Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nâng thời hạn thị thực lên 90 ngày
Theo kết luận này, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ liên quan đến vấn đề này. Trên cơ sở ý kiến cuộc họp, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục. Các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) đối với 3 nội dung: nâng thời hạn thị thực không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày.
Bộ Công an cũng vừa hoàn thành Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài. Bộ Công an cũng đề xuất kéo dài thời gian tạm trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Thời hạn visa du lịch vẫn giữ nguyên 3 tháng. Mục tiêu là nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Cùng với đó, thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Cạnh tranh với các nước trong khu vực
Thông tin Chính phủ thống nhất nâng thời hạn thị thực điện tử thu hút sự quan tâm của DN du lịch và có tác động tích cực đến thị trường. Bởi visa từ lâu được xem là rào cản, điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ trong câu chuyện cạnh tranh điểm đến để thu hút khách quốc tế.
Đến thời điểm này, hơn một năm sau mốc mở cửa hoàn toàn thị trường khách du lịch, Việt Nam vẫn chỉ miễn thị thực trong 15 ngày cho khách quốc tế. Theo đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines, điều này không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách, mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế tour, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đều cho thời gian miễn thị thực lên tới 30-45 ngày, thậm chí 60-90 ngày đối với công dân một số nước.
Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương thì Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 64 nước... Thêm vào đó, các quốc gia trên hầu hết cho phép nhiều lần nhập cảnh ra vào, trong khi Việt Nam chỉ cho khách nhập cảnh 1 lần. Ngay chính sách e-visa, visa on arrival (visa tại sân bay) cũng chưa thuận tiện như khách đến vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin cấp visa trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khác.
Đại diện Vietnam Airlines cho rằng trước mắt cần sớm quay về các chính sách visa như trước COVID-19; nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore. "Việt Nam nên xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và toàn bộ các quốc gia EU; áp dụng các chính sách E-visa, visa on arrival thông thoáng hơn cho các nước chưa được miễn visa. Khu vực Mỹ, châu Âu và Úc là những thị trường nhu cầu của khách có tập tính đi du lịch dài ngày nên cần sớm được gia hạn thời gian miễn visa lên tối thiểu 30 ngày hoặc 45 ngày như Thái Lan, cho phép du khách được sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam thay vì 1 lần như hiện tại" - đại diện Vietnam Airlines phân tích.
Cần chính sách thị thực cởi mở để thu hút du khách quốc tế đến Việt NamẢnh: HOÀNG TRIỀU
Doanh nghiệp chủ động kế hoạch đón khách
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, cho rằng thời gian qua, visa là rào cản lớn nhất của ngành du lịch, dù mở cửa từ rất sớm. Không chỉ thời hạn lưu trú chỉ 15 ngày mà còn khó xin visa. Trong lúc chờ sửa Luật Xuất nhập cảnh, kiến nghị Chính phủ có thể trình riêng cho sửa 1 nội dung để thu hút khách hoặc Chính phủ có thể cho miễn visa từ 60 đến 90 ngày tùy theo từng thị trường khách trọng điểm với khoảng thời gian cần thu hút khách cao điểm trong năm. Đây là cách làm nhanh và hiệu quả nhất.
"Cho áp dụng visa tại sân bay, cửa khẩu (hiện nay chưa có) và nâng cấp công nghệ của hệ thống cấp visa điện tử qua mạng hiện tại. Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ mở rộng số nước được miễn visa hoặc Quốc hội giao cho Chính phủ được quyền đơn phương miễn thị thực trong phạm vi 90 - 180 ngày đối với các thị trường du lịch trọng điểm để tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách so với các nước cạnh tranh điểm đến khác trong khu vực" - ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG, cũng đánh giá việc tăng thời gian miễn thị thực cho du khách, điển hình như các nước châu Âu có thời gian di chuyển dài sẽ giúp các công ty lữ hành có thể xây dựng chương trình du lịch dài ngày và thoải mái hơn. Bởi nhu cầu du lịch của lớp người lớn tuổi tại châu Âu tới Việt Nam là cao.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, kiến nghị nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Chẳng hạn, thị trường Úc chi tiêu 4 tỉ USD/năm để du lịch. Hay như Canada trên 33 tỉ USD hoặc các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỉ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch - những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.
Có chiến lược quốc gia về quảng bá du lịch
Sau khi gỡ được nút thắt về visa, các DN cho rằng còn nhiều việc phải làm để điểm đến Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Liên quan đến quảng bá, xúc tiến, đại diện Vietnam Airlines cho rằng về dài hạn, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến khách trong khu vực (tương tự SingapoReimagine của Singapore hay Visit Thailand Year 2023: Amazing New Chapters của Thái Lan).
Trước mắt, trong quá trình phục hồi thị trường du lịch, Việt Nam cần có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và thành lập tổ chuyên trách gồm thành viên của các bộ, ngành, các DN hàng không, du lịch, khách sạn và có khả năng tổng hợp, đề xuất các chính sách sát thực tiễn, có khả năng tham vấn cũng như theo sát và thúc đẩy việc triển khai thực hiện.
Th.Phương
Thành công nhờ chính sách visa linh hoạt
Ở châu Á, một dòng du khách được chào đón là người Trung Quốc, vốn có nhu cầu du lịch trở lại sau 3 năm hạn chế do đại dịch nhưng còn gặp phải sự chậm trễ trong việc xin visa đi các nơi. Vì vậy, các quốc gia có thể giúp du khách vượt qua những rắc rối đó đã thành "người chiến thắng", ví dụ Thái Lan cung cấp Visa on arrival cho mọi khách Trung Quốc được tiêm phòng đầy đủ và có bảo hiểm du lịch và đón được 180.000 khách du lịch Trung Quốc từ tháng 1 đến giữa tháng 2-2023.
Tăng thời hạn visa, thời hạn lưu trú và các ưu đãi riêng là một cách thu hút du khách khác. Tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hệ thống Visa nâng cao có hiệu lực từ tháng 10-2022 cho phép du khách có visa du lịch được nhập cảnh và lưu trú tại đây tối đa 60 ngày. Visa du lịch ở Thái Lan có thời hạn tới 60 ngày và có thể gia hạn thêm 30 ngày, Singapore cung cấp tới 30 đến 90 ngày lưu trú cho công dân từ 164 quốc gia mà họ miễn thị thực...
Theo dữ liệu từ nền tảng Visa International Travel (VISIT) và dữ liệu VisaNet, sau một thập kỷ tự do hóa thị thực, lượng khách du lịch vào năm ngay trước đại dịch của châu Phi (2019) đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước đó. Hai năm 2017 và 2018 cũng lần lượt đạt mức tăng 12% và 11%.
A.Thư
Link nội dung: https://travelteam.vn/mo-cua-don-du-khach-quoc-te-544.html