Du khách check-in trên cầu Fuji Dream (Giấc Mơ Phú Sĩ) cùng rào chắn cảnh báo từ chính quyền. Ảnh: Tien Nguyen/Pexels. |
Năm 2023, Nhật Bản đón khoảng 25 triệu lượt khách quốc tế. So với dân số khoảng 125 triệu người, đất nước mặt trời mọc có tỷ lệ 0,2 khách trên bình quân đầu người. Năm 2019, tỷ lệ này đạt đỉnh vào mức khoảng 0,25.
Trong khi đó, Pháp đón 100 triệu lượt khách mỗi năm, đạt tỷ lệ 1,5 khách du lịch bình quân đầu người, tại Hy Lạp là 3,4, Bồ Đào Nha có tỷ lệ 2,5 trong khi Tây Ban Nha là 1,8. Như vậy, để đạt được mức du lịch ngang với châu Âu, Nhật Bản cần đón thêm 100 triệu khách mỗi năm.
Ông Terrie Lloyd, người sáng lập tạp chí Japan Travel, cho biết: "Thực tế, Nhật Bản không có quá nhiều khách du lịch nước ngoài".
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, đây là một sự so sánh không công bằng. Tại Liên minh châu Âu, việc di chuyển tự do giữa các nước trong khối giúp lượng du khách không "tồn đọng" tại một địa điểm nhất định.
Còn Nhật Bản với diện tích địa lý khá nhỏ, gồm nhiều đảo, diện tích đất phục vụ du khách sẽ hạn chế hơn so với các quốc gia lớn, có địa hình bằng phẳng.
Những khu phố chật kín du khách khiến người dân có cảm giác quá tải. Ảnh: @lisainjapan, @glimpsesofjapan. |
Theo Japan Times, những tháng gần đây, mức độ lo ngại về tình trạng quá tải du lịch tại Nhật Bản đã lên đến đỉnh điểm dù lượng du khách quốc tế đổ vào tương đối khiêm tốn. Đây có thể là cảm giác khi có quá nhiều du khách cùng đến trong một thời điểm, thay vì dàn trải suốt năm.
Ông Daniel Gschwind, giáo sư Viện Du lịch của Đại học Griffith, Australia, cho biết ở một số khu vực cụ thể của Nhật Bản, "sức chứa du khách" có thể đã đạt đến mức tối đa. Trong đó, những địa điểm "hot" trên mạng xã hội - những nơi được cho là đẹp nhất trên Instagram - "ngập tràn" du khách nước ngoài.
Gschwind cho biết: "Những điểm ngắm núi, hồ nước hay dòng sông sẽ nhanh chóng bị áp đảo bởi du khách khi được quảng cáo là địa điểm chụp ảnh 'cực đỉnh'".
Du khách đi theo mạng xã hội khiến những điểm đến quá tải, chính quyền địa phương đã phải dựng rào chắn để ngăn chặn du khách. Ảnh: @Zoe Sheng. |
Ví dụ, giao lộ tấp nập ở Shibuya, Ameyoko ở Ueno và đền Sensoji ở Asakusa, cũng như các khu vực xunh quanh, đều đông nghẹt du khách nước ngoài, nhiều người bị thu hút đến những địa điểm này bởi các bài đăng trên mạng xã hội.
Nhưng phần lớn đất nước vẫn tương đối vắng vẻ do tình trạng dân số giảm và bản năng đám đông của khách du lịch bị dẫn dắt bởi mạng xã hội. Các vùng nông thôn Nhật Bản, những thành phố hạng hai và hạng ba, các tỉnh kém hiện đại và thậm chí một số khu vực ngoại ô của Tokyo vẫn rơi vào tình trạng thiếu khách nước ngoài.
Lloyd cho biết: "Có rất nhiều địa điểm trên khắp Nhật Bản mang đến những trải nghiệm tương tự như Kyoto".
Trong khi đám đông du khách tập trung ở Ueno thì cách đó chưa đầy một km, một số ngôi đền đẹp như tranh vẽ gần như trống rỗng, khuôn viên xanh tươi của Đại học Tokyo gần đó cũng rất yên tĩnh.
Một con phố vắng vẻ ở Fukiya, tỉnh Okayama. Ảnh: Jason Jenkins. |
Năm 2023, 5 tỉnh Akita, Yamaguchi, Tottori, Fukui và Shimane báo cáo có ít hơn 100.000 lượt khách quốc tế lưu trú qua đêm, con số này chênh lệch rất lớn khi so sánh với 43 triệu lượt khách ở Tokyo, 18 triệu lượt khách ở Osaka và 12 triệu lượt khách ở Kyoto.
Định nghĩa về quá tải du lịch vẫn còn nhiều tranh cãi. Có thể thừa nhận rằng nó ít liên quan đến số lượng tuyệt đối hay tương đối, mà liên quan nhiều hơn đến tác động tổng thể lên xã hội.
Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu đón 60 triệu du khách vào cuối thập kỷ này, nâng tỷ lệ du khách bình quân đầu người lên khoảng 0,5, con số này vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn của châu Âu.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/qua-tai-du-lich-o-nhat-ban-chi-la-cam-giac-3610.html