Fan Hàn Quốc giận dữ vì nhúm lông bị rụng trên lưng gấu trúc Fu Bao

Nhiều người hâm mộ tại Hàn Quốc cho rằng Fu Bao không được chăm sóc tốt sau khi trở về Trung Quốc. Họ biểu tình tại Đại sứ quán, kêu gọi điều kiện nuôi giữ tốt hơn cho chú gấu trúc.

Fu Bao đang cầm một món đồ chơi làm từ tre tại Công viên Everland ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc vào ngày 3/3/2024 - ngày cuối cùng du khách có thể nhìn thấy chú gấu trúc trước khi nó khởi hành đến Trung Quốc vào tháng 4. Ảnh: Joint Press Corps.

Ra đời tại Công viên Everland vào tháng 7/2020, Fu Bao là chú gấu trúc đầu tiên được nhân giống tự nhiên tại Hàn Quốc theo thỏa thuận cho mượn giữa quốc gia này và Trung Quốc.

Trong 4 năm sống tại công viên, Fu Bao trở thành "ngôi sao" giới động vật và chiếm được tình cảm yêu thích của hàng chục nghìn du khách.

Hết thời hạn thỏa thuận và trở về Trung Quốc vào đầu tháng 4 vừa qua, Fu Bao sống tại Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn gấu trúc khổng lồ Tứ Xuyên. Khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng người hâm mộ Hàn Quốc vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến chú gấu trúc này.

Gần nhất, những hình ảnh về Fu Bao tại "nhà mới" thổi bùng lên làn sóng tranh cãi từ cộng đồng fan xứ Hàn, theo Korea Times.

Cụ thể, có thông tin về việc chú gấu trúc 4 tuổi này bị rụng một số mảng lông ở lưng. Người hâm mộ Hàn Quốc cho rằng có thể do Fu Bảo căng thẳng hoặc được chăm sóc trong môi trường không đảm bảo.

Fu Bao anh 1

Người hâm mộ Fu Bao biểu tình gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul ngày 11/7, yêu cầu chính phủ Trung Quốc cải thiện cơ sở vật chất tại Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn gấu trúc khổng lồ Tứ Xuyên. Ảnh: The Korrea Times.

Ngay sau đó, hàng loạt cư dân mạng đã điền vào lá đơn yêu cầu Trung tâm bảo tồn phải nâng cấp chất lượng môi trường sống cũng như chăm sóc để đảm bảo sức khỏe cho Fu Bao. Ngoài thư yêu cầu, fan của Fu Bao còn phát động các chiến dịch cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.

Trong 3 tháng qua đã có nhiều cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul. Chưa kể, người hâm mộ còn đăng bài trên tờ báo The New York Times của Mỹ và phát động các bản kiến ​​nghị trực tuyến trên các nền tảng quốc tế như Change.org.

Trên nền tảng mạng xã hội X, hàng loạt chiến dịch được khởi xướng có gắn thẻ các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế và chính quyền Trung Quốc bằng khẩu hiệu như "Đảm bảo an toàn cho Fu Bao".

Trên Naver (nền tảng trực tuyến lớn nhất của Hàn Quốc) xuất hiện cộng đồng Fu Bao Gujodae (Fu Bao 119)" có nghĩa là "Đội cứu hộ của Fu Bao". Cộng đồng này được thành lập vào cuối tháng 5, hiện nay có hơn 4.000 thành viên và vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Fu Bao anh 2

Du khách chụp ảnh trước bức tượng gấu trúc khổng lồ cao 12 m có tên “Giant Bao” tại Công viên giải trí Everland ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, ngày 7/12/2023. Công trình này được đặt theo tên của Fu Bao. Ảnh: Choi Won-suk/Korea Times.

Phát biểu với tờ The Korea Times, Jeong, người quản lý nhóm Fu Bao Gujodae, cho biết họ muốn chia sẻ những mối lo ngại về sự an toàn của Fu Bao.

"Không có hàng rào cao nên sự an toàn của Fu Bao luôn bị đe dọa. Gần đây, một chiếc ghế đã rơi vào chuồng và những bức ảnh Fu Bao ngậm nó trong miệng đã được đăng tải lên mạng. Ngoài ra còn có một sự cố khi Fu Bao ngậm một nắp ống kính máy ảnh trong miệng. Mối lo ngại của chúng tôi là nếu có đồ vật rơi vào chuồng, gấu trúc có thể bị thương và nếu vô tình ăn phải bất kỳ đồ vật nào trong số này, Fu Bao có thể bị bệnh nặng", Jeong nói.

Ngoài ra, Jeong còn đề cập việc cơ sở ở Trung Quốc không có cây cao để Fu Bao có thể leo trèo, thư giãn như ở Hàn Quốc.

Đầu tháng này, Jeong và một số người hâm mộ khác đã gửi một lá thư viết tay tới ban quản lý tại Trung tâm nghiên cứu bảo tồn gấu trúc khổng lồ Tứ Xuyên đề nghị chăm sóc tốt hơn cho Fu Bao.

Tuy nhiên, nhóm không nhận được phản hồi trực tiếp nào ngoại trừ các tuyên bố từ chính phủ Trung Quốc thông qua các bản tin trên phương tiện truyền thông khẳng định "Fu Bao an toàn và khỏe mạnh".

Jeong cho biết các thành viên trong nhóm có kế hoạch mở rộng chiến dịch để xem xét kỹ lưỡng chương trình "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc. Họ cũng đang tham khảo ý kiến ​​của các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật và các chuyên gia pháp lý để xây dựng các chiến lược nhằm lên tiếng trên trường quốc tế, chẳng hạn như thông qua các diễn đàn môi trường toàn cầu.

Fu Bao anh 3

Fu Bao đang ăn tre tại Trung tâm nghiên cứu bảo tồn gấu trúc khổng lồ Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc ngày 12/6. Đây là lần đầu tiên Fu Bao xuất hiện trước công chúng sau 2 tháng được chuyển đến Trung Quốc. Ảnh: Joint Press Corps.

Theo các nhà quan sát, sự phẫn nộ của người Hàn Quốc có thể ảnh hưởng đến chính sách "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc và mối quan hệ song phương giữa hai nước.

"Cho mượn gấu trúc từ lâu đã là một chính sách ngoại giao chủ chốt của Trung Quốc với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, chương trình này đang phải đối mặt với sứ giám sát ngày càng chặt chẽ từ các nhà hoạt động vì quyền động vật", Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, cho biết.

"Nhưng, nếu những cuộc biểu tình của người hâm mộ Hàn Quốc leo thang có thể khiến quyền xứ Trung khó chịu, đặc biệt là khi xét đến địa vị biểu tượng của gấu trúc và vai trò của chúng trong các chính sách ngoại giao mềm của họ", Kang, nói.

Trong bài viết ngày 17/7 trên Thời báo Hoàn Cầu (Global Time) của Trung Quốc mô tả sự phản đối của người hâm mộ là "biểu hiện sự bất mãn với Trung Quốc của một số đảng phái ở Hàn Quốc". Nhưng nói thêm rằng "nhóm nhỏ người này không thể đại diện cho đa số ở cả hai bên".

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Link nội dung: https://travelteam.vn/fan-han-quoc-gian-du-vi-nhum-long-bi-rung-tren-lung-gau-truc-fu-bao-3755.html