Giới trẻ và tầng lớp thượng lưu ở Gangnam rất thích xem bói toán, số lượng cửa hàng không ngừng tăng lên. Ảnh: Jun Michael Park. |
Bói toán vốn đã ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc và vẫn tiếp tục phát triển mạnh ở thủ đô Seoul hiện đại. Các khu phố giàu có như Nonhyeon-dong thuộc quận Gangnam nổi lên như những trung tâm bói toán lớn, nơi các dịch vụ tư vấn tâm linh nở rộ, thu hút đông đảo người dân và giới thượng lưu lui tới.
Theo dữ liệu của Naver, tính đến ngày 1/8, có 15.853 cơ sở kinh doanh bói toán đã đăng ký cung cấp các dịch vụ như bói bài, xem tử vi và tarot trên khắp Hàn Quốc.
Khu vực Nonhyeon là khu vực tập trung đông nhất ở Seoul với 285 điểm xem bói nằm trong bán kính 2,45 km. Khu vực này vượt qua các điểm "nóng" đáng chú ý khác như Yeokchon thuộc quận Eunpyeong với 214 điểm, khu vực Sindang và Dongmyo cùng có 193 điểm. Khu vực Mia với truyền thống bói toán lâu đời, xếp thứ tư với 183 cửa hàng, khu vực Hongdae dành cho giới trẻ với 148 cửa hàng.
Theo The Korea Times, mặc dù dịch vụ xem bói trực tuyến ngày càng phổ biến đối với giới trẻ, đặc biệt là thông qua các nền tảng như YouTube, các điểm bói toán truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng ở một số khu vực do sự kết hợp của các yếu tố lịch sử, văn hóa và kinh tế.
Sự thịnh vượng của ngành bói toán
Các điểm bói toán ở khu vực Nonhyeon không chỉ nổi bật về số lượng mà còn bởi sự giàu có của khách hàng.
Nơi đây trở thành điểm đến hàng đầu cho những khách hàng nổi tiếng như các chính trị gia, nghệ sĩ giải trí và các doanh nhân. Họ thường tìm kiếm lời khuyên để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự nghiệp và các mối quan hệ.
Những lá cờ trắng và đỏ truyền thống tượng trưng cho các ngôi nhà của pháp sư đã không còn nữa, một số điểm xem bói nằm trong cùng một tòa nhà. Ảnh: Han Chae-yeon. |
Nhóm khách này có xu hướng thích các dịch vụ cao cấp, kín đáo, vì vậy nhiều cửa hàng không treo cờ đỏ hoặc trắng như truyền thống - biểu tượng cho việc thầy mo cung cấp dịch vụ bói toán hay nghi lễ. Thay vào đó, các cửa hàng hoạt động kín đáo, nhiều nơi chỉ chấp nhận khách hàng đặt lịch hẹn.
Một thầy cúng 60 tuổi ở Nonhyeon cho biết: "Ở phía bắc sông Hàn, các chợ xướng thần nằm rải rác ở nhiều khu vực, nhưng ở phía nam, Nonhyeon là nơi duy nhất tập trung các cửa hàng bói toán. Tôi chỉ tiếp khách theo lịch hẹn, nếu ai đó đến mà không có lịch hẹn, tôi sẽ đuổi họ đi".
Khi được hỏi về thu nhập, bà nói: "Tôi kiếm được khoảng 150 triệu won (113.000 USD) mỗi năm. Khi không tư vấn cho khách hàng, tôi dành thời gian cầu nguyện".
Không chỉ người Hàn Quốc, một số du khách nước ngoài cũng tìm đến đây xem bói. Ảnh: One more trip. |
Một pháp sư khác trong khu vực cho biết bà gặp khoảng 100 khách trong 10 ngày. Giai đoạn bùng bổ, khách hàng phải đặt trước từ 2 tháng, hiện khách phải đặt trước khoảng 10 ngày, họ biết đến bà thông qua truyền miệng.
Khi được hỏi bà tính phí bao nhiêu cho một lần gặp, người phụ nữ tự tin báo giá 100.000 won (75 USD) cho một buổi. Với mức giá như vậy, thu nhập hàng năm của bà lên tới hàng trăm triệu won.
Khách thượng lưu tìm kiếm sự tư vấn kín đáo
Khách hàng của những thầy bói ở Nonhyeon gồm nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Hàn Quốc, một số người đến để xin lời khuyên về sự nghiệp, nhưng một số người chỉ muốn có người trò chuyện.
