![]() |
Một trong những điểm đến thiên nhiên nổi bật của Point Roberts là Lily Point Marine Park and Reserve - khu bảo tồn ven biển với cảnh quan hoang sơ, đường mòn đi bộ và tầm nhìn ngoạn mục ra đại dương. Ảnh: Mitchell Nevi. |
Mỗi lần muốn đến thăm Point Roberts (bang Washington), du khách Mỹ sẽ phải nhập cảnh vào Canada, sau đó thêm một lần xuất cảnh để vào thị trấn. Với diện tích 13 km² và nằm lọt thỏm ở đầu bán đảo Tsawwassen, Point Roberts là một phần lãnh thổ của Mỹ nhưng bị tách biệt hoàn toàn, chỉ có thể tiếp cận bằng đường bộ qua nước láng giềng.
Theo CNN, thị trấn nhỏ này hiện chỉ có khoảng 1.200 cư dân. Thuộc nước Mỹ, nhưng nơi đây giống như một thế giới riêng biệt: yên tĩnh, an toàn, không còi xe, không đèn giao thông. Trẻ em có thể tự đạp xe ra biển, người lớn để hẳn chìa khóa xe trong ổ không lo trộm cắp.
![]() |
Quốc kỳ của Mỹ và Canada cùng tung bay tại Point Roberts. Ảnh: Max Lindenthaler/Alamy Stock. |
Năm 1846, Hiệp ước Oregon giữa Mỹ và Anh (khi đó đô hộ Canada) quy định vĩ tuyến 49 là ranh giới giữa hai nước. Nhưng đường vẽ thẳng này vô tình khiến phần đất nhỏ ở mũi bán đảo thuộc về Mỹ, tạo nên sự "lạc lõng" của Point Roberts.
Người Iceland là những người đầu tiên đến định cư nơi đây vào cuối thế kỷ 19. Họ làm nghề nông và chế biến cá hồi. Đến nay, hậu duệ của họ vẫn sinh sống tại đây, như bà của Hannah Shucard - một cư dân địa phương vẫn nói tiếng Iceland mỗi ngày.
![]() |
Hannah Shucard khi còn nhỏ (trong ảnh đang cưỡi ngựa), lớn lên ở Point Roberts. Cô mô tả tuổi thơ tại đây "thật kỳ diệu". Ảnh: Hannah Shucard. |
Hannah Shucard từng sống ở Seattle (bang Washington, Mỹ), nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra và biên giới đóng cửa, cô không thể đến thăm gia đình ở Point Roberts như trước. Năm 2021, cô cùng chồng quyết định chuyển đến thị trấn, vừa làm việc từ xa, vừa chăm sóc bà nội đã gần 95 tuổi.
Một cặp vợ chồng khác là Neil và Krystal King cũng chọn Point Roberts làm nơi bắt đầu lại sau khi mất nhà vì hỏa hoạn. Họ mở một cửa hàng tên Kora’s Corner, đặt theo tên con gái mới sinh. Phía sau cửa hàng còn có một "bảo tàng vịt cao su" độc đáo, thu hút sự chú ý của người dân và khách tham quan.
![]() |
Neil, Koraline và Krystal King trong bảo tàng vịt cao su của họ. Ảnh: Neil King. |
Ở Point Roberts, ai cũng biết nhau. Từ người thủ thư đến tài xế xe buýt, thậm chí là người bán hàng, tất cả đều là hàng xóm, bạn bè.
Thị trấn có đủ thứ, một thư viện, một trường tiểu học, một siêu thị, vài nhà hàng và cả câu lạc bộ làm vườn, câu lạc bộ sách, nhóm lịch sử...
Dù là thị trấn nhỏ, không khí nơi đây luôn ấm áp, vui vẻ. Mọi người thường xuyên tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động cộng đồng cùng nhau.
Sống ở Point Roberts là sống giữa thiên nhiên hoang dã. Mỗi sáng, người dân dắt chó đi dạo trên bãi biển, nhìn thấy hươu, nghe tiếng chim hót thậm chí tiếng sói tru. Vào mùa hè, cá voi sát thủ và cá voi lưng gù thường xuất hiện ngoài khơi.
Thị trấn có 4 công viên đẹp như tranh vẽ với bãi biển, rừng cây và các con đường mòn dài cho người thích đi bộ, đạp xe hay chơi golf. Bãi biển Maple với cát mịn và nước ấm là nơi lý tưởng để bơi lội, đặc biệt khi thủy triều rút, người dân và du khách có thể đi bộ gần một cây số ra biển.
![]() |
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc một chiếc phà British Columbia lướt qua vùng biển gần Point Roberts - cộng đồng nhỏ biệt lập của bang Washington, Mỹ. Ảnh: Jennifer Gauthier/Reuters. |
Dù yên bình, cuộc sống ở Point Roberts cũng có nhiều bất tiện. Việc đi khám bệnh hay mua sắm đôi khi tốn cả ngày vì phải đi qua bốn trạm kiểm soát biên giới. Trường tiểu học ở đây chỉ dạy đến lớp hai, sau đó trẻ phải đi học ở nơi khác, có khi là tại Mỹ, có khi là ở Canada.
Thậm chí, để đi du lịch hoặc đến sân bay lớn, người dân phải lái xe hơn 40 phút sang thành phố Vancouver của Canada. Chính vì vậy, hộ chiếu và thẻ NEXUS (dành cho người thường xuyên qua biên giới) gần như là "vật bất ly thân".
Do vị trí đặc biệt, người dân Point Roberts thường sống gắn bó với cả Mỹ và Canada. Họ mừng cả Quốc khánh Mỹ (4/7) lẫn Quốc khánh Canada (1/7). Trong thị trấn, cờ Mỹ và cờ lá phong Canada treo song song, phản ánh sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa.
![]() |
Point Roberts chỉ có hai con đường chính và hoàn toàn không có đèn giao thông.Ảnh: Jennifer Gauthier/Reuters. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do mối quan hệ giữa Mỹ và Canada trở nên căng thẳng, lượng khách từ Canada sang mua sắm và du lịch đã giảm đi rõ rệt. Một số nhà cung cấp còn ngừng hợp tác với các cửa hàng ở Mỹ. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng cho tương lai kinh tế thị trấn.
Dù vậy, người dân vẫn không bỏ cuộc. “Hiện tại, mọi người chỉ đang nín thở chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới”, Krystal nói.
Point Roberts nhỏ bé và biệt lập, nhưng lại là minh chứng cho cuộc sống chậm rãi, gắn bó, gần gũi với thiên nhiên. Nơi đây giống như một thế giới tách biệt, nơi con người sống chậm hơn, sâu hơn và trân trọng từng khoảnh khắc thường ngày.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình
Link nội dung: https://travelteam.vn/cuoc-song-tai-thi-tran-my-nam-lot-thom-trong-lanh-tho-canada-6040.html