Khách du lịch tham quan Di tích Nhà thờ Thánh Paul ở Ma Cao vào ngày 2/10. Ảnh: Xinhua. |
Du khách lấp đầy các thành phố lớn tại Trung Quốc trong suốt mùa hè và lễ hội Trung thu, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
Nhưng trên thực tế, với người làm du lịch tại đất nước tỷ dân, mùa cao điểm vừa qua "tồi tệ nhất từ trước đến nay". Một số doanh nghiệp dịch vụ cho biết họ đối mặt khó khăn nhiều hơn cả giai đoạn đại dịch, theo Bangkok Post.
"Tuần lễ vàng", kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 1-7/10 năm nay tại Trung Quốc.
Nhiều năm, tuần lễ này trùng với dịp lễ Trung thu, thúc đẩy nhu cầu đoàn viên và du lịch "khổng lồ" tại thị trường tỷ dân.
"Tôi chưa bao giờ thấy 'tuần lễ vàng' ảm đạm đến vậy, tệ hơn cả thời điểm vắng vẻ nhất của mùa thấp điểm", Guan Wenlu, Giám đốc điều hành Dear Voyage, một công ty lữ hành phân khúc cao cấp tại Trung Quốc, cho biết.
Các công ty du lịch khác trên khắp Trung Quốc cùng bày tỏ sự thất vọng. "Tuần lễ vàng" tưởng chừng tạo công ăn việc làm sôi nổi cùng mức doanh thu dồi dào, song đó chỉ là kỳ vọng không thể thực hiện của các đơn vị.
Tờ nhật báo Thái Lan nhận định sự trái ngược này làm hiện rõ khủng hoảng thật sự sau bề ngoài thịnh vượng của người Trung Quốc. Họ chi tiêu "yếu ớt", chần chừ rút hầu bao giữa những lo ngại kinh tế ngày càng gia tăng.
Khách du lịch tại Khu thắng cảnh thác Hukou bên sông Hoàng Hà, tỉnh Sơn Tây. Hình ảnh ghi lại vào 1/10 - ngày đầu tiên của "tuần lễ vàng" năm nay của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Tuy nhiên, dữ liệu từ cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc lại vẽ nên bức tranh lạc quan hơn.
Theo Bộ Văn hóa và Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài 3 ngày giữa tháng 9, có 107 triệu chuyến đi nội địa được thực hiện, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch).
Tổng chi tiêu của du khách trong dịp này đạt 51 tỷ nhân dân tệ, tăng 8% so với năm 2019. Chi tiêu bình quân mỗi người khoảng 477 nhân dân tệ, tăng tương đối so với 450 nhân dân tệ vào năm 2019.
Theo Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, có 887 triệu hành khách di chuyển trên toàn quốc bằng đường sắt trong mùa du lịch hè kéo dài 62 ngày trong tháng 7-8, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hãng hàng không nội địa lớn cũng ghi nhận số lượng chuyến bay và hành khách tăng cao.
Trong suốt mùa hè, các tỉnh như Quý Châu, khu tự trị Tân Cương, cũng như Cam Túc, Thiểm Tây, Thanh Hải và khu tự trị Ninh Hạ đều ghi nhận lưu lượng khách tốt.
Du khách tham quan đoạn Bát Đạt Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành ngày 1/10. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Zhang Haoxi, người sáng lập ấn phẩm du lịch Travel Zone, mặc dù tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam vẫn thu hút nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và di sản lịch sử phong phú, chi tiêu của du khách lại giảm hẳn đi so với năm ngoái. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chung của các nhà điều hành du lịch.
Chủ khách một sạn cao cấp ở tỉnh Thanh Hải cũng chia sẻ cơ sở của mình chỉ đạt 30% công suất trong "tuần lễ vàng" so với năm trước. Điều này thể hiện xu hướng cắt giảm chi tiêu ở Trung Quốc ngày càng gia tăng, ngay cả khi có nhiều chính sách hỗ trợ. Người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn giữa bối cảnh suy thoái kinh tế và mức tăng trưởng thu nhập thấp.
Cun Xiaoqin, một đại lý du lịch tại Vân Nam, cho biết các khách sạn phân khúc trung bình đến cao cấp chỉ ghi nhận công suất phòng tối thiểu trong mùa hè, trong khi phân khúc trung bình đến thấp lại có sự gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, sau "tuần lễ vàng", công suất phòng dự kiến sẽ tăng lên. Điều này phản ánh sự thay đổi trong hành vi của khách du lịch Trung Quốc, khi họ ngày càng tránh đi du lịch trong các kỳ nghỉ đông đúc và chọn những chuyến đi trong các ngày bình thường.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/tuan-le-vang-toi-te-chua-tung-co-tai-trung-quoc-4279.html