7 nhà hàng tại Việt Nam được trao sao Michelin có gì?

7 nhà hàng được nhận một sao Michelin ở ba miền Việt Nam sở hữu những sắc màu riêng, thể hiện nguồn năng lượng dồi dào, đam mê và sáng tạo không ngừng, theo Michelin.

Tối 27/6, tại buổi lễ TP HCM, Michelin công bố 7 nhà hàng được nhận một sao năm 2024 (ảnh), trong đó có 4 nhà hàng được "giữ" sao từ năm ngoái và ba nhà hàng mới. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo định nghĩa của Michelin Guide, một sao (trong hệ thống ba sao Michelin) dành cho nhà hàng "có chất lượng món ăn ngon, xứng đáng để dừng chân thưởng thức". Nhà hàng đạt danh hiệu một sao Michelin là điểm kinh doanh ẩm thực sử dụng nguyên liệu chất lượng, phục vụ những món ăn được chế biến kỹ lưỡng và có hương vị riêng.

La Maison 1888

Nằm trong một resort 5 sao ở Đà Nẵng, La Maison 1888 là một trong ba cái tên mới được Michelin trao danh hiệu một sao. Đây cũng là nhà hàng đầu tiên ở Việt Nam hợp tác với đầu bếp được gắn sao Michelin - bếp trưởng Pierre Gagnaire.

Thực đơn của nhà hàng giao thoa giữa ẩm thực Pháp và nguyên liệu địa phương. Một điểm nhấn khác của La Maison 1888 là hầm rượu, nơi cất giữ bộ sưu tập rượu vang quý.

Trước khi được một sao Michelin, đại diện của Đà Nẵng từng vào top 10 nhà hàng tốt nhất thế giới năm 2016 do CNN bình chọn hay top 10 nhà hàng hàng đẹp nhất thế giới do Architectural Digest bình chọn. Trong ảnh là một góc của nhà hàng với tầm nhìn ra biển Ảnh: La Maison 1888

The Royal Pavilion

The Royal Pavilion hay Long Triều là đại diện mới giành được một sao Michelin tại TP HCM, đồng thời là nhà hàng duy nhất từ danh sách Michelin Selected năm ngoái được thăng hạng một sao.

Thực đơn của nhà hàng xoay quanh tinh hoa của ẩm thực Quảng Đông truyền thống, gây ấn tượng với hương vị độc đáo cùng nghệ thuật bài trí món ăn. Nhà hàng có các món ăn đa dạng (à la carte) để khách lựa chọn hoặc thực đơn trọn gói (set menu) thể hiện tinh thần tôn trọng di sản ẩm thực Quảng Đông hay thực đơn dim sum được phục vụ vào buổi trưa. Ảnh: The Reverie Saigon

Akuna

Nhà hàng ở TP HCM mới giành một sao năm nay được Michelin giới thiệu "chuyên phục vụ các món Âu sáng tạo, với ảnh hưởng từ ẩm thực Việt Nam, thưởng thức cùng rượu vang đẳng cấp". Đội ngũ đầu bếp của Akuna quy tụ những tài năng đến từ Australia, Hàn Quốc, Việt Nam, Đức và Pháp, dưới sự dẫn dắt của bếp trưởng điều hành Sam Aisbett.

Thực đơn ở nhà hàng được xây dựng dựa trên cuộc sống sôi động của đường phố TP HCM, bức tranh văn hóa phong phú ở Việt Nam, tình cảm với người dân và nguyên liệu địa phương. Ảnh: Akuna

Gia

Nhà hàng Hà Nội này theo đuổi ẩm thực Việt cao cấp. Bếp trưởng Sam Trần muốn thông qua mỗi món ăn khơi gợi trong khách hàng cảm xúc mới về các nguyên liệu vốn quen thuộc, đồng thời kể chuyện về văn hóa, truyền thống người Việt cũng như nền ẩm thực gắn kết quá khứ, hiện tại, tương lai.

