Thư viện do kiến trúc sư Kengo Kuma thiết kế, công trình thể hiện tâm huyết và cả sự am hiểu lẫn đồng cảm của Kuma, qua đó gắn kết ý tưởng kiến trúc với thế giới quan trong những tác phẩm của Murakami.
Những giá sách cao ngất trong thư viện. Ảnh: Vân Hoàng. |
Đầu tiên phải kể đến lối đi vào tòa nhà, nó có tạo hình như một "đường hầm", một hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong văn học của Murakami và nó gợi liên tưởng tới sự kết nối đến khoảng không gian, thời gian khác. Chắc nhiều bạn đọc đã nhận ra, bởi trong tác phẩm của Murakami luôn có hai thế giới song song cùng tồn tại - thế giới thực và thế giới siêu thực, Kuma dùng “đường hầm gỗ” với hàm ý kết nối hai thế giới đó.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên kiến trúc "cứng" và "lạnh" bởi sự chi phối của chất liệu bê tông, Kengo Kuma tạo ra một "đường hầm" với ý nghĩa bảo vệ chúng ta, và nuôi dưỡng ước mơ của chúng ta bằng chất liệu tinh tế, mềm mại của gỗ.
Ông Kuma từng trả lời phỏng vấn và nói về sự kết nối giữa kiến trúc của thư viện với thế giới văn học của Murakami như sau: “Cả hai chúng tôi đều đang sáng tạo những thứ khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng tôi đoán 'đường hầm' là tiếp điểm khơi dậy sự đồng điệu giữa chúng tôi".
Bộ sưu tập đĩa hát khổng lồ của Murakami
Điều đặc biệt ấn tượng ở thư viện này không chỉ ở số lượng tất cả đầu sách, tạp chí, sách dịch thuật, v.v. Murakami đã xuất bản, mà còn ở bộ sưu tập đĩa than đồ sộ, đích thân nhà văn đã tặng lại cho thư viện. Góc trưng bày đĩa than là một trong những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến thăm nơi đây.
Kệ đĩa than trong thư viện. Ảnh: Vân Hoàng. |
Nếu đọc những cuốn sách viết về du lịch và trải nghiệm của Murakami, khi ông miêu tả cuộc sống ở nước ngoài như châu Âu hay Mỹ, bạn sẽ biết sở thích của Murakami là sưu tầm đĩa than, nên có thể thấy bộ sưu tập này đáng quý biết chừng nào, ông đã tìm và mua chúng ở rất nhiều thành phố khác nhau trên thế giới.
Đĩa hát, một số bàn ghế, đồ nội thất,... ở quán bar cũ của Murakami cũng được tặng lại cho thư viện. Nhìn kệ đĩa hát, những chiếc ghế bọc da cũ, tôi có thể mường tượng thế giới quan của Murakami, và nhận ra sự kết nối của chúng với thế giới văn chương của ông thật hiện hữu. Một bản nhạc Jazz ngân vang, một chút dư vị phảng phất trong những quán bar xưa cũ, nó vừa là thế giới của nghệ thuật, vừa là thế giới hiện thực của Murakami.
Không gian dành cho triển lãm nghệ thuật và tổ chức sự kiện
Một điều tuyệt vời khác khi đến thăm thư viện là có rất nhiều sự kiện về văn học và nghệ thuật được tổ chức, tham gia miễn phí. Tôi đến đến thăm thư viện vào một ngày cuối tuần, tình cờ đúng ngày có triển lãm và talkshow về Anzai Mizumaru, họa sĩ vẽ minh họa cho những tác phẩm của Murakami và có thể nói là một người bạn rất thân với nhà văn.
Triển lãm tranh minh họa của Anzai Mizumaru. Ảnh: Vân Hoàng. |
Anzai (1942-2014) đã có trên 30 năm hợp tác với Murakami, và cho ra đời rất nhiều tác phẩm nổi bật như "The Happy Ending of the Elephant Factory", tuyển tập tiểu luận "Murakami Asahido", "Fuwafuwa",... Những hình ảnh minh họa hài hước, ấm áp được vẽ bằng đường nét và màu sắc đơn giản đó có lẽ là sự kết hợp hoàn hảo với văn phong của Murakami.
Những vật dụng trong thư phòng của nhà văn Murakami. Ảnh: Vân Hoàng. |
Sau khi Anzai mất, gia đình ông đã trao tặng lại bộ sưu tập hơn 700 bức tranh gốc cho Thư viện Murakami Haruki và nó trở thành nguồn “tài nguyên” vô cùng quý giá dành cho những người yêu mến những tác phẩm của Anzai và Murakami.