"Cuộc sống ở Gangnam có thể rất căng thẳng, vì vậy mọi người đến đây tìm kiếm sự thoải mái và chỉ dẫn", một thầy bói chia sẻ.
Một pháp sư khác trong khu vực cho biết: "Các khách hàng tôi gặp ở Gangnam không gặp vấn đề gì về tiền bạc. Họ cũng có xu hướng khá thuận lợi, không giống như khách hàng ở các quận khác, họ không mặc cả về giá cả. Tôi tính 200.000 won cho một buổi xem bài cho cặp đôi, họ sẵn lòng trả tiền mà không đặt câu hỏi".
Những ngôi nhà của các pháp sư ở gần Eungam-dong, quận Eunpyeong, Seoul. Ảnh: Han Chae-yeon. |
Tuy nhiên, ngành bói toán ở Nonhyeon đang đối mặt với những thách thức trong bối cảnh giá bất động sản (BĐS) tăng cao, nhiều pháp sư không thể duy trì hoạt động kinh doanh của họ.
Một đại lý BĐS địa phương cho biết: "Có 2 thầy cúng đang tìm thuê mặt bằng ở đây nhưng họ không tìm được gì. Chủ nhà không muốn các doanh nghiệp bói toán vì họ nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng đến diện mạo của tòa nhà".
Một đại lý khác cũng đồng quan điểm và cho biết thêm một số pháp sư đang bị buộc phải rời khỏi các tòa nhà đang thuê, chúng sẽ bị phá bỏ và thay thế bằng công trình mới hơn. Một số thầy bói sẵn sàng chi thêm 20% giá thuê chỉ để có thể ở lại khu vực Gangnam giàu có này.
Ngôi làng bói toán Mia ở Seoul vào thời kỳ đỉnh cao ở những năm 2000, những chiếc xe đỗ trước các cửa hàng bói toán trong khi khách hàng chờ xem. Ảnh: Korea Times. |
Trong khi Nonhyeon phát triển mạnh, các trung tâm shaman truyền thống khác như Mia-dong đang trải qua sự suy thoái, lượng pháp sư ở đây chỉ còn 1/10 so với trước đây. Ngược lại, khu vực Eunpyeong vẫn là thành trì vững chắc của các thầy bói nhờ vị trí gần những ngọn núi "linh thiêng" như Bukhan, Bugak và Baekryeon.
Khi ngành bói toán phát triển, các pháp sư trẻ tuổi đã tìm ra cách mới để thích nghi với thế giới hiện đại. Ở các khu vực như Hongdae, nơi thế hệ Millennials và Gen Z thường lui tới, các quán cà phê bói toán đã mọc lên, thường cung cấp dịch vụ xem bài tarot và tử vi. Một số trong số này thậm chí còn được điều hành bởi các pháp sư đã nhận được tiếng gọi tâm linh.
Các quán cà phê này khá dễ gia nhập, một số cửa hàng cho phép khách hàng chọn bộ bài yêu thích của họ thông qua các ki-ốt.
Một pháp sư 30 tuổi cho biết: "Rất nhiều sinh viên đến đây để kiểm tra sự tương thích của họ với đối tác thông qua xem bài tarot hoặc tử vi. Tôi cung cấp dịch vụ kết hợp giữa đọc bài và xem tarot. Ngay cả các pháp sư cũng phải thích nghi với thời cuộc thay đổi".
Các cửa hàng xem bói được giới trẻ thường xuyên lui tới ở Seogyo-dong, gần Đại học Hongik, quận Mapo, Seoul. Ảnh: Han Chae-yeon. |
Giá cả của cô cũng phản ánh cách tiếp cận hiện đại này, một lượt xe đơn giản có giá 20.000 won, cuộc tư vấn chuyên sâu hơn có giá khoảng 50.000 won. Mức giá khiến dịch vụ của cô trở nên phù hợp hơn với túi tiền của những khách hàng trẻ tuổi.
Bất chấp xu hướng hiện đại hóa của một số tập tục, việc xem bói ở Hàn Quốc vẫn còn mạnh mẽ như ngày nào.
Yeom Eun-young, một nhà nghiên cứu văn hóa, cho biết: "Trong xã hội bất ổn ngày nay, bói toán mang lại sự thoải mái về tâm lý và là cách để giải quyết những mối quan tâm cá nhân. Chúng ta cần xem bói toán không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là hiện tượng xã hội rộng lớn hơn".
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://travelteam.vn/285-diem-xem-boi-trong-ban-kinh-245-km-tai-khu-sieu-giau-seoul-4410.html