Đến thánh địa Bethlehem giữa chiến sự

Trái ngược với cảnh báo phải "xếp hàng dài" một thời, Ian Neubauer là một trong vài du khách đến thánh địa Bethlehem, khi chiến sự Gaza đã kéo dài 7 tháng.

Du khách người Australia Ian Lloyd Neubauer đến dải Gaza vào tháng 5 và có trải nghiệm đáng nhớ khi đi bộ ở Bethlehem, thành phố thuộc khu tự trị của người Palestine ở Bờ Tây, cách Jerusalem 10 km. "Tôi là một trong số ít du khách đến đây sau 7 tháng diễn ra chiến sự tại dải Gaza", Ian nói.

Được coi là nơi sinh ra của Chúa Jesus, vua David, Bethlehem là điểm hành hương quan trọng của những người theo đạo Thiên chúa, Do Thái và Hồi giáo. Trước khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, thành phố được coi là điểm nóng du lịch hay "viên ngọc trên vương miện" trong ngành du lịch trị giá 1 tỷ USD của người Palestine.

Một người bán hàng ngồi đợi khách ở Bethlehem. Ảnh: SCMP

Một người bán hàng ngồi đợi khách ở Bethlehem. Ảnh: SCMP

"Dù bạn quan tâm đến lịch sử, tôn giáo hay văn hóa, thành phố chắc chắn là nơi hấp dẫn để ghé thăm", công ty du lịch địa phương Tourist Israel viết trên trang web. Tuy nhiên, khi Ian liên hệ để đặt tour đến Bethlehem, đại diện công ty cho biết "các chuyến tham quan đã bị hủy" vì chiến sự.

Không đặt được tour nên Ian đã đến trung tâm thông tin du lịch ở Jaffa, Tel Aviv, để tìm kiếm cơ hội. Tại đây, anh gặp một người Israel chuyên dẫn khách du lịch đến Bethlehem trước khi chiến sự xảy ra. Người này hướng dẫn Ian đến Jerusalem rồi từ đó bắt xe buýt đến Bethlehem.

Khởi hành từ Damascus Gate, cổng lớn nhất trong 8 cổng dẫn vào thành cổ Jerusalem, xe buýt chở Ian và các hành khách khác dừng lại khi đến Bethlehem. Một cảnh sát biên giới người Israel lên xe để kiểm tra giấy tờ tùy thân của từng khách. Trên xe có hai vợ chồng du khách Romania và Ian là người nước ngoài, còn lại đều là người Palestine.

Sau khi kiểm tra, xe buýt tiếp tục khởi hành. Ian đánh giá cung đường từ Jerusalem đến Bethlehem là một "kỳ quan" với những con đường cong dài uốn lượn đi qua hầm, các cây cầu và chạy dọc theo dãy núi Judea. Khung cảnh hai bên cũng gây ấn tượng với du khách: đồi dốc lởm chởm, những ngôi làng cằn cỗi.

Sau 40 phút di chuyển, xe đến Bethlehem. Ấn tượng đầu tiên của Ian là "mọi thứ đều hư hỏng" từ đường sá, cửa hàng đến lối đi bộ. Rác, cỏ dại mọc khắp nơi. Những chiếc ôtô cũ bị vứt trên đường.

Một góc Bethlehem ngày nay. Ảnh: SCMP

Một góc Bethlehem ngày nay. Ảnh: SCMP

Ian xuống xe và đang đi bộ thì một lái xe taxi đến bắt chuyện. Người này yêu cầu Ian đưa 20 shekel (5 USD) để đưa đến khu vực thành cổ Bethlehem, Di sản Thế giới của UNESCO, nằm trên đỉnh một ngọn đồi dốc. Khi nam du khách từ chối và bỏ đi, người này đã chửi thề và hét lên "tao sẽ khiến Hamas bắt cóc mày".

"Tim tôi bắt đầu đập mạnh", Ian sợ đến mức "có thể cảm nhận mạch đập trên tay". Ian lúc đó đã nghĩ ra hai phương án: hoặc chỉ là lời đe dọa hoặc biến lời đe dọa thành sự thật. Nếu mọi chuyện diễn biến theo suy đoán thứ hai của anh thì dù có quay lại xe buýt để chạy về Jerusalem cũng không còn ý nghĩa. Do vậy, Ian quyết tâm đi thẳng và không để lời dọa nạt kia khiến anh phải thỏa hiệp dùng dịch vụ của người lái xe.