Gia phục vụ Tasting Menu (thực đơn nếm thử), đưa thực khách đi qua hành trình trải nghiệm hương vị với 10 món định sẵn, kèm thức uống được nhà hàng chuẩn bị để phù hợp với hương vị từng món. Nhà hàng phục vụ thực đơn theo mùa, ba tháng đổi một lần và những món đã qua hầu như không xuất hiện trong mùa mới. Ảnh: Giang Huy

Hibana by Koki

Nhà hàng nằm trong một khách sạn 5 sao ở trung tâm Hà Nội, mang phong cách nghệ thuật ẩm thực Teppanyaki Nhật Bản - sử dụng đồ gang, sắt hoặc thép để chế biến món ăn, thường là nướng, xào, chiên.

Hibana by Koki thực chất là một "căn bếp riêng tư" với 14 chỗ ngồi. Mỗi thực khách sẽ phải chi từ 5,5 triệu đồng đến 8,5 triệu đồng cho một bữa ăn tại đây và đều phải đặt trước. Bếp trưởng của nhà hàng là Yamaguchi Hiroshi, ngoài ra còn có cố vấn Yoshida Junichi - đầu bếp một sao Michelin về nghệ thuật Teppanyaki. Ảnh: Giang Huy

Tầm Vị

Không gian nhà hàng là căn nhà gỗ hai tầng, yên tĩnh với khoảng 20 bàn, phục vụ cùng lúc khoảng 100 thực khách. Tường, trần, sàn, cầu thang, bộ bàn ghế cũ, ống đũa tre trong nhà hàng đều tái hiện ngôi nhà cổ xưa. Đồ trang trí nhẹ nhàng, hài hòa với phong cách hoài cổ.

Hiện thực đơn của Tầm Vị có hơn 100 món, được nhiều người yêu thích nhất vẫn là cá kho, trứng rán, đậu phụ rán, rau muống luộc, canh tôm nấu bầu, thịt kho trứng, dưa cà, bắp cải cuốn thịt... Thực đơn thay đổi theo mùa, nhưng không đi lệch với các món ăn Việt Nam truyền thống. Ảnh: Giang Huy

Ănăn Saigon

Nhà hàng duy nhất ở TP HCM giành sao Michelin năm ngoái với đầu bếp kiêm chủ nhà hàng là Peter Cường Franklin. Thực đơn tại nhà hàng được phát triển từ những món Việt bình dân dọc ba miền, làm mới trong cách chế biến, trang trí.

Peter chia sẻ những món ăn biến tấu kiểu này thường được gọi là "fusion cuisine" (ẩm thực giao thoa), nhưng ông thích gọi là phong cách nấu ăn Việt Nam mới hay ẩm thực mới. Theo ông, món ăn không mất gốc vì hương vị như nguyên bản, nguyên liệu lấy từ địa phương. Đầu bếp chỉ tạo ra một phong cách ẩm thực Việt Nam hòa nhập với thế giới, biến những món ăn bình dân trở thành món cao cấp, mới mẻ, đem đến trải nghiệm thú vị cho thực khách.

Để sáng tạo một món mới, Peter thường đến tận nơi ăn món gốc, tìm hiểu văn hóa địa phương nhằm tạo ra món ăn vẫn giữ được gốc rễ truyền thống vốn có. Ảnh: Thanh Tùng

Nén Danang

Không nằm trong 7 nhà hàng một sao, Nén Danang là cái tên đầu tiên được trao tặng sao Xanh Michelin ở Việt Nam - minh chứng cho cam kết trong lĩnh vực ẩm thực và tính bền vững của nhà hàng. Nén Danang xác định vai trò tiên phong trong lĩnh vực ẩm thực bền vững từ khi bắt đầu vào năm 2017, luôn nỗ lực quảng bá các nguyên liệu địa phương. Hầu hết nguyên liệu được sử dụng tại nhà hàng đều được nuôi trồng tại chính địa phương.

Nhà hàng thường xuyên chia sẻ thông tin về trang trại của mình trên các phương tiện truyền thông và kêu gọi thực khách ủng hộ một tương lai xanh, bền vững hơn. Không chỉ truyền tải thông điệp tích cực về ẩm thực bền vững đến thực khách, nhà hàng còn hợp tác với các trường học địa phương, chia sẻ thông tin với thế hệ trẻ để lan tỏa về khái niệm "xanh". Ảnh: Nenlightrestaurant

Hoài Anh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net

Link nội dung: https://travelteam.vn/7-nha-hang-tai-viet-nam-duoc-trao-sao-michelin-co-gi-3482.html