Với tôi, để chiêm ngưỡng cảnh đẹp phải trải qua nhiều thử thách, tuổi tác không thành vấn đề. |
Tôi đam mê lái môtô khi chưa đến 20 tuổi. Năm 1976, trên chiếc xe Honda 67 phai sơn, tôi cùng vợ con đi khắp Việt Nam và phượt sang Lào. Cách đây 5 năm, tôi từng phượt xuyên Á - Âu với quãng đường 45.000 km, đi qua 39 quốc gia.
Tâm hồn xê dịch của tôi rung động khi xem bức ảnh một phượt thủ trẻ chụp với chiếc Honda Wave trên đường mòn. Tôi chợt nghĩ: "Nếu mình cũng mang xe đến Nga hay một nơi từng đi qua để chụp ảnh, chắc chắn rất thích". Trong tâm trí, Tây Tạng là nơi tôi mơ ước được quay lại để ngắm cận cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Tôi là Trần Lê Hùng (71 tuổi), hiện sinh sống tại Hà Nội, một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Ngày 14/6, tôi rời Việt Nam, chính thức bước vào giấc mơ mang tên Tây Tạng, cùng chiếc Honda 500cc băng qua những con đường hiểm trở.
Không quá tuổi, không mạo hiểm
"Bố đi chơi mấy ngày" - đó là câu tôi nói với gia đình trước khi đi. Tôi tuân theo thuyết tùy duyên, khao khát quay lại Trung Quốc và thưởng cảnh Tây Tạng trong tôi quá lớn. Một tuần trước ngày khởi hành, anh Hà - hướng dẫn viên cùng tôi phượt 39 quốc gia - bất ngờ gửi lời mời ghép đoàn đến Tây Tạng, tôi đồng ý ngay. Mọi chi phí tôi gạt sang một bên, miễn là có thể lên đường đi phượt.
Tôi sẵn sàng lên đường, lái xe không quản ngày đêm để chinh phục giấc mơ Tây Tạng. |
Tôi cùng anh Hà gấp rút đổi hộ chiếu, khám sức khỏe để mua bảo hiểm quốc tế, xin visa vào Trung Quốc, xin phép cho xe môtô di chuyển vào Trung Quốc và xin giấy phép vào Tây Tạng.
Trong thời gian chờ thủ tục, tôi bảo trì lại chiếc xe Honda 500cc, xếp hành lý vào thùng xe, mua sắm đồ bảo hộ. Mỗi ngày, tôi đều tập lái xe, rèn luyện sức bền để đáp ứng được điều kiện khắc nghiệt của Tây Tạng.
Trở lại phượt quốc tế sau 5 năm "gác xe", tôi không lo lắng, trái lại còn háo hức. Tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng, khi mọi thủ tục hoàn tất, tôi phóng thẳng từ Hà Nội sang Lào để vào Trung Quốc.
Chạm ngưỡng 71, tôi không nghĩ mình quá tuổi, cũng không mạo hiểm khi một mình phượt hàng nghìn cây số, mặc nắng mặc gió. Tôi tự nhận bản thân liều lĩnh, nhưng đều có cơ sở. Lịch sử du lịch của tôi là những chuyến phượt đến đất mũi Cà Mau, rong ruổi ở Lào hay đi xuyên Á - Âu. Tôi làm chủ được chiếc xe nặng 200 kg, có thể tự sửa chữa khi hỏng. Trải nghiệm từng bước một, lượng được sức mình, tôi mới ung dung lái môtô đến Tây Tạng.
Chinh phục Tây Tạng với 14.000 km
Trong những ngày đầu di chuyển ở Lào để đến cửa khẩu giáp Trung Quốc, tôi vượt qua quãng đường gập ghềnh, sình lầy đến mức bánh xe khó thăng bằng. Thậm chí, nhiều đoạn tôi phải đứng trên xe để di chuyển vì không thể ngồi.
Tôi đi qua nhiều quốc gia, va chạm không ít địa hình, cũng từng lái xe trên cao tốc giữa sa mạc ở Tân Cương, nhưng không nghĩ cung đường Tây Tạng lại hiểm trở đến thế.
Thời tiết biến chuyển, không khí loãng và địa hình gấp khúc không làm tôi nản chí. |
Trên một cung đường, hàng trăm phương tiện đua nhau di chuyển. Có đoạn đường vỡ và núi sạt lở, để lại những tảng đá to nằm ngổn ngang. Mỗi ngày, tôi đều phải tiếp cận cung đường này, đòi hỏi sự bình tĩnh và tập trung cao độ, bởi sẩy nhẹ tay là ngã xe, đâm vào vách núi hoặc lao thẳng xuống vực.
Độ loãng không khí là thách thức lớn đối với tôi. Cơ thể phải trao đổi khí mạnh khi vận động, việc dắt hay xoay xe cũng trở nên khó khăn. Chưa kể, do đặc thù địa hình, nhiệt độ ở Tây Tạng thay đổi liên tục, dưới đèo nóng 40 độ C, khi lên đỉnh đèo lại giảm còn -3 độ C. Đặc biệt là ban đêm, gió thổi mạnh, đủ sức cắt da cắt thịt.
Theo lịch trình của đoàn, tôi phải có mặt ở khách sạn vào mỗi tối để trình báo thủ tục và họp bàn về điểm đến. Mỗi ngày, tôi lái xe trung bình 400-500 km. Tôi nhiều tuổi, không thể đi quá nhanh, có ngày tôi di chuyển đến 21h, có ngày lại đến rạng sáng.
Tôi nhớ như in ngày chinh phục cung đèo cao nhất thế giới 5.566 m ở Tây Tạng. Bầu trời tối đen như mực, xung quanh tĩnh mịch, không một bóng người, chỉ có gió rít mạnh từ sườn đồi. Tôi kiệt sức, nằm lại trên đèo cùng một người bạn dẫn đoàn. Trong giây phút đó, tôi gần như bất lực. Nếu đi tiếp, có thể tôi sẽ chết, nhưng nằm lại cũng có thể chết vì lạnh.
Tôi hạnh phúc khi chạy giữa đường mòn, hai bên là cảnh quan đẹp mãn nhãn. |
Tưởng chừng như vất vả khiến tôi không còn cảm hứng với Tây Tạng, nhưng lòng tôi luôn đầy ắp cảm xúc, không ngày nào giống ngày nào. Cảnh vật và con người nơi đây quá đỗi đặc biệt. Nói không ngoa, những gì thế giới có, Tây Tạng đều không thiếu.
Có khi nắng như đổ lửa, cũng có khi tuyết rơi lạnh buốt. Dọc bên đường là những khóm hoa dại, cánh đồng chạy đến chân trời hay hồ nước đẹp như viên ngọc. Tôi chấp nhận lái xe ngày đêm, đương đầu với gian nan để đổi lấy cảnh đẹp hùng vĩ, không thể diễn tả bằng lời.
Tôi chụp một bức ảnh tại Hồ Gươm ngay khi về đến Hà Nội, gửi lời chào và cảm ơn vì chuyến đi bình an. |
Ấp ủ nhiều năm, cuối cùng giấc mơ chinh phục cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng của tôi hoàn thành. Tôi trở về Hà Nội vào ngày 24/7, sau 41 ngày đêm băng qua những cung đường gấp khúc. Trong tương lai, nếu đủ duyên và sức khỏe, tôi vẫn viết tiếp hành trang phượt đường dài.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/toi-71-tuoi-phuot-moto-gan-14000-km-khap-tay-tang-3896.html