Trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm du lịch Việt Nam hơn 100.000 thành viên trên Facebook, nhiều du khách quốc tế tranh luận về hai món ăn nổi tiếng là phở và bún bò Huế. Một thành viên từng đến Việt Nam nhiều lần đưa ra quan điểm phở đang được "tâng bốc" quá đà và khuyên mọi người nên thử bún bò Huế - một món ăn xứng đáng đại diện cho ẩm thực Việt. Người này nhận xét hương vị bún bò cá tính hơn phở, đậm đà, vị cay nổi bật, sử dụng nhiều gia vị dậy mùi.
Các thực khách quốc tế đưa ra quan điểm khác nhau. Kelly Maher, đến từ New South Wales, Australia dành nhiều lời khen cho hương vị bún bò - món ăn yêu thích nhất của cô khi đến Việt Nam. "Vị phở nhạt nhẽo", Kelly nói. Lani, đến từ Dallas, Mỹ cho rằng bún bò là "họ hàng với phở nhưng quyến rũ hơn".
Một số thực khách cho rằng việc so sánh món ăn ngon hay dở mang tính cá nhân và phụ thuộc khẩu vị mỗi người. Jéli Lopes, du khách Brazil, cho rằng thực khách đến từ các quốc gia quen sử dụng nhiều gia vị như ở Nam Mỹ, sẽ thích bún bò Huế vì món ăn tổng hòa nhiều gia vị mạnh như sả, mắm ruốc, ớt, sa tế.
Các chuyên gia ẩm thực đánh giá phở và bún bò đều xứng đáng là đại diện ẩm thực Việt, được truyền thông quốc tế ca ngợi và có mặt trong các bảng xếp hạng ẩm thực uy tín. Tuy nhiên, độ phủ sóng và sức ảnh hưởng của phở hiện "nhỉnh" hơn bún bò Huế.
Tháng 10, Taste Atlas công bố bảng xếp hạng 100 món canh súp ngon nhất Đông Nam Á, phở xếp vị trí thứ 6 và bún bò Huế đứng thứ 18. Tháng 1, phở bò được CNN vinh danh là một trong 20 món ăn có nước ngon nhất thế giới năm 2024. Ngày 9/8, Bộ VHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phở Hà Nội và phở Nam Định cùng được công nhận. Phở còn có tên gọi chính thức trong từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary) từ tháng 9/2007.
Bún bò Huế cũng thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế nhờ hương vị vùng miền đặc trưng. Anthony Bourdain, cố đầu bếp và nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng người Mỹ, đã dành nhiều lời khen cho món ăn miền Trung. Trong chương trình truyền hình "Parts Unknown" của CNN, ông gọi bún bò Huế là "một trong những món súp ngon nhất thế giới". Taste Atlas giới thiệu bún bò Huế là món ăn sáng phổ biến của người Việt, ngon và rẻ. Món ăn có hương vị đậm đà và phức tạp, với vị cay chủ đạo cùng hương thơm đặc trưng từ mắm ruốc.
Khảo sát trên Google Trends phạm vi toàn thế giới trong 12 tháng qua cho thấy sự chênh lệch đáng kể về mức độ quan tâm, tìm kiếm từ khóa phở và bún bò Huế. Mức độ quan tâm của phở đạt điểm trung bình 77/100, bún bò Huế là 4/100. Độ phủ sóng của từ khóa phở tại các quốc gia cũng áp đảo bún bò Huế. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ tìm kiếm từ phở chiếm 90%, bún bò Huế là 10%.
Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng các thực khách quốc tế đặt bún bò và phở lên bàn cân so sánh là "hợp lý". Cả hai đều là món nước biểu tượng của Việt Nam, hài hòa khẩu vị, hàm chứa ý nghĩa về văn hóa và tính vùng miền đặc trưng. Phở có nguồn gốc từ miền Bắc, được biết đến rộng rãi trên thế giới; bún bò Huế, đến từ miền Trung và đậm hương vị vùng miền. Phở có nước dùng vị thanh nhẹ, thường có hương hồi và quế. Bún bò đậm đà hơn, với nước dùng cay nồng. Về giá trị văn hóa, cả hai đều đại diện cho sự đa dạng ẩm thực của Việt, phản ánh lịch sử và bản sắc vùng miền khác nhau, khiến những món ăn này trở nên độc đáo theo cách riêng.
Theo bà Daisy Kanagasapapathy, hương vị tương đối nhẹ nhàng và tính linh hoạt khiến phở dễ tiếp cận với nhiều khẩu vị khác nhau, giúp món ăn có được chỗ đứng trên trường quốc tế. Bún bò Huế có tiềm năng đạt được mức độ ảnh hưởng tương tự, khi thực khách ngày càng cởi mở hơn với việc khám phá các đặc sản vùng miền.
"Hương vị phức tạp, cay nồng khiến bún bò dần thu hút những tín đồ ẩm thực đang tìm kiếm sự đang dạng của các món ăn thuần Việt", bà Daisy nói và cho rằng vị đậm đà cũng là thách thức của bún bò, không dễ tiếp cận trên toàn thế giới như phở.
Dù vậy, với nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các trải nghiệm ẩm thực, bún bò Huế có thể tiếp bước phở nếu được giới thiệu một cách chiến lược trên thị trường quốc tế.
Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn thuộc Đại học RMIT, nhận định bún bò nổi tiếng trong nước, nhưng trên bản đồ ẩm thực quốc tế vẫn thiếu sự đặc trưng so với "người họ hàng" phở. Để tăng sức hấp dẫn toàn cầu, ông cho rằng cần có chiến lược hai nhánh: phát triển tự nhiên và có kế hoạch cụ thể.
Phát triển tự nhiên có nghĩa là nhu cầu của du khách đối với món ăn này ở nước ngoài tăng lên, tức ngày càng nhiều khách du lịch (cả người nước ngoài và người Việt Nam) muốn ăn bún bò khi ra nước ngoài. Kế hoạch cụ thể là việc Cục Du lịch Việt Nam quảng bá bún bò như một hình thức du lịch ẩm thực tại các hội chợ ẩm thực quốc tế nhằm nâng cao khả năng tiếp cận.
"Chiến lược này đang được các nước hàng xóm như Singapore và Malaysia sử dụng nhất quán tại các sự kiện quốc tế", ông Justin Matthew Pang nói.
Bích Phương
Link nội dung: https://travelteam.vn/khach-nuoc-ngoai-khau-chien-pho-hay-bun-bo-hue-ngon-nhat-viet-nam-4440.html