.Phóng viên: Sau chương trình Gala nghệ thuật "Dấu ấn Giải Mai Vàng" do Báo Người Lao Động tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động "Tôn vinh Cà phê Việt", ông có đề xuất gì nhằm cải tiến chương trình nghệ thuật ý nghĩa này?
- NSND TRỌNG HỮU: Tôi có hai niềm vui lớn, nhận được sự vinh danh của chương trình "Mai Vàng tri ân", ghi nhận những cống hiến của văn nghệ sĩ trong đời sống cộng đồng và niềm vui thứ hai là được thể hiện bài ca cổ "Qua miền sông Trệm" do tác giả là bác sĩ Trần Quốc Khải dựa theo ý thơ của ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc".
NSND Trọng Hữu trong chương trình Gala nghệ thuật “Dấu ấn Giải Mai Vàng - 2023” .(Ảnh: TẤN THẠNH)
Có thể nói việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng thông qua "Dấu ấn Giải Mai Vàng", diễn ra tại Trung tâm Thương mại Gigamall Việt Nam ở TP Thủ Đức, TP HCM vừa qua là cách làm hay. Cần có nhiều chương trình nghệ thuật giao lưu, tương tác với bạn đọc, khán giả như vậy; nghệ sĩ, ca sĩ đoạt giải có thêm sân chơi để quảng bá sản phẩm mới, công chúng sẽ được thụ hưởng những món ăn tinh thần chất lượng cao.
.Điều ông phấn khởi nhất hiện nay khi nghĩ về sàn diễn cải lương?
- Tôi rất vui khi nghe tin tái hoạt động Sân khấu Vàng - nơi mà tôi đã từng diễn vở "Tình mẫu tử", "Hàn Mặc Tử" với thế hệ nghệ sĩ tài danh. Với chủ trương một suất hát là một căn nhà tình thương trao tặng cho đồng bào nghèo, đây là việc làm ý nghĩa và tôi sẽ dốc sức để tham gia. Dù hiện nay sức khỏe không như trước, nhưng nếu đóng một cảnh để yểm trợ cho dàn diễn viên trẻ tôi luôn sẵn sàng.
.Khán giả đã từng đón nhận nhiều sản phẩm tân cổ giao duyên mà ông song ca với nhiều nữ nghệ sĩ. Năm 2023 ông sẽ tiếp tục thực hiện các album này?
- Ý tưởng của tôi là thực hiện các MV (video ca nhạc) song ca với những ca sĩ trên toàn quốc, với điều kiện ca sĩ này ca được vọng cổ. Với cách làm này trước đây tôi đã hát song ca với NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Vân Khánh. Nội dung các MV sẽ là quảng bá văn hóa, du lịch vùng miền, để qua đó khán giả trẻ hiểu về cội nguồn văn hóa của chiều dài đất nước.
.Từ khi nghỉ hưu và rời Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, ông có ý định tham gia công tác giảng dạy?
- Nghề này cần đầu tư, phải có những giáo án, còn tôi thì chỉ chuyên về ca diễn, có chăng là tham gia những buổi sinh hoạt chuyên đề, trao lại cho các diễn viên trẻ những kinh nghiệm xử lý làn hơi, cách hóa thân vào các vai diễn khó. Tôi thường chọn cách truyền đạt bên cánh gà cho các diễn viên trẻ, vì không ở đâu học lý thuyết rồi thực hành đạt hiệu quả cao bằng chính sàn diễn.
.Giới chuyên môn lâu nay nhận định ông chỉ chuyên diễn vai tâm lý xã hội, vậy thế mạnh của ông là gì?
- Đi sâu vào nội tâm nhân vật, diễn đạt chiều sâu tâm lý ở tuồng xã hội đương đại hoặc lịch sử tôi đều có thể đảm đương. Thế mạnh của tôi là ca vọng cổ gieo vào lòng khán giả những niềm xúc động. Tôi vẫn khao khát được làm mới mình, nên khi Sân khấu Vàng tái hoạt động, tôi sẽ chọn vai diễn thể hiện sự đổi mới đó.
.Vì sao ông chưa thực hiện chương trình live show của riêng mình?
- Nhiều lần dự định tổ chức kỷ niệm 40 năm theo nghề nhưng rồi tôi chưa đủ duyên để làm. Hiện nay, muốn thực hiện không dễ khi sức khỏe không cho phép. Nên việc cần làm là tích cực tham gia các sự kiện sân khấu ý nghĩa, làm điểm tựa cho lớp tài năng trẻ vươn lên, đó là tâm nguyện của tôi.
.Theo ông công tác đào tạo nguồn nhân lực mới của sân khấu cần tập trung vào mũi nhọn nào?
- Hiện nay, nội lực diễn viên cải lương rất mạnh nhưng các vở diễn, chương trình cứ na ná nhau. Để tạo điểm nhấn cần lắm sự chung sức, đội ngũ trẻ phải biết cách vận dụng những công nghệ mới cho sàn diễn. Tôi trông chờ vào Liên hoan Sân khấu TP HCM, nơi sẽ là điểm hẹn của những tác giả, đạo diễn nhiều lĩnh vực: cải lương, kịch, xiếc, ảo thuật… khoe tài. Sau liên hoan cần đúc kết những bài học quý cho nghề, thông qua công tác lý luận phê bình, để từ những thử nghiệm dẫn ra nhiều vấn đề cần làm mới trong công tác đào tạo.
Link nội dung: https://travelteam.vn/nsnd-trong-huu-nguyen-lam-diem-tua-cho-lop-tre-283.html