Goh và Ong đã có chuyến đi 4 ngày trong tháng 10 tới TP HCM chỉ để mua sắm quần áo theo lời giới thiệu từ bạn bè. Hai nữ du khách không chọn ghé các điểm mua sắm truyền thống như chợ Bến Thành hay Times Square mà "săn lùng" trong các chung cư cũ, khu dân cư để tìm cửa hàng đồ cũ hoặc tiệm bán đồ local brand (thương hiệu địa phương).
"Ngày đầu tiên của chuyến đi tôi ghé 3-4 tiệm ở chung cư 26 Lý Tự Trọng, quận 1, tiêu hết hơn 2 triệu đồng, đều là đồ local brand và đồ si", Goh nói và cho biết cô nhờ bạn bè cũng như tìm trên Instagram, TikTok các điểm mua sắm "chỉ dân địa phương mới biết".
Nữ du khách Singapore nhận xét TP HCM ngày càng nhiều cửa hàng thời trang, không gian đẹp, mẫu mã thiết kế đa dạng, chất lượng vải tốt so với giá tiền. Goh so sánh TP HCM không hề kém cạnh thiên đường mua sắm Bangkok. Một số tổ hợp mua sắm ở TP HCM như 26 Lý Tự Trọng gọn gàng, trật tự và không quá tải du khách như ở Bangkok.
Khi so sánh với Singapore, cô cho rằng các điểm mua sắm ở đảo quốc sư tử tập trung chủ yếu trong trung tâm thương mại, khó tìm được những tiệm quần áo ẩn mình trong khu dân cư như ở TP HCM.
Về giá cả, nữ du khách Singapore cho rằng chi phí mua quần áo ở TP HCM "mê hoặc" các tín đồ shopping.
"Một chiếc áo thun local brand ở Thái khoảng 800 baht đến hơn 1.000 baht (600.000-800.000 đồng), ở TP HCM rẻ hơn gần một nửa, khoảng 350.000-500.000 đồng với nhiều lựa chọn", Goh nhận xét.
Amanda Chai, cây viết tờ Straitimes, ghé TP HCM trong tháng 10 và bất ngờ trước thiên đường mua sắm ở đây vì chất lượng đồ tốt, giá chỉ bằng một nửa Singapore. Trong bốn ngày, cô đã tiêu gấp đôi số tiền 300 SGD theo dự tính ban đầu để mua sắm quần áo. Cô cho rằng TP HCM có thể thành "Bangkok mới".
Trên một số nền tảng mạng xã hội, du khách nước ngoài cũng chia sẻ các video review điểm mua sắm địa phương ở TP HCM.
"Ước gì tôi biết sớm TP HCM có nhiều tiệm đồ cũ chất lượng tốt, giá hời", Cabi, người sáng tạo nội dung đến từ Malaysia, chia sẻ trong một video đánh giá các tiệm quần áo cũ cô từng ghé khi du lịch TP HCM vào tháng 7. Cabi sở hữu kênh TikTok gần 250.000 người theo dõi và đoạn video giới thiệu trải nghiệm mua sắm ở TP HCM của cô thu hút 24.000 lượt thích. Nhiều tài khoản nước ngoài để lại bình luận sẽ đến TP HCM du lịch và mua sắm tại những địa điểm Cabi đã nhắc đến.
Nữ du khách Malaysia nhận xét các cửa hàng đồ cũ ở TP HCM đa dạng phong cách, chất lượng tốt, dễ tìm thấy những bộ đồ cũ hàng hiệu. Hầu hết các món có giá "mềm" dưới 300.000 đồng.
Tài khoản Hodawoon bình luận: "Tôi đang tìm kiếm những nơi bán đồ cũ thế này ở Malaysia nhưng không có, tôi phải đến TP HCM một chuyến".
Thảo khảo sát của VnExpress, chung cư Lý Tự Trọng có 5 tầng, được chia thành nhiều căn hộ nhỏ, tập trung chủ yếu các tiệm bán đồ si, local brand và thu hút nhiều khách nước ngoài tìm đến.
Chủ một tiệm đồ si ở đây cho hay khách hàng chính là du khách nước ngoài, đến từ các quốc gia như Singapore, Malaysia, khách Thái Lan, Hàn Quốc và nhóm khách Âu. Khách biết đến tiệm thông qua mạng xã hội hoặc tình cờ tìm thấy khi đi dạo trong chung cư.
Đại diện chia sẻ từ năm ngoái đến nay, các mặt bằng trống trong chung cư dần được lấp đầy và nhộn nhịp trở lại sau Covid-19.
"Đầu năm ngoái, mỗi tầng có 3-4 căn hộ trống, hiện tầng nào cũng kín chỗ, đa phần là kinh doanh quần áo, số còn lại mở quán cà phê, lượng khách cũng tăng lên", chủ tiệm quần áo nói.
Các địa chỉ mua sắm nhỏ trong chung cư cũ hoặc trong khu dân cư có sức hút với khách quốc tế vì yếu tố văn hóa địa phương, chi phí phải chăng, nhưng lại chưa được quảng bá rộng rãi. Goh và Ong cho biết thông tin về các điểm mua sắm địa phương ở TP HCM khó tìm hơn so với Bangkok. Hai du khách phải nhờ bạn bè người Việt chỉ mới biết TP HCM còn nhiều tuyến đường mua sắm khác như Trần Quang Diệu, quận 3; Nguyễn Văn Tráng, quận 1 hay khu Thảo Điền.
"Thái Lan có trang web của cơ quan du lịch thường xuyên cập nhật các điểm mua sắm ẩn mình trong khu dân cư như Ekkamai, Song Wat, độ phủ sóng thông tin rộng khắp các nền tảng mạng xã hội", Goh nói và cho hay các điểm mua sắm ở TP HCM xứng đáng được địa phương quảng bá nhiều hơn.
Theo Sở Du lịch TP HCM, khách quốc tế đến thành phố thường mua sắm tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, nhưng sức mua còn thấp. Các tổ hợp mua sắm nhỏ lẻ ở trung tâm thành phố vẫn còn là thị trường ngách, thu hút một bộ phận khách du lịch, đa phần là Gen Z, Millennials, Gen Y tìm đến.
Từ nay đến năm 2030, du lịch mua sắm được xác định là một trong những sản phẩm chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho du lịch TP HCM. Định hướng tăng chi tiêu mua sắm của khách ngoại đến thành phố trong ngắn hạn là phát triển các hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại, khu phức hợp.
Bích Phương
Link nội dung: https://travelteam.vn/khach-nuoc-ngoai-khen-shopping-o-tp-hcm-re-hon-bangkok-4442.html