Dân Australia có thể miêu tả tỉ mỉ một người họ hàng của họ bị thương nặng ra sao do gấu nhảy (Drop Bear) tấn công hay chuyện về một người bạn đã thoát chết trong gang tấc dưới bàn tay của loài ăn thịt hung dữ này.
Nhưng tất cả đều nói dối. Gấu nhảy không tồn tại.
Nhiều quốc gia nổi tiếng về những sinh vật không tồn tại hoặc chưa bao giờ được nhìn thấy, như người tuyết và quái vật hồ Loch Ness. Tại Australia, đó là gấu nhảy.
Dân Australia không tin gấu nhảy tồn tại nhưng lại rất thích kể về con vật này và mang ra "dọa" du khách như trò vui. Ai đó đi vào bụi rậm, người Australia sẽ cảnh báo "coi chừng có gấu nhảy đó". Khi khách hỏi đó là gì, người dân sẽ miêu tả về một sinh vật hung dữ, có móng vuốt và bất ngờ nhảy từ trên cây xuống.
Một số người đã nâng tầm trò đùa này lên cấp độ mới. Bảo tàng Australia đã tạo hẳn một thư mục trên trang web để cảnh báo về tầm nguy hiểm của gấu nhảy.
"Khi con mồi bị lọt vào tầm mắt, Drop Bear sẽ lao xuống từ độ cao 8 m để lao vào nạn nhân. Cú va chạm ban đầu thường làm con mồi choáng váng, khiến con vật dễ dàng cắn vào cổ, hạ gục nạn nhân", trang web nói.
Những người nổi tiếng ở Ausrtralia cũng thích tham gia vào trò đùa này. Ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới Chris Hemsworth cũng từng đưa khuyên du khách nên "mang theo ô" để tránh gấu nhảy.
Ngày nay, Drop Bear là cái tên phổ biến ở nhiều quốc gia, nó được biết đến là trò đùa quốc dân tại Australia. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự về loài gấu này đến nay vẫn chưa được biết rõ.
Nhiều truyền thuyết nói về con vật nhưng không bắt nguồn từ cuốn sách hay bộ phim nổi tiếng nào. Theo Thư viện Quốc gia Australia, lần đầu tiên gấu nhảy xuất hiện trên một tờ báo địa phương là vào năm 1982.
Bằng chứng khảo cổ học chỉ ra vào thời tiền sử, loài sư tử có túi tên khoa học là thylacoleo carnifex đã sống và săn mồi ở Australia. Con vật có khả năng leo trèo, nhảy từ trên cây xuống. Nhiều người tin đây là nguồn gốc về loài gấu nhảy.
Số khác cho rằng truyền thuyết về con vật bắt nguồn từ tiểu phẩm của diễn viên hài Paul Hogan trong chương trình The Paul Hogan Show phát sóng vào những năm 1970 và 1980. Trong một phân cảnh, Paul diễn đoạn bị những con gấu sát thủ nhảy từ trên cây xuống tấn công.
Ian Coate, người sáng lập website Mythic Australia, cho biết từng nghe câu chuyện về những con gấu nhảy này từ đầu nhưng năm 1970, trước khi chương trình của Hogan lên sóng.
Anh nói mọi người sẽ mang hình ảnh gấu nhảy ra để dọa những người đi cắm trại không được rời khỏi khu vực an toàn quá xa, đặc biệt là vào bụi rậm vì sẽ bị "gấu nhảy bắt".
Dù chỉ là trò đùa dọa khách hay loài vật không tồn tại, gấu nhảy là một phần văn hóa đặc biệt của Australia. Năm 1981, nghệ sĩ bass Chris Toms thành lập ban nhạc và đặt tên là The Drop Bears - Những con gấu nhảy.
Johnny Batchelor, thành viên nhóm nhạc, là dân New Zealand chuyển đến Australia sinh sống. Anh chưa bao giờ nghe nói về loài vật huyền bí này nhưng anh nhớ Toms nói giai thoại về gấu nhảy ở Australia cũng giống như các câu chuyện ma dân gian tại các quốc gia khác. "Nếu bạn không cẩn thận, gấu nhảy sẽ bắt bạn đi", Batchelor nói.
Batchelor nhận xét sự phổ biến của hiện tượng gấu nhảy không chỉ gắn liền với khiếu hài hước của người Australia mà còn thể hiện niềm tự hào mà đất nước này dành cho những loài động vật nguy hiểm của họ.
Ngay cả khi gấu nhảy không tồn tại thì Australia vẫn nổi tiếng với các sinh vật nguy hiểm có thật như cá mập, rắn cùng những loài nhện độc nhất thế giới.
Batchelor nhận xét độ nổi tiếng của gấu nhảy với khách quốc tế tỉ lệ nghịch với mức độ sợ hãi. Nhiều người biết đến trò đùa này, và họ không còn sợ gấu nhảy nữa.
Coates của Mythic Australia đang viết sách cho trẻ em, kể về những chú gấu nhảy với mục đích khuyến khích người Australia trẻ tuổi tự hào về truyền thuyết quốc gia của mình. Coates nói mục đích về những câu chuyện gắn liền với gấu nhảy không chỉ để dọa mà còn gắn kết mọi người lại với nhau.
"Nó giúp xây dựng mối quan hệ khi hai người cùng nói về một trò đùa", Coates nói.
Anh Minh (Theo CNN)
Link nội dung: https://travelteam.vn/gau-nhay-tro-dua-quoc-dan-cua-australia-3775.html