Du lịch trên du thuyền là trải nghiệm mới lạ, đang ngày càng phổ biến với du khách Việt Nam. |
Lần đầu tiên xem series sitcom The Suite Life on Deck (Cuộc sống thượng hạng trên tàu) vào khoảng năm 2009, tôi thầm nghĩ sẽ phải ít nhất một lần trải nghiệm hành trình với du thuyền trên biển.
Thế nhưng đến giữa tháng 6 vừa qua, tôi mới có cơ hội biến mong muốn thành sự thật. Những năm gần đây, du khách Việt có nhiều lựa chọn du lịch đường biển với hải trình đa dạng, như từ Singapore qua Malaysia hoặc tour du ngoạn châu Âu.
Thế nhưng, tôi chọn hải trình 4 ngày 3 đêm từ Cơ Long (Đài Loan, Trung Quốc) đến Okinawa (Nhật Bản). Khoảng cách không quá xa, chi phí phù hợp và quan trọng là cảnh quan tuyệt đẹp, đó là những lý do khiến tôi không ngần ngại xách ba lô và lên đường.
Lối từ cảng Cơ Long lên tàu và hình ảnh con tàu nhìn từ bên ngoài. |
Thức dậy với đại dương bên ngoài ban công
Từ Hà Nội, tôi đáp chuyến bay xuống sân bay Đào Viên (Đài Bắc). Thêm một chuyến xe khoảng 45 phút, tôi dừng chân tại Cơ Long (Keelung), thành phố cảng lớn thứ 2 Đài Loan.
Tại cảng Cơ Long, du thuyền Norwegian Spirit đã neo đậu, sẵn sàng đón khách và rời bến lúc 16h. Nhân viên hãng lữ hành chờ tôi tại cửa, giao các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục. Du khách cần trình hộ chiếu và giấy chứng nhận đặt chỗ để có thể lên tàu.
Ngoài ra, bạn cũng cần đặt cọc 100 USD qua thẻ ngân hàng hoặc tiền mặt, số tiền này dùng để trả tiền tips cố định trên tàu (20 USD/đêm) hoặc một số chi phí khác, sẽ hoàn trả nếu không sử dụng hết. Bạn lưu ý đến trước giờ khởi hành khoảng 2-3 tiếng, sử dụng thẻ ngân hàng chính chủ để thủ tục nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Khu vực ngoài trời tầng 13 là nơi cao nhất trên tàu mà du khách có thể ngắm đại dương và bể bơi sôi động. |
Du thuyền Norwegian Spirit thuộc sở hữu của Norwegian Cruise Line Holdings Ltd. (Na Uy), một trong những công ty du thuyền hàng đầu trên thế giới. "Khách sạn trên biển" này cao 14 tầng, nặng gần 76.000 tấn và có sức chứa 2.000 hành khách.
Tàu có nhiều hạng phòng, từ phòng tiêu chuẩn không cửa sổ, có cửa sổ, có ban công cho đến phòng penthouse và suite với diện tích lớn.
Tôi đặt hạng phòng tiêu chuẩn có ban công tại tầng 9. Phòng rộng khoảng 16 m2, bao gồm buồng vệ sinh, giường cỡ queen, bàn trang điểm, ghế thư giãn, tủ đồ và thiết bị điện tử cơ bản như tivi, điều hòa. Các hạng mục thiết kế thông minh, tối ưu cho không gian nhỏ trên tàu.
Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là ban công với view (tất nhiên) hướng thẳng ra biển. Đứng trên ban công, du khách có thể bao quát cả mặt biển và bầu trời mênh mông. Nếu may mắn chọn được căn phòng đúng hướng mặt trời mọc, bạn sẽ ngắm trọn vẹn bình minh ở chiều đi và hoàng hôn ở chiều quay lại.
Phòng tiêu chuẩn có ban công phù hợp cho 1-2 người sinh hoạt, được trang bị nội thất đầy đủ, tối ưu không gian. |
Qua tờ catalogue được công ty lữ hành cung cấp, tôi biết du thuyền có 14 nhà hàng, trong đó có 7 nhà hàng miễn phí, du khách có thể đến dùng bữa với thẻ phòng. Ngoài ra, tàu còn có khu vực bể bơi ngoài trời, sân golf, sân bóng rổ, rạp hát, cửa hàng lưu niệm, phòng gym, casino, quán bar, spa… và khu vực đại sảnh dành cho các hoạt động tập thể như xem phim, gặp mặt.
Các bữa ăn trên tàu, tôi lần lượt trải nghiệm những nhà hàng không thu phí trong danh sách. Mỗi nhà hàng có phong cách thiết kế và kiểu phục vụ riêng, từ buffet tự phục vụ cho đến gọi món. Menu thay đổi theo ngày, khá đa dạng với các món ăn từ Á sang Âu. Chất lượng món ăn không đồng đều so với khẩu vị của tôi, đặc biệt tại các nhà hàng tự phục vụ bởi món cơm, mì khá nguội.
