Sáng 24/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi bổ sung, trưng bày nhiều hiện vật quý của cư dân Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước giới thiệu rộng rãi đến với người dân và du khách. Trong ảnh, bảo tàng Sa Huỳnh gần sát với khu vực đầm An Khê, nơi được ví là "trái tim" của nền Văn hóa Sa Huỳnh. |
Du khách chiêm ngưỡng quần thể mộ chum của cư dân Sa Huỳnh xưa đang được trưng bày ở Bảo tàng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Theo các nhà khảo cổ, Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí Việt Nam. Quảng Ngãi là nơi đầu tiên phát hiện, lưu giữ nhiều di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh, với 26 di tích được khai quật, trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu; chủ yếu phân bố ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (Thị xã Đức Phổ). |
Mộ chum hình cầu, có nắp đậy dạng chậu có niên đại khoảng 3.000 năm của cư dân Sa Huỳnh. Mộ chum này được các nhà khảo cổ phát hiện, khai quật vào năm 2011 ở thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi). |
Mộ chum hình trứng có niên đại khoảng 2.000 năm được phát hiện, khai quật ở Gò Quê, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). |
Mộ đất chôn song táng, di tích khảo cổ ở xóm Ốc, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. PGS TS Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học Việt Nam, nhận định những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh, không phải nơi nào cũng có. |
Chuỗi hạt trang sức được làm bằng đá quý của cư dân Sa Huỳnh cách nay khoảng 2.000 năm. Hiện vật này được phát hiện, khai quật ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. "Quảng Ngãi cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản Văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên việc triển nghiên cứu, khai khảo cổ các điểm mới nhằm tiếp tục phát hiện những dấu tích của Văn hóa Sa Huỳnh đang còn chìm dưới lòng đất", ông Liêm đề xuất. |
Cuốc làm bằng đá có niên đại khoảng 3.000 năm của cư dân Sa Huỳnh được phát hiện, khai quật ở thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh (nay là phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ). Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay cư dân Sa Huỳnh xưa chế tác những đồ trang sức bằng thủy tinh, mã não, những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm; những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò... đều được trang trí hoa văn tinh xảo, độc đáo. |
Chuỗi trang sức được làm bằng vỏ ốc có niên đại khoảng 2.500 năm được phát hiện, khai quật ở Xóm Ốc, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Theo ông Tuấn, di tích Văn hóa Sa Huỳnh đã được Thủ tướng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của chính quyền, người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích. |
Hạt cườm, khuyên tai 3 mấu được làm bằng đá ngọc, thủy tinh có niên đại khoảng 2.000 năm. Thời gian tới, Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch, tiếp tục xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Văn hóa Sa Huỳnh là Di sản Văn hóa thế giới. |
Quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 điểm, trải rộng trên diện tích 480 ha với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đầm An Khê, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, làng cổ Gò Cỏ, quần thể di tích Chăm pa gồm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chăm Pa, bia ký Vũng Bàng, 12 giếng Chăm Pa... phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh.
Đầm nước ngọt An Khê được ví là trái tim của di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum.
Từ khu mộ chum ở Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Ngãi được xem là "cái nôi" của Văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.
Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là Văn hóa Sa Huỳnh.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.
> Xem thêm: Tủ sách du lịch Việt Nam
Link nội dung: https://travelteam.vn/vong-trang-suc-bang-vo-oc-hon-2500-nam-tuoi-cua-cu-dan-sa-huynh-506.html