Trong Sách trắng 2023 vừa công bố, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiến nghị Chính phủ Việt Nam mở rộng danh sách được miễn thị thực (visa) cho tất cả quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và kéo dài thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày.
Thời gian miễn visa quá ít
Cụ thể, trong Sách trắng 2023, các chuyên gia của EuroCham phân tích chính sách của Việt Nam hiện tại khi yêu cầu khách quốc tế phải có visa trước khi khởi hành, visa nhập cảnh hoặc visa điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu tới - vốn là phân khúc khách hàng chi tiêu cao. Trong khi các nguồn khách này là cần thiết để đa dạng hóa thị trường du lịch trong nước, khi khách Trung Quốc và khách Nga chưa trở lại.
"Cấp visa du lịch 3 tháng cho khách từ châu Âu muốn nghỉ dài, nhất là kỳ nghỉ lễ mùa đông, sẽ giúp thu hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao. Visa du lịch dài ngày thường được sử dụng bởi những khách đã nghỉ hưu có kinh phí và thời gian để lưu trú lâu hơn bình thường. Thời gian miễn visa phổ biến ở Việt Nam thường chỉ 15 ngày, vừa hạn chế về thời gian cho du khách và gây khó khăn cho công ty lữ hành trong việc thiết kế tour, trong khi các nước khu vực ASEAN đều 30 ngày trở lên" - các chuyên gia của EuroCham nêu.
Các doanh nghiệp đang rất ngóng chờ du khách quốc tế trở lại để giúp ngành du lịch phục hồi tốt hơn. Trong ảnh: Du khách quốc tế đến TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thời gian gần đây .Ảnh: KỲ NAM
Như Báo Người Lao Động phản ánh, du lịch quốc tế chưa phục hồi mạnh, nhất là thị trường khách Trung Quốc vốn chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát chưa trở lại, khiến cả du lịch lẫn hàng không đều chật vật. Một trong những nguyên nhân chính là Việt Nam vẫn chưa có chính sách visa thật sự cởi mở.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), nhận định chính sách visa là một trong những vấn đề đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) du lịch và Saigontourist Group kiến nghị nhiều lần. Kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành thêm những chính sách mới, trong đó có chính sách liên quan visa hoặc có thể thí điểm triển khai trong thời gian nhất định nhằm góp phần thu hút thêm sự quan tâm của du khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, cũng nhận định nếu cứ áp dụng chính sách visa ngắn ngày như hiện nay sẽ khó phục hồi du lịch nhanh. Cần phải có chiến lược cụ thể trong 3 năm tới với nhiều giải pháp đồng bộ để đưa ngành du lịch về lại như trước khi có dịch COVID-19 vào năm 2025.
Không để lỡ nhịp đón khách Trung Quốc
Liên quan đến du khách Trung Quốc, hiện tại, các DN đang kỳ vọng du lịch 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ nối lại hoàn toàn từ giữa tháng 3 tới. Ông Phạm Huy Bình cho biết thị trường khách nói tiếng Hoa và khách đến từ Trung Quốc luôn nằm trong tốp 10 thị trường quốc tế của Saigontourist Group.
Trong những cuộc tiếp xúc làm việc với các đối tác đưa khách Trung Quốc vào Việt Nam du lịch và đón khách Việt sang du lịch ở Trung Quốc, các bên đều kỳ vọng du lịch 2 chiều sẽ sớm chính thức khai thông trở lại. Việt Nam hấp dẫn đối với khách Trung Quốc do hội đủ nhiều yếu tố phù hợp nhu cầu đa dạng của thị trường khách này.
"DN đang chuẩn bị tour đến Trung Quốc ngay khi nước bạn có chính sách mở cửa cho khách du lịch bình thường trở lại. Đối với khách Trung Quốc vào Việt Nam, công ty vẫn đang tiếp tục theo sát, căn cứ tình hình thực tế của chính sách từ phía Trung Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu, song chỉ tập trung thị trường khách có nhu cầu chất lượng cao" - ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TSTtourist, nói.
Về chiến lược đón khách quốc tế từ các thị trường, lãnh đạo Saigontourist Group cho biết đã triển khai nhiều giải pháp như ký kết với đối tác quốc tế, giới thiệu, chào bán các gói sản phẩm mới với giá cạnh tranh, thường xuyên cập nhật cung cấp thông tin tích cực về du lịch Việt Nam, tham gia quảng bá tiếp thị sâu rộng tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực…
"Tín hiệu những tháng đầu năm là khách quốc tế đến với hệ thống Saigontourist Group đang ấm dần lên, tổng công ty đang hướng đến chỉ tiêu năm nay khách quốc tế đến sẽ đạt tỉ lệ tối thiểu 50% so với năm 2019" - ông Phạm Huy Bình chia sẻ.
Để du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn, các DN cho rằng cần tập trung quảng bá tại những thị trường mục tiêu có lượng khách cao và ổn định, có xu hướng lưu trú trong thời gian dài, đi du lịch thường xuyên và chi tiêu nhiều khi tới Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Mẫn phân tích du lịch Việt Nam có thể lấy Thái Lan làm đối tượng cạnh tranh, mở rộng diện miễn visa tương ứng. Thời hạn lưu trú tại Việt Nam tăng từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày. Cơ quan quản lý về du lịch cần tăng ngân sách quảng bá du lịch tập trung; cơ quan đại diện lãnh sự các nước là cầu nối tổ chức các sự kiện văn hóa, quảng bá du lịch của các tỉnh, thành.
Kiến nghị cấp visa du lịch dài ngày
Khảo sát xu hướng đi du lịch sau đại dịch COVID-19 từ các đại lý lữ hành cho thấy khách châu Âu ít đi du lịch hơn nhưng khi đã đi, họ lại ở lâu hơn so với trước đó. Các chuyến bay thẳng đường dài từ châu Âu có thời gian trung bình là 12 giờ và phải bay qua đêm, tính ra thời gian lưu trú ở Việt Nam của du khách chỉ còn khoảng 13 ngày, trong khi nhóm khách này có xu hướng lưu trú dài ngày và chi tiêu nhiều.
Do đó, EuroCham kiến nghị kéo dài chương trình miễn visa được công bố với thời hạn chương trình mới trong 5 năm; cấp visa du lịch 3 tháng cho những khách châu Âu muốn đi các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao.
Link nội dung: https://travelteam.vn/thu-hut-giu-chan-khach-quoc-te-293.html