Một quần thể tượng Moai tại đảo Phục Sinh. |
Nằm đơn độc giữa Thái Bình Dương, đảo Phục Sinh là cột mốc đánh dấu góc Đông Nam của tam giác Polynesian (tiểu vùng lớn nhất thuộc đại dương sâu nhất Trái Đất; New Zealand, đảo Phục Sinh và Hawaii là 3 góc của khu vực này).
Từ năm 2020, tôi đã nung nấu kế hoạch khám phá vùng đất Nam Mỹ và hòn đảo bí ẩn trên. Song, ý định đành tạm gác lại khi dịch bệnh xuất hiện.
Đến tháng 1 vừa qua, tôi mới có cơ hội thực hiện chuyến đi để đời tại Nam Mỹ và lưu trú tại đảo Phục Sinh 4 ngày 3 đêm.
Tôi là Hoàng Minh Thương (33 tuổi, ngụ Hà Nội), một travel creator (nhà sáng tạo nội dung du lịch). Với niềm đam mê du lịch chảy trong máu, tôi đi khắp đó đây, ghi lại những thước phim và chia sẻ chúng trên mạng xã hội.
Hành trình khám phá Nam Mỹ và Chile của tôi kéo dài khoảng 40 ngày, bắt đầu từ 15/1 và kết thúc vào 25/2.
Moai ngoạn mục
15/1, khi mọi người tận hưởng những ngày nghỉ Tết cuối cùng, tôi lại la cà vô định trên khắp Nam Mỹ. Như bao lần, chuyến đi "mở bát" năm mới của tôi không có lịch trình cố định. Tôi thích rong ruổi khắp mọi nơi một cách tự nhiên, để sự tò mò dẫn lối. Trong chuyến hành trình kéo dài 40 ngày, tôi dành 4 ngày khám phá đảo Phục Sinh.
Đến với tọa độ du lịch đáng đặt chân đến nhất trên thế giới, tôi ấn tượng với gần 1.000 Moai được phân bổ rải rác khắp đảo và đặt trên các nền đá khác nhau. Một nửa trong số đó vẫn còn hiện diện tại Rano Raraku - một miệng núi lửa trên hòn đảo. Với tôi, Moai thực sự không chỉ là biểu tượng.
Tôi dành 4 ngày 3 đêm khám phá đảo Phục Sinh. |
Moai được làm bằng đá núi lửa, mô tả khuôn mặt kỳ lạ với phần cơ thể được chôn sâu dưới lòng đất. Mỗi bức tượng có thể nặng tới 40 tấn. Người Rapa Nui thời kỳ đầu chạm khắc những khối đá khổng lồ này cho thấy sự thịnh vượng và cần cù của dân làng vào thời điểm bấy giờ.
Một cư dân kể với tôi rằng tương truyền từ các tôn giáo của người Polynesia cổ đại, đồ vật bằng gỗ và đá chạm khắc, khi được chuẩn bị theo nghi thức và tạo hình đúng cách, chúng được cho là sẽ trở thành nơi chứa đựng năng lượng mana, một tinh chất tâm linh kỳ diệu.
Sở dĩ đảo Phục Sinh được mệnh danh là hòn đảo bí ẩn vì không ai biết những quần thể đá này được di chuyển trên khắp hòn đảo bằng cách nào. Vào thời điểm những người châu Âu đầu tiên đến đây, hòn đảo này không có sự hiện diện của những cây thân gỗ để phục vụ cho việc vận chuyển.
Một góc thành phố Puerto Natales, Chile, thơ mộng. |
Liệu có tồn tại một nền văn minh cổ hay người ngoài hành tinh như lời đồn? Phải chăng có công cụ độc đáo nào của người Rapa Nui mà các nhà khoa học chưa tìm được? Đây là những câu hỏi lẩn quẩn trong tâm trí vào những ngày tôi lưu trú trên đảo.
Dẫu chưa tìm được câu trả lời, nhưng nguồn năng lượng nơi này thật sự dịu lành. Mỗi ngày trôi qua trên đảo của tôi như một thước phim quay chậm, dù là bình minh hay hoàng hôn, làn sóng biển, những chú ngựa tha thẩn ăn cỏ hay cơn gió nhẹ nhàng mơn trớn trên gương mặt đều khiến tôi thấy yêu hòn đảo này.
Thử thách bản thân
Vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, tôi vượt qua giới hạn chính mình khi chọn trekking 22 km đường rừng, chinh phục ngọn núi Torres del Paine - một vườn quốc gia bao gồm các đỉnh núi, sông băng, hồ, sông. Đặc biệt đây là biểu tượng được in trên tờ 1.000 Peso Chile.
Đường đến Vườn Quốc gia Torres del Paine, tôi đi qua những đồi cỏ nối tiếp nhau. Du khách phải mua vé tham quan với giá khoảng hơn 600.000 đồng mới có thể khám phá đỉnh núi ngoạn mục này.
Biển trên đảo Phục Sinh và cảnh vật tại Torres del Paine. |
Càng tiến sâu vào trong, mở ra trước mắt tôi là những dãy núi cao chót vót màu xám khá hiểm trở. Đường đi có phần gian nan vì có đoạn đầy sỏi đá, đoạn thì ngoằn ngoèo, dốc cao. Bù lại, những hồ nước trong xanh màu ngọc bích dường như xua tan sự mệt mỏi.
Nhìn lại chặng hành trình 40 ngày đã qua, khó khăn nhất với tôi có lẽ là vấn đề rào cản ngôn ngữ.
Ở Nam Mỹ, người dân sử dụng 100% tiếng Tây Ban Nha thay vì tiếng Anh. Phần lớn thời gian giao tiếp tôi chỉ dùng ngôn ngữ hình thể và ứng biến trong khả năng. Bạn nên học và nhận biết một số mẫu câu Tây Ban Nha thông dụng hoặc trang bị các ứng dụng dịch thuật trong quá trình tham quan lục địa.
Ngoài ra, du khách nên lưu ý cận thận tư trang vì nạn trộm cắp, móc túi tại khu vực này khá nhiều.
Mỗi một nước thuộc Nam Mỹ đều có nét riêng để khám phá. Tuy không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng với 40 ngày đặt chân đến đây, du khách có thể mất khoảng vài trăm triệu đồng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/toi-ngam-moai-khong-lo-tai-hon-dao-bi-an-nhat-hanh-tinh-3245.html