Đảo Christmas (Giáng sinh) - vùng lãnh thổ của Australia nằm ở Ấn Độ Dương - thường trở thành tâm điểm chú ý thế giới hàng năm vào thời điểm hàng chục triệu con cua đỏ diễu hành. Loài cua đỏ thu hút nhiều sự quan tâm này có tên khoa học là Gecarcoidea natalis.
Hiện lực lượng chức năng trên đảo đang “trải thảm” đón chờ hành trình nổi tiếng này.
Giảm thiểu kẻ thù của cua đỏ
Mùa di cư bắt đầu khi cơn mưa lớn đầu tiên của mùa mưa diễn ra, hàng chục triệu con cua đỏ trưởng thành rời khỏi rừng và vùng nội địa của hòn đảo và “diễu hành” về phía bờ biển để giao phối vào sinh sản.
Cuộc di cư hàng năm của cua đỏ trên đảo Giáng sinh vào năm 2022. Các nhân viên của Công viên Quốc gia Đảo Giáng sinh cho biết năm nay số lượng cua đỏ tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Chris Bray/Guardian. |
Đảo Christmas cách đất liền Australia 1.500 km và cách đảo Java của Indonesia 350 km về phía nam.
Nhân viên tại Công viên Quốc gia Đảo Giáng sinh suốt nhiều tháng qua rục rịch chuẩn bị cho cuộc di cư hàng loạt này, dựng lên hàng km hàng rào chắn tạm thời bên đường để dẫn cua di cư đến nơi an toàn.
Họ cũng điều hướng giao thông tránh xa những con cua đỏ trên đường ra bờ biển.
Người quản lý công viên, ông Derek Ball, cho biết cua đỏ là loài chủ chốt của hòn đảo và toàn bộ cộng đồng đang chung tay để tạo điều kiện thuận lợi cho “hiện tượng di cư kỳ thú, thu hút nhiều sự quan tâm của chúng”.
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã để mắt đến mối đe dọa lớn nhất của cua đỏ, loài kiến vàng điên xâm lấn”, ông Ball nói trong một tuyên bố hôm 24/12.
“Bằng cách giảm thiểu số lượng loài kiến vàng điên, chúng tôi đã giúp số lượng cua đỏ tăng cao hơn mức thường thấy trong nhiều thập kỷ, đây là một kết quả đáng ghi nhận không chỉ đối với cua đỏ mà còn đối với toàn bộ hệ sinh thái trên đảo”, vị quản lý công viên khẳng định.
Kiến vàng điên lần đầu tiên được phát hiện trên đảo vào những năm 1920, nhưng phải đến khi những siêu đàn kiến đầu tiên hình thành vào cuối những năm 1980, chúng mới trở thành vấn đề.
Những con kiến này đã giết chết hàng chục triệu con cua đỏ trong nhiều năm bằng cách phun axit formic mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay loài kiến xâm lấn này đã thu hẹp hơn sau khi các nhà khoa học triển khai một loại ong bắp cày siêu nhỏ để săn loài côn trùng vốn là nguồn thức ăn dồi dào cho kiến vàng điên.
Thực tế số lượng cua đỏ trên đảo Christmas ít hơn nhiều so với Quần đảo Cocos gần đó.
Tuy nhiên, “dân số” cua đỏ trên đảo đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua, từ 50 triệu lên hơn 100 triệu.
Quay về rừng
Bộ trưởng Môi trường liên bang Australia Tanya Plibersek cho biết hôm 24/12: “Hiện tượng tự nhiên mang tính biểu tượng này không chỉ đáng kinh ngạc mà còn là câu chuyện thành công tuyệt vời về cách chúng ta có thể hợp tác để bảo vệ tốt hơn các loài bản địa quý giá”.
Hàng triệu con cua đỏ trên đảo Giáng Sinh di cư ngược từ bãi biển trở lại các cánh rừng, tạo nên một khung cảnh ngoạn mục và đầy màu sắc trong mùa di cư năm 2022. Ảnh: Guardian. |
Sau khi cua mẹ đi từ rừng đến các bãi biển để đẻ trứng vào cuối năm, thì đầu năm tiếp theo sẽ là thời điểm hàng triệu con cua non bắt đầu hành trình nhiều km để trở lại các cánh rừng của đảo Giáng sinh.
Cứ đến mùa thu hàng năm (tương đương mùa xuân ở Bắc Bán cầu), hàng triệu con cua non sẽ phủ một màu đỏ lên các bãi biển trên hòn đảo và bắt đầu hành trình trở về rừng.
8 quyển sách về thế giới tự nhiên
Tri thức - Znews giới thiệu tủ sách về cuộc sống tự nhiên giúp mỗi cá nhân mở rộng tầm nhìn và gợi cảm hứng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống.
Link nội dung: https://travelteam.vn/dao-giang-sinh-chan-duong-cho-hang-chuc-trieu-con-cua-do-dieu-hanh-2767.html