Thủ tướng chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam

(NLĐO) - Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để xem xét và đưa ra giải pháp xử lý thực trạng trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đang bị hoang tàn, đổ nát

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.

Đồng thời, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23-3-2023.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam - Ảnh 1.

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Lan Anh

Trước đó, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về việc cổ phần hóa nhiều thiếu sót, vi phạm ở Hãng phim truyện Việt Nam đã khiến hãng đang chết lâm sàng. Tọa lạc trên khu đất vàng số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, với diện tích sử dụng gần 5.500 m2, trụ sở của hãng giờ chỉ để trông xe.

Hơn 60 năm nay hãng không có quyền sử dụng mảnh đất này mà chỉ là đất đi thuê.

Sau 6 năm cổ phần hoá, chủ nhân mới của Hãng không có bất kỳ hoạt động nào trên mảnh đất đã từng làm ra những bộ phim điện ảnh kinh điển. Cơ sở vật chất của Hãng nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ ông rất đau xót với việc đã xảy ra và mong muốn Chính phủ, Bộ VH-TT-DL giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên "Chung một dòng sông" sản xuất năm 1959. Địa chỉ số 4 Thụy Khuê đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh...

Bộ phim cuối cùng Hãng sản xuất là "Cuộc đời của Yến" (2015), kể từ thời điểm cổ phần hóa, Hãng không sản xuất thêm được bộ phim nào.

Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được tiến hành từ năm 2014, dự kiến năm 2015 hoàn thành nhưng kéo dài tới 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso.

Với 32,5 tỉ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Vivaso hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6-2017.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng chính thức trở thành chủ mới của VFS, Vivaso đã vấp phải phản ứng dữ dội của các nghệ sĩ khi đưa ra những quy định như  không trả lương cho những người không đến làm việc, quy hoạch lại các phòng ban, đóng cửa lối đi chính và khuyến khích các nghệ sĩ đi làm thêm bằng các nghề khác kiếm thêm thu nhập...

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã ký vào lá đơn kêu cứu gửi lên Hội Điện ảnh Việt Nam liên quan đến việc điều hành của lãnh đạo Vivaso.

Tháng 9-2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa hãng phim nhưng đến nay, những bất cập trong quá trình thanh tra vẫn chưa được xử lý dứt điểm, khiến các nghệ sĩ bức xúc nhiều năm qua.

Link nội dung: https://travelteam.vn/thu-tuong-chi-dao-xu-ly-nhung-ton-tai-cua-hang-phim-truyen-viet-nam-386.html