Ngoài ra, các nhà hàng luôn kín chỗ rất nhanh vào các giờ ăn trưa, ăn tối cao điểm. Vì vậy, du khách cần đặt chỗ trước hoặc xếp hàng chờ đợi. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn có được bàn ăn bên cửa sổ, ngắm trọn biển xanh.
Bên trong tàu được thiết kế theo phong cách châu Âu cổ điển với nhiều khu vực dịch vụ như đại sảnh, phòng tranh, nhà hàng, phòng gym... |
Tương tự, khu vực bể bơi, đại sảnh cũng luôn đông đúc vào các khung giờ giải trí như sáng hoặc chiều. Đổi lại, các khu ngoài trời như hành lang bên mạn tàu, mũi tàu (tầng 12, 13) lại khá yên tĩnh, phù hợp cho việc chụp ảnh với toàn cảnh đại dương.
Đáng chú ý, khi tàu đi vào vùng biển quốc tế (khoảng 3 tiếng sau khi khởi hành), du khách sẽ không thể sử dụng mạng dữ liệu cá nhân. Lúc này, bạn có 2 sự lựa chọn: mua gói Internet trên tàu với giá tối thiểu 29,9 USD/đêm; hoặc như tôi, tận hưởng một đêm không mạng xã hội, không tin nhắn và không công việc.
Đến rạng sáng hôm sau, khi tàu đi vào hải phận Nhật Bản, bạn sẽ lại có thể tiếp tục sử dụng dữ liệu cá nhân.
Ban công phòng riêng "đổi màu" theo ánh mặt trời. |
Tại Nhật Bản, tàu neo đậu tại cảng Naha (thành phố Okinawa) trong 2 đêm. Du khách có thể tự do xuống tàu tham quan, du lịch. Lưu ý, nếu xuống tàu, bạn sẽ phải giao hộ chiếu của mình cho lực lượng hải quan và nhận lại khi về tàu.
Tàu chạy trên biển khá êm, kể cả khi ngoài trời có mưa khá lớn. Vì vậy, một người say sóng, say tàu xe như tôi không mệt mỏi sau hành trình. Tàu không giới hạn cân nặng hành lý, du khách có thể tùy ý mang theo nhiều vali, túi xách.
Tại sao nên du lịch du thuyền tại Đài Loan?
Đài Loan hiện có 7 cảng thương mại, vận tải quốc tế; 6 cảng nội địa và 4 cảng khai thác cá, theo ông Derek Chou, Trưởng đại diện Cục Du lịch Đài Loan tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng công ty Cảng quốc tế Đài Loan (Taiwan International Ports Corporation - TIPC), năm 2019 - giai đoạn trước đại dịch Covid-19, Đài Loan đón 336 du thuyền cập cảng, chở theo hơn 1 triệu lượt khách.
Trong khi đó, chỉ mới 4 tháng đầu năm 2024, các cảng trên khắp hòn đảo đón 228 du thuyền, đưa theo 776.000 lượt khách. Con số này chứng tỏ tiềm năng lớn của Đài Loan trong phát triển thị trường du lịch du thuyền, bao gồm cả hình thức du thuyền vượt biển (Overseas Cruise) và du thuyền kết hợp chuyến bay từ điểm xuất phát (Fly-Cruise).
Lý giải một số lý do cho kết quả nêu trên, ông Chou cho biết trước tiên, Đài Loan tung nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các đơn vị vận hành du thuyền và đơn vị lữ hành quốc tế đưa khách đến Đài Loan.
Nhiều món đồ lưu niệm được bày bán trên tàu, phù hợp mua làm quà. |
Ngoài ra, khi đến với các thành phố cảng của Đài Loan, du khách không chỉ thưởng ngoạn hành trình trên du thuyền mà còn có thể kết hợp du lịch địa phương.
Như ở thành phố cảng Đài Trung, bạn nên ghé thăm đền Dajia Jenn Lann - một trong những ngôi đền thờ thần biển cả Mazu nổi tiếng nhất ở Đài Loan. Hay tại Cao Hùng, nhiều du khách yêu thích nhịp sống sôi động bên vịnh sông Tình Yêu, choáng ngợp với cảnh sắc tại Trung tâm tưởng niệm Phật Quang Sơn…
Đặc biệt, tại thành phố Cơ Long, công viên Triều Kinh, quảng trường Hàng Hải, khu nhà màu sắc bên cảng cá Chengbin hay chợ đêm Miếu Khẩu… là những điểm đến không thể bỏ lỡ. Thành phố cảng này xếp hạng thành phố du thuyền quốc tế lớn nhất ở Đài Loan, ngoài ra còn là cảng du thuyền tốt nhất châu Á năm 2017.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/toi-den-dai-loan-thuc-giac-tren-dai-duong-voi-du-thuyen-14-tang-3521.html