Sẵn sàng đón khách đoàn Trung Quốc

Đã có nhiều doanh nghiệp kết nối với các đối tác đưa khách từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam

Nhiều điểm đến, cũng như các doanh nghiệp (DN) du lịch, hàng không đều đã lên kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng để đón các đoàn khách Trung Quốc từ ngày 15-3.

Lên kế hoạch đón khách

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương sẵn sàng đón khách du lịch Trung Quốc từ rất sớm. Ngày 8-1, khi phía Trung Quốc mở lại hoạt động biên giới, Quảng Ninh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo về các giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tại TP Móng Cái để rà soát các vấn đề có liên quan.

Sau đó, Sở Du lịch đã tham mưu cho tỉnh ban hành phương án về việc đón và phục vụ khách du lịch qua cửa khẩu đường bộ đi du lịch trên địa bàn Quảng Ninh với những quy định, định hướng rất cụ thể. Ngày 9-3, một số DN đã được dự cuộc họp của UBND tỉnh để rà soát các khâu chuẩn bị đón khách du lịch Trung Quốc.

Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, ngày 15-3, khách du lịch Trung Quốc sẽ sang nhưng chưa được nhiều lắm, chủ yếu là đoàn khách nhỏ lẻ. Hiện các DN lữ hành trong nước và phía bạn đang tiếp xúc với nhau để thúc đẩy du lịch hoạt động trở lại.

Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 28-3, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Sở Văn hóa - Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây sẽ có cuộc làm việc bàn thảo về việc mở lại tuyến du lịch tàu biển Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc).

Sẵn sàng đón khách đoàn Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp - TP Đà Nẵng sửa sang để chuẩn bị đón khách Trung Quốc. Ảnh: BÍCH VÂN

Chia sẻ về kế hoạch đón khách Trung Quốc, bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty CP Lữ hành Quốc tế Kim Liên (Quảng Ninh), nói: "Kế hoạch của chúng tôi là từ 24-3 sẽ bắt đầu đón khách Trung Quốc theo đoàn, còn khách lẻ đã đi từ 9-1. Dịp này chúng tôi có sản phẩm tour mới mang tên "Hạ Long mới", khai thác lợi thế về hệ thống đường cao tốc, các dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ tắm khoáng nóng Onsen, sản phẩm du lịch golf. So với các điểm đến khác, Quảng Ninh là một điểm đến rất cạnh tranh vì đường đi lại với Đông Hưng (Trung Quốc) rất tiện lợi.

Tại TP Đà Nẵng, các DN du lịch, dịch vụ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động đón khách từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát - đơn vị chuyên khai thác khách Trung Quốc, cho biết đã làm việc với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị vận tải… để chuẩn bị cho việc đón khách Trung Quốc. Đồng thời, công ty này cũng kết nối với các đối tác ở Trung Quốc nhằm lên lịch trình đón khách.

Nhiều nhà hàng ở đường Võ Nguyên Giáp, Hồ Nghinh… thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn của TP Đà Nẵng cũng đang tất bật sửa sang, dọn dẹp để mở cửa trở lại. Nhiều chủ nhà hàng kỳ vọng thời gian đến, du lịch TP Đà Nẵng sẽ khởi sắc hơn nhờ thị phần khách Trung Quốc.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, khi mới kết nối trở lại thì lượng khách sẽ không quá đông nên không lo ngại về việc thiếu cơ sở vật chất hay dịch vụ. Dù vậy, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đón nguồn khách này. Đây cũng là thị trường khách mà TP Đà Nẵng xác định là tiềm năng trong năm 2023.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết thời gian tới sẽ tập trung quảng bá các sản phẩm, sự kiện của địa phương tới thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Đà Nẵng cũng sẽ xúc tiến mở lại các đường bay thẳng đến các tỉnh, thành của Trung Quốc. Xác định Trung Quốc là thị trường có mức chi tiêu cao nên TP Đà Nẵng sẽ tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch MICE, golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp...

Tỉnh Thừa Thiên - Huế dù lâu nay chưa phải là điểm đến chính của du khách Trung Quốc nhưng ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, cho biết đang liên hệ trao đổi với một số đối tác du lịch ở đặc khu Hồng Kông có đường bay đến Đà Nẵng và tỉnh Chiết Giang (kết nghĩa hợp tác với Thừa Thiên - Huế) để bàn khả năng hợp tác trao đổi khách, phát triển một số sản phẩm du lịch phù hợp với dòng khách đến từ một số vùng của Trung Quốc. "Hiện tại, chúng tôi vẫn đang liên kết với Sở Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp với một số DN đang khai thác khách Trung Quốc đến miền Trung để tổ chức các đoàn famtrip sắp tới đến Huế để khảo sát, đánh giá về khả năng lưu trú, sản phẩm, điểm đến phù hợp với một số dòng khách Trung Quốc để có chương trình tour phù hợp. Trong dịp lễ hội khinh khí cầu Huế 2023 diễn ra từ ngày 14 đến 20-4, tỉnh sẽ mời một đội bay biểu diễn KKC từ tỉnh Hồ Bắc tham dự, kết hợp một số DN lữ hành từ tỉnh này đến Huế để có trao đổi, kết nối du lịch bước đầu" - ông Phúc cho hay.

