Mùa du lịch thu - đông đã bắt đầu với sự khởi động của những tour ngắm lá phong đỏ ở Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đại diện một số công ty lữ hành cho biết tính đến đầu tháng 10, lượng khách đăng ký tour du ngoạn nước ngoài ngắm sắc thu tăng 10-15% so với cùng kỳ, bất chấp mùa phong đỏ nở muộn hơn năm ngoái.
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), nhiệt độ tại nước này vào tháng 10 sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, mùa thu sẽ đến trễ hơn mọi năm từ vài ngày đến một tuần. Dựa vào bản đồ dự báo tán lá mùa thu do JMA công bố ngày 1/10, lá phong đỏ (momiji) sẽ chuyển màu sớm nhất tại Hokkaido, kế đến là Sapporo (7/11), Sendai (28/11) và Tokyo (31/11). Một số điểm đến khác như Nagoya, Osaka, Fukouda... chứng kiến momiji nở vào tháng 12.
Còn tại Hàn Quốc, lá phong "phủ sóng" sớm hơn Nhật Bản một tháng. Bờ biển phía đông bắc xứ sở kim chi, cụ thể là Công viên Quốc gia Seoraksan (tỉnh Gangwon-do), là một trong những nơi đầu tiên được phủ sắc đỏ vào 29/9 và đạt đỉnh vào ngày 20/10.
Lá phong tại vùng Tohoku, Nhật Bản đã đổi màu vào đầu tháng 10. Ảnh: @clotwork. |
Tuy nhiên, mặc cho cơ quan du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc công bố bản đồ cây phong lá đỏ - vàng từ sớm, khách Việt lại đang dành nhiều quan tâm hơn đến một trải nghiệm chơi thu vừa lạ, vừa quen: ngắm ngân hạnh (lá rẻ quạt) tại Trung Quốc.
Ngân hạnh Trung Quốc thắng thế
Theo số liệu từ phòng kinh doanh công ty lữ hành Vietravel, tính đến ngày 2/10, đơn vị ghi nhận hơn 221.000 lượt khách đăng ký mua tour thu - đông 2024. Trong đó, tour Bắc Kinh với điểm đến là Tử Cấm Thành chiếm ưu thế.
Tương tự, ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Du lịch Việt, nhận định cây ngân hạnh tại Tử Cấm Thành đã trở thành một điểm nhấn thu hút và cạnh tranh so với phong đỏ tại Nhật Bản hay Hàn Quốc năm nay.
Đơn vị ghi nhận lượng khách đặt tour mùa thu - đông tăng ước tính khoảng 10-15% so với cùng kỳ, đáng chú ý là tuyến Trung Quốc ngắm cây ngân hạnh, tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc ngắm lá phong đỏ. Sức mua có xu hướng ổn định và sẽ tăng thêm trong tháng 10, 11 khi mùa cao điểm du lịch ngắm lá mùa thu bắt đầu.
Trao đổi về nguyên do của sự chuyển dịch này, ông Vũ cho rằng việc Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục thị thực góp phần kéo khách đến địa danh.
Bên cạnh đó, mùa thu năm ngoái, "công xưởng thế giới" đăng cai tổ chức Á vận hội 2022 (diễn ra vào ngày 23/9-8/10/2023). Các dịch vụ du lịch quá tải, du khách ít có cơ hội tham gia tour, dẫn đến nhu cầu xê dịch bị dồn nén, cộng thêm các bài check-in ngân hạnh với sắc đỏ từ bức tường Tử Cẩm Thành trên mạng xã hội làm tăng độ phủ sóng của điểm đến.
Trong khi đó, tại Vietluxtour, khách mua tour mùa thu chủ yếu đến từ doanh nghiệp, chiếm khoảng 65%.
"Khách đoàn doanh nghiệp năm nay có xu hướng tổ chức chương trình du lịch tổng kết kinh doanh, hội nghị chăm sóc khách hàng, đại lý... sớm vào mùa thu - đông bởi thời tiết mát mẻ, dịch vụ không bị quá tải và giá tour đang tương đối ổn định", bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - truyền thông đơn vị trên, nói với Tri Thức - Znews.
Lá vàng tại Tử Cấm Thành thu hút du khách tứ phương. Ảnh: Wang Yuqiang/ CGTN. |
Không chỉ riêng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mới có sắc vàng, đỏ của mùa thu, mà một số thị trường xa hơn như châu Âu, Hà Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh Quốc, Canada... cũng mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn, lãng mạn cho du khách ở trời Tây, đặc biệt phù hợp cho các nhóm bạn bè, cặp đôi và gia đình dịp cuối năm.
Ngoài ra, trải nghiệm cảnh quan mùa đông thơ mộng và hoạt động như trượt tuyết hoặc xây người tuyết cũng được ưa chuộng.
Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Marketing và Truyền Thông Công ty CP Vietourist Holdings (đơn vị chuyên khai thác tour Âu Mỹ, Canada...), cho biết tỷ lệ khách mua tour mùa thu đã đạt 80%, trong khi đó 40 là số phần trăm du khách đăng ký tuyến mùa đông ở châu Âu.
Còn đối với ngành công nghiệp không khói trong nước, Hà Nội là điểm đến trải nghiệm không khí mùa thu được du khách chú trọng. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tại thủ đô chưa thực sự đặc sắc, rõ nét để cạnh tranh với địa danh nước ngoài.
Cốm, hoa sữa Hà Nội lép vế
Tháng 10, 11 là thời điểm vàng trong năm để du lịch Hà Nội khi địa danh khoác lên mình vẻ lãng mạn với khí hậu mát mẻ, hàng cây lá vàng và mùi hoa sữa đặc trưng.
Dựa trên những tiềm năng sẵn có của Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết đơn vị và các doanh nghiệp lữ hành đã xác định phát triển du lịch mùa thu trở thành thương hiệu của Hà Nội.
Về mặt sản phẩm, các tuyến tour mùa thu Hà Nội bao gồm tham quan các di tích lịch sử như Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các khu phố cổ, dạo hồ Gươm, ghé chợ Đồng Xuân. Bên cạnh đó, việc trải nghiệm thức ăn đặc trưng như cốm làng Vòng, chả cá Lã Vọng, cà phê trứng, uống cà phê vỉa hè cũng giúp du khách trong và ngoài nước cảm nhận rõ nét về nhịp sống Hà thành.
Hà Nội mùa thu là một trong số thời điểm đẹp nhất, thu hút du khách. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp, những cá nhân làm du lịch quảng bá riêng lẻ nét đặc sắc của thành phố là chưa đủ để thu hút lượng khách lớn đến thủ đô.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, lượng khách mua tour đi Hà Nội thời điểm cuối năm tại một số đơn vị lữ hành chỉ tăng nhẹ hoặc ổn định so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Vietluxtour, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế dự kiến đến Hà Nội theo kế hoạch trước bão Yagi tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Nhưng hiện các đoàn tham quan Hà Nội liên tuyến vịnh Hạ Long, Đông - Tây Bắc đều có sự điều hướng hoặc thay đổi lịch trình tham quan. Lượng khách đến Hà Nội 2024 thực tế tại doanh nghiệp không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ 2023.
Tuy nhiên, lượng khách quý IV đến thủ đô và các liên tuyến miền Bắc dự kiến sẽ tăng so với cùng kỳ. Một phần là do lượng khách trước đó được điều chuyển lịch tham quan trễ hơn dự kiến trong thời gian chờ các điểm đến miền Bắc phục hồi dịch vụ sau bão Yagi.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, nhận định thêm 3 yếu tố khiến du lịch thu Hà Nội chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt khi so sánh với những trải nghiệm cùng thời điểm như ngân hạnh Trung Quốc hay phong đỏ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đầu tiên là quy mô và hình ảnh thiên nhiên. Ngân hạnh và phong đỏ tạo nên cảnh sắc hoành tráng, ngoạn mục, thu hút đông đảo du khách. Trong khi đó, cốm, hoa sữa, sầu chín Hà Nội... mang giá trị văn hóa đặc sắc, đậm dấu ấn với người dân bản địa nhưng chưa có sức lan tỏa quy mô quốc tế.
Thứ hai là mức độ truyền thông và quảng bá. Hình ảnh sắc đỏ rực ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã được truyền thông các nước quảng bá mạnh mẽ, tạo dấu ấn rõ rệt trong tâm trí du khách. Cốm Hà Nội hay cảnh quan dù được coi là đặc sản độc đáo, không khí đặc trưng, nhưng lại chưa được quảng bá rộng rãi và hiệu quả đến mức có thể thu hút sự chú ý tương tự từ khách nước ngoài.
Cuối cùng là trải nghiệm du lịch. Việc ngắm lá ngân hạnh hay phong đỏ thường đi kèm với hoạt động dễ hút khách như tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và chụp ảnh, đi dạo trong không gian thiên nhiên rộng lớn. Ngược lại, trải nghiệm liên quan đến ẩm thực chưa có tính tương tác mạnh và không gắn liền với hoạt động khám phá thiên nhiên như ngân hạnh hay lá phong.
Tựu trung, để mùa thu Hà Nội trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch, địa phương cần có sự đầu tư hơn về truyền thông, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm văn hóa, sao cho du khách không chỉ thưởng thức ẩm thực mà còn được tìm hiểu, tham gia vào quy trình làm cốm... từ đó giúp sản phẩm trở nên đặc biệt và có sức hút lớn hơn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/mua-thu-trung-quoc-thanh-cong-gianh-khach-viet-4241.html