Lâu đài nước Palais Longchamps tại thành phố Marseille (Pháp). Ảnh: MarseilleTourisme. |
Lịch sử của những thảm họa ngày càng thu hút không ít khách du lịch tới để hiểu rõ hơn những tai họa mà con người từng phải gánh chịu. Loại hình này mang lại trải nghiệm đặc biệt cho du khách, khi đến tận nơi từng xảy ra thảm họa để giúp đỡ người dân địa phương khắc phục khó khăn, hay đơn thuần là lời chia sẻ với những niềm đau, mất mát.
Du lịch tại vùng từng hứng chịu dịch bệnh
Lịch sử thường tôn vinh các chiến thắng quân sự, song những nỗ lực chống dịch bệnh - một kẻ thù chung của mọi quốc gia, bên cạnh nạn đói, thiên tai - cũng không thể bị xem nhẹ.
Plague Column (Cột Dịch hạch) ở Vienna. Ảnh: Abariltur. |
Vào đầu thế kỷ 19, dịch tả đã tàn phá thành phố Marseille (Pháp) ở Địa Trung Hải đến mức các nhà quy hoạch thành phố đã dành mười năm để xây dựng các cống và đường hầm để cung cấp nước ngọt cho cư dân, đặc biệt là cống dẫn nước Roquefavour đầy ấn tượng.
Ở trung tâm Marseille, đài tưởng niệm Palais Longchamp khánh thành năm 1869 nhằm tưởng niệm những nạn nhân của dịch tả và tôn vinh cội nguồn của mọi sự sống, đó là nước. Nơi đây có bảo tàng nghệ thuật Musée des beaux và bảo tàng Muséum d'histoire naturelle de Marseille. Palais Longchamp là một trong những điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của bất kỳ du khách nào.
Plague Column (Cột Dịch hạch) ở Vienna (Áo) được xây dựng để tưởng niệm sự bùng phát của bệnh dịch hạch vào năm 1679 đã cướp đi sinh mạng của 12.000 người. Trong đại dịch gần đây, nó một lần nữa trở thành nơi để tưởng nhớ những người thân yêu thiệt mạng bởi Covid-19.
Một trong những tòa nhà được ghé thăm nhiều nhất ở Venice (Italy) - Vương cung thánh đường Santa Maria della Salute - cũng được xây dựng để ngăn chặn bệnh dịch hạch đang tàn phá thành phố Italy vào năm 1631. Đây là những ví dụ trong số nhiều tượng đài được xây dựng trên khắp thế giới để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong các đại dịch.
Du lịch tới vùng bị tàn phá bởi thiên tai
Thành cổ Pompeii - nơi từng bị chôn vùi dưới lớp nham thạch dày sau thảm họa núi lửa - đã trở thành một địa điểm khảo cổ và du lịch đáng ghé thăm khi tới Italy, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Qua những tàn tích còn sót lại, người ta thấy được một nền văn minh hưng thịnh của Đế chế La Mã trong quá khứ.
Khu di tích Pompeii của Italy. Ảnh: Reuters. |
Năm 79 SCN, tai họa ập đến thành phố Pompeii khi núi lửa Vesuvius bất ngờ phun trào, chôn vùi toàn bộ đường sá, những công trình xa hoa và khoảng 16.000 cư dân dưới dòng nham thạch cao hơn 6 m. Sau gần 2.000 năm bị lãng quên, những tàn tích đầu tiên của Pompeii bất ngờ được tìm thấy vào năm 1738 bởi những người thợ xây khi đang đào móng công trình.
Một trong những điểm thu hút nhất khi tới đây đó là khách du lịch sẽ được tận mắt xem những di thể đã được phục dựng lại của người dân Pompeii trong thời khắc định mệnh khi thảm họa xảy ra.
Ngoài ra, các địa điểm từng xảy ra thảm họa sóng thần Nhật Bản cũng đang là điểm đến được nhiều người quan tâm. Theo các hướng dẫn viên địa phương, sau khi tham gia hành trình, du khách dễ bày tỏ sự chia sẻ lẫn nhau hơn và cảm thương cho số phận của những nạn nhân của thiên tai.
Du lịch ma quái
Những nơi có phong tục hoang dã theo phong ma quái hoặc rùng rợn đang thu hút rất nhiều du khách nước ngoài.
Nagoro là một ngôi làng nhỏ ở thành phố Miyoshi (Nhật Bản) với dân số giảm dần chỉ còn 27 người (tất cả đều trên 50 tuổi). Một người dân địa phương đã tái tạo những dân làng đã mất dưới dạng búp bê với kích thước thật. Hiện ngôi làng có tới 350 con búp bê, thường được tìm thấy trên băng ghế, sau bàn làm việc và trong các cửa hàng quanh làng.
Những con búp bê ngồi bên ngoài một ngôi nhà bỏ hoang ở làng Nagoro. Ảnh: Carl Court. |
Tương tự, nhiều khách du lịch muốn thử thuê thuyền ở Xochimilco (Mexico) để chiêm ngưỡng “Đảo búp bê”. Đây là hòn đảo nhỏ được trang trí bằng búp bê và các bộ phận của búp bê, treo trên mỗi cây. Nó từng là nhà của một người đàn ông (hiện đã qua đời). Người này đã treo những con búp bê lên để xua đuổi tà ma sau khi phát hiện thi thể của một bé gái gần đó.
Vùng núi Sagada ở Philippines đã thu hút khách du lịch bởi những chiếc quan tài treo trên những vách đá. Cách đây hơn 2.000 năm, tộc người Igorot tại vùng núi Sagada ở phía bắc của Philippines đã có tập tục an táng những người quá cố trong các cỗ quan tài gỗ và đóng đinh hoặc treo lên vách núi cao.
Theo quan niệm của họ, việc chôn cất ở nơi cheo leo sẽ giúp linh hồn người chết về gần với tổ tiên hơn. Sagada là ngôi làng hẻo lánh nằm cách thủ đô Manila khoảng 8,5 giờ di chuyển. Đây cũng là nơi duy nhất ở Philippines vẫn còn giữ phong tục mai táng cổ xưa trên.
Link nội dung: https://travelteam.vn/du-lich-tham-hoa-dang-ngay-cang-pho-bien-430.html