Ngoài ra, khi nhà ga T2 Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đi vào hoạt động từ quý II/2023, tỉnh sẽ mời một số hãng bay và DN du lịch đồng hành mở một số chuyến bay định kỳ đưa khách ở một số thành phố của Trung Quốc đến cũng như đưa du khách Huế và miền Trung đi du lịch Trung Quốc.

Hàng không tăng chuyến bay

Không chỉ DN du lịch, các hãng hàng không cũng lên kế hoạch khai thác những chuyến bay mới, tăng tần suất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng bay đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách thời gian tới. Trước đó, từ rất sớm, hãng đã chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường hàng không, du lịch Trung Quốc.

Sắp tới, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc. Hãng có kế hoạch khôi phục tổng cộng 9/10 đường bay tới Trung Quốc trong tháng 3 và 4 năm nay; đồng thời nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh.

Pacific Airlines đang khai thác các đường bay Hà Nội - Hàng Châu/Nam Ninh với tần suất 2 chuyến/tuần. Sắp tới, hãng sẽ khai thác thêm Quảng Châu và Phúc Châu từ hè 2023.

Còn Bamboo Airways tiếp tục triển khai các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần. Trong dài hạn, hãng đặt kế hoạch khai thác 20-30 đường bay thường lệ, thuê chuyến đến Trung Quốc. Bên cạnh các sân bay cửa ngõ chính như Hà Nội, TP HCM, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch mở rộng điểm bay từ Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Vân Đồn, Đà Lạt…

Lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết hãng đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để sẵn sàng tiếp cận và phục vụ khối lượng lớn khách hàng tiềm năng đặc biệt là trong dịp cao điểm hè. Xác định Chính phủ Trung Quốc chỉ cấp phép mở tour du lịch, tập trung vào khách đi theo đoàn, Vietravel Airlines liên kết cùng công ty du lịch Vietravel đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, hãng sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với TP Nha Trang (Khánh Hòa): Hàng Châu - Cam Ranh, Thường Châu - Cam Ranh, Côn Minh - Cam Ranh.

Còn Vietjet Air có kế hoạch tăng tần số các chuyến charter từ Trung Quốc đến Cam Ranh lên 20 chuyến trong giai đoạn cuối tháng 3. Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương cũng cho biết 30% thị phần quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam là khách hàng đến từ Trung Quốc. Các cơ quan ban ngành cần phải xem xét và tháo bỏ rào cản về visa và hộ chiếu thì mới thu hút khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh hàng không và du lịch.

Lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các thủ tục cho du khách để thúc đẩy phát triển hàng không, du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Saco Travel (TP HCM), cho biết DN đã có nhiều kết nối với các đối tác đưa khách từ thị trường Trung Quốc đến TP HCM và cả nước. DN cũng đã gởi cho đối tác Trung Quốc thị trường các gói sản phẩm từ 7-15 ngày cho lộ trình từ Nam ra Bắc để kích cầu. "Thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường có số lượng khách rất đông, song cũng đang có yêu cầu khá cao về dịch vụ, giá cả. Để làm tốt thị trường này, các DN lữ hành cũng như đơn vị khai thác dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển… cần tiếng nói chung để thống nhất cách thức đón tiếp thị trường khách Trung Quốc một cách hiệu quả mà không bị cuốn theo cuộc chạy đua về giá, hoặc các sản phẩm tour 0 đồng như trước" - ông Nguyễn Ngọc Tấn nói.

Đối với thị trường khách outbound (khách Việt đi nước ngoài), Saco Travel cũng triển khai chương trình từ đối tác Trung Quốc và đang kích hoạt lại kết nối để cập nhật về điểm đến, dịch vụ lưu trú, lộ trình tham quan để kiểm tra lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Các dịch vụ vé máy từ các hãng hàng không cũng đã được DN kết nối để có được thời gian khởi hành đa dạng và giá tốt nhất... Các chương trình dự kiến sẽ có thời gian từ 5-15 ngày tùy vào lịch trình tham quan và các tuyến điểm tập trung ưu tiên trong giai đoạn mở cửa sẽ là Trương Gia Giới, Thượng Hải, Bắc Kinh, Côn Minh, Lệ Giang...

Link nội dung: https://travelteam.vn/san-sang-don-khach-doan-trung-quoc-334.html