Bão số 3 đã đi qua nhiều ngày nhưng hậu quả để lại ở thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) rất nặng nề. Bốn ngày qua, người dân trên đảo Cát Bà bị mất kết nối với đất liền, không điện, không nước sạch, thiếu thốn xăng dầu và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác.
Tiếp tế xăng dầu, nhu yếu phẩm cần thiết ra đảo
Sau 4 ngày cấm biển, cấm phà, người dân và du khách vui mừng vì bến phà Đồng Bài - Cái Viềng, tuyến giao thông độc đạo ra đảo đã hoạt động trở lại.
Chị Loan (28 tuổi, ở thị trấn Cát Hải) cho biết từ ngày 6/9, thành phố cấm biển, cấm phà. Ngày 7/9, bão đổ bộ, toàn huyện mất điện, mất sóng viễn thông, đảo Cát Bà mất kết nối với đất liền. Ở trong đất liền không biết gia đình, người thân trên đảo có bị ảnh hưởng, thiệt hại thế nào, rất lo lắng.
Với kinh nghiệm nhiều cơn bão trước đó, khi phà hoạt động trở lại, chị Loan vội vã lái xe mang theo thực phẩm, can xăng và một số nhu yếu phẩm thiết yếu mang ra đảo tiếp tế cho người thân.
Chuyến phà đầu tiên chiều 9/9 chở người dân ra đảo Cát Bà sau nhiều ngày cấm biển, mất kết nối với đất liền. |
Anh Tú (45 tuổi, ở thị trấn Cát Bà) vội vã lái xe máy chở theo thùng nhựa lên phà về đất liền để mua xăng, dầu và báo tin cho người thân trong đất liền về những thiệt hại tài sản, nhà cửa sau bão.
Trên chuyến phà, anh Tú chia sẻ tàu cá của gia đình bị hư hại, nhiều thiết bị bão tàn phá hư hỏng nặng nề. Anh cho biết, tranh thủ phà chạy, anh về đất liền mua xăng dầu để hoạt động thiết bị, máy móc và sinh hoạt và bắt tay vào việc khắc phục hậu quả.
Chị Hoa (một cán bộ trên đảo Cát Bà) cho biết các trạm xăng ở Cát Bà kiệt nhiên liệu do nhiều ngày cấm biển, cấm phà, mất kết nối với đất liền. Nhiều người san sẻ nhau từng chai xăng để có thể đi lại, di chuyển khi có việc cần thiết. Các cơ quan, đơn vị dù tích trữ xăng dầu trước bão nhưng cũng cạn kiệt sau nhiều ngày do ảnh hưởng bởi bão.
Chạy xe đi hứng sóng, báo tin về đất liền
Dọc đường hoa xuyên đảo Cát Bà, khu vực thuộc địa phận xã Trân Châu và xã Hiền Hào, hàng chục người dân tại thị trấn Cát Bà và các xã trên đảo tranh thủ tìm nơi hứng sóng điện thoại để báo tin về cho người thân, gia đình.
Nhiều người dân ở đảo Cát Bà lên phà về đất liền mua xăng dầu tiếp tế. |
Anh Thành (quê Ninh Bình) làm nghề hướng dẫn viên du lịch tại Cát Bà đã 8 năm nay. Anh chia sẻ nhiều ngày qua anh và người dân trên đảo mất sóng, mất điện, không có mạng viễn thông nên mất kết nối hoàn toàn với đất liền. Khi bão tan, anh nhanh chóng tìm người thân để xem tàu du lịch thiệt hại, hư hỏng ra sao.
Khi phà hoạt động trở lại, anh và bạn gái lái xe máy 15 km từ thị trấn về xã Hiền Hào (gần bến phà) để hứng sóng, gọi điện về quê báo tin cho gia đình. Vừa tới khu vực có sóng, điện thoại anh Thành nổ liên tục, báo tin nhắn của người thân, bạn bè trong nhiều ngày qua.
Nam hướng dẫn viên du lịch cho biết bão càn quét tàn phá tài sản của người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước tại Cát Bà rất nặng nề. Do đó, bão tan vài ngày sau điện nước, mạng viễn thông vẫn chưa thể khắc phục.
Người dân lái xe 15 km từ thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) ra xã Hiền Hào, gần bến phà để hứng sóng gọi điện báo tin về gia đình, người thân. |
Anh Công (thuyền viên tàu du lịch) cho biết mặc dù thuyền về neo đậu khu vực gần bờ nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc bão đổ bộ. Anh cho biết sóng lớn, gió mạnh giật liên hồi trong nhiều giờ khiến tàu rung lắc khủng khiếp. Anh chưa từng chứng kiến cơn bão nào kéo dài và càn quét mạnh như vậy nên rất ám ảnh.
Sau khi bão tan và dọn dẹp qua tàu thuyền, kiểm đếm lại tài sản, anh vội vã ra gần bến phà Cái Viềng để hứng sóng, gọi điện báo tin về để gia đình, người thân yên tâm.
Ông Lê Trung Thành (55 tuổi, ở Cát Bà) cho biết ông sống ở Cát Bà từ nhỏ, chưa từng chứng kiến cơn bão nào tàn phá mạnh như vậy. Toàn bộ nhà dân, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đều bị bão phá hủy, thiệt hại rất nặng nề. Ước tính, bình quân mỗi hộ thiệt hại từ vài chục triệu đến nhiều tỷ đồng.
Theo ông Thành, việc khắc phục hậu quả hiện nay cũng gặp rất khó khăn, bởi ít thợ lành nghề, khan hiếm nguyên vật liệu. Trong khi, toàn thị trấn hoang tàn, đổ nát như bãi chiến trường, tài sản nhà dân trở thành phế liệu, đống sắt vụn. Do đó, Cát Bà phải mất nhiều tháng sau mới có thể tạm khôi phục, đón khách.
Trao đổi với PV, đại diện UBND huyện Cát Hải cho biết khi bão đổ bộ, đảo Cát Bà mất kết nối với đất liền. Trong 4 ngày qua, đảo Cát Bà mất điện nước, mất mạng viễn thông do đó các đơn vị cơ sở phải đi xe máy trực tiếp vào trung tâm thị trấn Cát Bà để họp, báo cáo tình hình thiệt hại mỗi ngày.Hiện UBND huyện Cát Bà ước tính thiệt hại do bão là rất lớn nhưng chưa thể kiểm đếm, ước tính được mức độ thiệt hại cụ thể, chi tiết. Hiện nay, bến phà được hoạt động trở lại, người dân mong chờ nhất là có mạng viễn thông, có điện và xăng dầu trở lại để bắt đầu khắc phục hậu quả.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/chay-xe-may-10-km-vot-song-dien-thoai-tren-dao-cat-ba-4075.html