Đường lên đỉnh đồi hẹp dần, dẫn đến những bậc thang cao màu trắng làm từ đá vôi và tỏa sáng rực rỡ dưới ánh Mặt Trời. Ian cứ đi cho đến khi thấy mình đang ở giữa một khu chợ nhộn nhịp, nơi những người bán hoa quả và thợ giày đang bận rộn chào mời khách. Mùi bánh mì dẹt nướng thoang thoảng trong không khí. Chuông nhờ thờ vang lên từ phía tháp chuông.

Ian nhận ra mình là khách phương Tây duy nhất tại khu chợ, do đó anh thu hút mọi ánh nhìn của người dân địa phương. Những người bán hàng cau có yêu cầu anh không chụp ảnh họ, số khác thờ ơ, chỉ có những đứa trẻ thân thiện hỏi anh từ đâu đến.

Nam du khách rẽ vào một con hẻm lát đá cuội, nơi có các cửa hàng bán đồ lưu niệm thủ công vắng vẻ cùng gương mặt chán nản của những người chủ. "Chúng tôi làm sao tồn tại được", một người chủ than thở với Ian. Một người khác nói họ chưa có thêm khách từ ngày 7/10/2023.

Trên đỉnh đồi là Nhà thờ Giáng sinh, điểm hút khách chính của Bethlehem được xây theo phong cách La Mã vào năm 565. Công trình được bảo trì gần như nguyên vẹn với những khoảng sân vườn đầy hoa.

Trang web của Tourist Israel từng viết Hang Giáng sinh là địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất ở Bethlehem, đám đông luôn xếp hàng dài chờ đợi. Không hướng dẫn viên nào có thể đảm bảo chính xác thời gian có thể dẫn khách vào trong hang.

Khi Ian ghé thăm, nơi đây chỉ có một nhóm nhỏ du khách đến từ các quốc gia Arab và một cặp đôi đến từ châu Phi. Lượng khách quốc tế đến Israel giảm 80% từ khi xảy ra chiến sự với Hamas. Hầu hết du khách đến thăm hiện nay là những người theo đạo Cơ đốc giáo.

Ian quay lại khu chợ để mua một chiếc bánh sandwich với giá 5 shekel (hơn 1 USD), bằng một phần năm giá mua ở Israel, và trò chuyện với hai cảnh sát Palestine. Anh đề cập đến chuyện bị lái xe taxi đe dọa. Hai cảnh sát nói rằng đây chỉ là "vấn đề cá nhân" và đảm bảo rằng Bethlehem "an toàn".

Trước khi trở lại Jerusalem, Ian muốn đến thăm lăng mộ Rachel (Rakhen), nhà tiên tri và là vợ của Jacob, tổ phụ thứ ba của dân Israel. Đường đến lăng mộ rộng và nóng như thiêu đốt vì không có cây cối. Hai bên đường là những cửa hàng, nơi những người đàn ông ngồi hút tẩu theo nhóm. Khi đến nơi, Ian không vào thăm được vì bị ngăn cách bởi Bức tường Bờ Tây, một hàng rào ngăn cách dài hàng trăm km bằng bê tông được Tel Aviv xây dựng.

Ian gọi taxi để chở ra điểm đón xe buýt. Người lái xe lao qua những con phố chật hẹp ở Bethlehem trong tâm trạng cáu kỉnh cùng lời phàn nàn về chiến tranh. Khi đi theo đường cao tốc đến Jerusalem, xe dừng lại tại một trạm kiểm soát quân sự. Mọi người đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân cũng như giấy phép du lịch đến Israel. Ian thở phào nhẹ nhõm vì hành trình kết thúc trong suôn sẻ.

Ian cho rằng nếu ai tìm kiếm lời khuyên của anh để đến Bethlehem du lịch, câu trả lời của anh sẽ là "không nên đến vào thời điểm hiện nay" vì tình hình chiến sự vẫn căng thẳng.

Anh Minh (Theo SCMP)

Link nội dung: https://travelteam.vn/den-thanh-dia-bethlehem-giua-chien-su-3345.html