Ca khúc "Thị Mầu" do ca sĩ Hòa Minzy thể hiện mang âm hưởng chèo với giai điệu và ca từ dí dỏm. Chỉ trong ít ngày ra mắt, MV (video ca nhạc) "Thị Mầu" đã đạt vị trí dẫn đầu top thịnh hành YouTube Việt Nam.
Nguồn chất liệu vô tận
Trên nền tảng mạng xã hội TikTok, nhiều nghệ sĩ, khán giả đã thực hiện các clip cover ca khúc "Thị Mầu". Nhiều người còn diện áo tứ thân, hóa thân thành nhân vật Thị Mầu. Câu hát "Tự xưng em là Thị Mầu" cũng trở nên phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội.
Dù nội dung nói về Thị Mầu - một nhân vật trong tác phẩm văn học "Quan Âm Thị Kính" - song cách kể chuyện của Hòa Minzy lại khá đặc biệt. Hòa Minzy cho biết: "Kiểu lẳng lơ của Thị Mầu ở tuổi 15, 16 sẽ có nét tinh nghịch chứ không từng trải, khôn ngoan. Tôi nghiên cứu kỹ nhân vật để diễn ra nét hồn nhiên, tinh nghịch nhất của Thị Mầu. Để khán giả xem MV thoải mái, tôi đưa âm nhạc hiện đại, vũ đạo, trang phục đẹp, hiệu ứng bắt mắt vào sản phẩm, bên cạnh yếu tố chèo của miền Bắc".
Đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm âm nhạc mang hình tượng văn học được khán giả đón nhận nhiệt tình. Hoàng Thùy Linh cũng từng gây sốt với "Để Mị nói cho mà nghe", "Bánh trôi nước", "Kẻ cắp gặp bà già"; ca sĩ Đức Phúc cũng mang hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở vào MV "Hết thương cạn nhớ"; ca sĩ Bùi Công Nam cũng đã "làm mưa làm gió" với ca khúc mang tên "Chí Phèo".
Những năm gần đây, việc đưa cảm hứng văn học vào MV đang dần trở thành xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Chất liệu văn học, dân gian trong các sản phẩm âm nhạc được xem như yếu tố tạo sức hấp dẫn, dễ khắc sâu vào tiềm thức của khán giả. Qua các MV được đầu tư kỹ lưỡng, những nhân vật quen thuộc trong sách vở như được sống lại bởi những ca từ, giai điệu mới mẻ.
Việc sử dụng hình tượng văn học dân gian, truyền thống trong ca khúc Việt Nam không phải là cách thức mới. Nhiều ca khúc nổi tiếng do các nhạc sĩ tên tuổi đã sáng tác theo cách thức này như "Chuồn chuồn ớt", "Người ở đừng về" (Lê Minh Sơn); "Ngẫu hứng lý ngựa ô", "Tùy hứng lý qua cầu" (Trần Tiến); "Thành phố miền quan họ" (Nguyễn Cường); "Con cò" (Lưu Hà An); "Lời ru Âu Lạc" (Nguyễn Minh Sơn); "Bống bống bang bang" (Only C); "Người đàn bà hóa đá" (Trần Lập)…
Một số tác giả đi theo xu hướng mượn hình tượng nhân vật trong chuyện cổ tích hay truyền thuyết để làm chất liệu cho đề tài của tác phẩm. Điển hình là các ca khúc "Cô Tấm ngày nay" (Ngọc Châu) với hình ảnh cô Tấm trong truyện cổ tích "Tấm Cám"; "Nổi trống lên các bạn ơi" (Phạm Tuyên) với hình tượng mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết "Một bọc trăm trứng"; "Huyền thoại hồ Núi Cốc" (Phó Đức Phương), tác giả lấy cảm hứng sáng tác từ câu chuyện dân gian về mối tình chung thủy của Nàng Công và chàng Cốc để ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của hồ Núi Cốc.
Ca sĩ Hòa Minzy với MV “Thị Mầu” hiện đang dẫn đầu top YouTube Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cách sáng tạo riêng
Phương thức biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong âm nhạc đã được khai thác trước đó, song hiện nay các ca sĩ trẻ đã làm mới cách thực hiện. Để thu hút khán giả, nhiều giọng ca trẻ đã đầu tư chi phí rất lớn cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Ca sĩ Hòa Minzy tiết lộ cô phải dốc tiền tỉ để thực hiện MV "Thị Mầu". Những MV của Đức Phúc, Hoàng Thùy Linh... cũng được đầu tư với kinh phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng cho việc dựng bối cảnh, phục trang, sản xuất nhạc...
Hầu hết các giọng ca trẻ đều có cách biến tấu thú vị các nhân vật văn học khi đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình nhằm tăng thêm tính giải trí cho người xem, lan tỏa thông điệp tươi vui, tích cực. Như nhân vật Mị trong MV "Để Mị nói cho mà nghe" của Hoàng Thùy Linh rộn rã nhiều niềm vui hơn hẳn cô Mị trong bản gốc của nhà văn Tô Hoài. Hay trong MV "Hết thương cạn nhớ" của Đức Phúc cũng đã xây dựng chuyện tình tay 3 nghiệt ngã giữa Chí Phèo, Thị Nở và con trai Bá Kiến. Những MV được thực hiện như một kiểu "ngoại truyện" của các tác phẩm văn học đã chinh phục được khán giả.
Giới chuyên môn nhận định để thực hiện những sản phẩm âm nhạc có yếu tố văn học, hoài cổ, dân gian không phải là điều đơn giản. Các sản phẩm này cần mức đầu tư lớn hơn rất nhiều lần so với các sản phẩm khác, vì thế đòi hỏi các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ phải có tâm huyết, có tố chất và cũng phải cống hiến về công sức, tiền bạc.
Nhóm DTAP khẳng định: "Chúng tôi vô cùng tự hào về văn hóa của Việt Nam, về 54 dân tộc anh em mà mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng. Chính vì thế, chúng tôi muốn tìm hiểu, khai thác và truyền tải những nét đẹp đó đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ gen Z để mọi người có cái nhìn gần gũi và thêm yêu văn hóa đất nước mình".
Link nội dung: https://travelteam.vn/dua-hinh-tuong-van-hoc-vao-am-nhac-457.html