Ngoài triển lãm tác phẩm của Anzai, bảo tàng còn tổ chức buổi talkshow nhỏ, diễn giả của talkshow lần này là Arai Toshinori và Terashima Tetsuya, đến từ Ban biên tập nhà xuất bản Shinchosha - nhà xuất bản độc quyền những tác phẩm của Murakami. Bản thân Terashima cũng trực tiếp biên tập rất nhiều tác phẩm của Murakami như “Biên niên kí chim vặn giây cót”, “1Q84”, hay cuốn mới nhất “Thành phố và bức tường không chắc chắn của nó (tạm dịch)” (xuất bản năm 2023).
Arai và Terashima đã kể lại những câu chuyện, những mẩu đối thoại giản dị đời thường về mối quan hệ khăng khít, thân tình giữa Anzai và Murakami bằng giọng kể dí dỏm. Đây có lẽ là cơ hội hiếm hoi để chúng ta được lắng nghe từ những người đã và vẫn đang làm việc trực tiếp với Murakami.
Orange Cat - Quán cafe của kỉ niệm và những câu chuyện
Sau khi tham quan phòng đọc sách, phòng triển lãm, kệ đĩa nhạc, những giá sách cao ngất, hãy dành một khoảng thời gian cho riêng mình ở quán cafe ở tầng trệt nhé. Đây là nơi yêu thích nhất của tôi ở thư viện Murakami. Quán cafe với cái tên thật dễ thương - Orange Cat, do hội sinh viên điều hành và lấy tên dựa theo tên quán bar cũ của Murakami Peter Cat. Dưới đây là những lời giới thiệu ngắn về Orange Cat.
Một góc trong quán cà phê Orange Cat. Ảnh: Vân Hoàng. |
Hãy lấp đầy không gian trống rỗng của quán cafe bằng những kỉ niệm và câu chuyện của bạn!Chúng tôi hy vọng những "câu chuyện" mới sẽ được sinh ra và được nuôi dưỡng từ đây!
Chúng tôi muốn tạo nên một quán cafe với cảm giác ấm áp, một nơi để thư giãn, nơi gặp gỡ nhân duyên giữa "người với người", nơi kết nối giữa "con người với văn học", nơi khởi nguồn của những câu chuyện mới. (Trích từ trang web của Orange Cat).
Khi đọc những dòng này, tôi biết đây chính là quán cafe dành cho mình, dành cho những kỷ niệm và những câu chuyện sẽ được kể.
Không những có thể ngồi nhâm nhi cà phê, thư giãn, đọc sách hay lãng đãng ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài ô cửa sổ, Orange Cat còn có một căn phòng mô phỏng thư phòng - phòng làm việc của Murakami (thỉnh thoảng sẽ được mở cửa để tham quan) và những góc nhỏ xinh khác như góc đặt piano, góc tái hiện những hình ảnh từ tác phẩm của Murakami. Nhất định đừng bỏ qua không gian ấm cúng và không kém phần nghệ thuật này nhé!
Toden Arakawa - Chuyến tàu kết nối quá khứ và hiện tại
Và cuối cùng, một điểm gần như không có gì liên quan đến Thư viện Murakami Haruki nhưng khi thư viện đến giờ đóng cửa và rời Đại học Waseda, tôi rất muốn các bạn thử trải nghiệm tuyến đường sắt Toden Arakawa chạy trên đường phố Tokyo. Đây là tuyến duy nhất còn sót lại của hệ thống xe điện Tokyo Toden rộng lớn một thời của Tokyo.
Chuyến tàu Toden Arakawa. Ảnh: Vân Hoàng. |
Với tôi, tương tự hình ảnh “đường hầm gỗ” của kiến trúc sư Kuma, chuyến tàu Arakawa xuất phát từ Waseda giống như điểm kết nối hai thế giới: Quá khứ và hiện tại. Khi bước lên tàu, dấu ấn thời gian, những gì xưa cũ vẫn còn nguyên vẹn ở đó, nhưng khi bước xuống, bạn sẽ quay trở lại thực tại, với cuộc sống náo nhiệt vội vã của Tokyo thường ngày… Đó là một trải nghiệm cực kỳ ấn tượng của tôi trong chuyến thăm Thư viện Murakami Haruki lần này.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/noi-ban-khong-the-khong-ghe-tham-neu-la-tin-do-cua-murakami-2751.html