Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" ngày 15-3.
Tại sao du lịch "đi trước về chậm"?
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Mặc dù là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm, song so các nước trong khu vực, năm 2022, việc thu hút khách du lịch chưa đạt mục tiêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa - lịch sử". Người đứng đầu Chính phủ đặt hàng loạt câu hỏi: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan khiến du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỉ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã làm tốt chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng thay đổi cơ chế, điều chỉnh luật để mở chính sách visa bằng các nước trong khu vực nhằm cạnh tranh hơn. Đặc biệt cần sửa luật để mở văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng chung quan điểm về vấn đề visa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nhấn mạnh phải có những cải cách mạnh hơn nữa về visa. Ông Trường đề xuất tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế từ 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú từ 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu biện pháp tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, cần nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi cho khách có nhu cầu xin thị thực truyền thống, không yêu cầu phải có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam bảo lãnh đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày (tương tự như nguyên tắc cấp e-visa).
Đầu tư quảng bá chuyên nghiệp, hiệu quả
Ông Nguyễn Minh Chung, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), cho rằng muốn bán hàng phải cho khách hàng biết đến sản phẩm của mình. Chương trình quảng cáo ở nước ngoài phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Nhấn mạnh đến công tác truyền thông, quảng bá, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài kiến nghị cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tập trung thông tin cho khách quốc tế về điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn và khác biệt, sớm có kế hoạch quảng bá cụ thể hằng năm cho từng thị trường khác biệt.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cũng đề xuất cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác lớn, địa phương. Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương, Vietjet sẵn sàng chia sẻ bản quyền bài hát "Hello Việt Nam" đối với ngành du lịch để đưa thông điệp tốt nhất của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho hay các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng cách tiếp cận, xúc tiến các sản phẩm cụ thể, phù hợp với thị hiếu của thị trường. Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng Việt Nam cần có kế hoạch hành động số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hóa.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đón đoàn khách Trung Quốc đầu tiên qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: THÚY HÀ
Bỏ du lịch "một mùa", hoàn thiện chính sách visa
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần có tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần".
Phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách. Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau. Chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Định vị thế mạnh du lịch Việt Nam
Ngành du lịch đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay sẽ tập trung vào việc định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán lại thị trường khách. Mỗi địa phương cần có một sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để giới thiệu, quảng bá hình ảnh "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển".
Đón đoàn khách du lịch Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị và Móng Cái
Chiều 15-3, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), hơn 120 du khách Trung Quốc đầu tiên đi theo đoàn do các công ty du lịch tổ chức đã nhập cảnh vào Việt Nam, đánh dấu việc khai thông du lịch xuyên biên giới Việt - Trung sau dịch COVID-19.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Tổng cục Du lịch đã tặng quà và giới thiệu với khách về những chính sách, sản phẩm du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19 tại lễ đón đoàn. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: "Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện hết sức thuận lợi, các dịch vụ chất lượng để đón các đoàn khách Trung Quốc trở lại. Hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc trước giai đoạn dịch COVID-19 là hết sức tốt đẹp, mang lại lợi ích chung cho nhân dân 2 nước, đóng góp thiết thực cho việc vun đắp tình hữu nghị Việt- Trung". Bà Lương Vân Yến, du khách Trung Quốc, cho hay cả đoàn khách rất hào hứng với chuyến đi tới Việt Nam. "Chúng tôi chọn Việt Nam vì đất nước các bạn có nhiều phong cảnh đẹp, con người thân thiện. Nhiều điểm đến của Việt Nam như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc... khách rất thích" - bà Lương Vân Yến nói.
Sáng cùng ngày, đoàn khách 38 người của Công ty Du lịch Thần Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) theo tour du lịch 4 ngày, 3 đêm tại Móng Cái, Hạ Long và thủ đô Hà Nội. Lãnh đạo TP Móng Cái và các ngành khối cửa khẩu, các đơn vị du lịch đã đến tặng hoa đoàn khách du lịch đầu tiên nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, trong ngày 15-3 có 5 đoàn với trên 100 khách du lịch Trung Quốc đã làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái vào Việt Nam du lịch.
Y.Anh - Tr.Đức
Link nội dung: https://travelteam.vn/phat-trien-du-lich-an-toan-xanh-sach-356.html