Thuyền Gondola, kênh đào và những cây cầu cổ kính là những hình ảnh nổi tiếng khi nói về Venice. Còn với nhiều du khách, thành phố nổi tiếng của Italy này là điểm đến phù hợp để sống ảo với các bức ảnh đăng Instagram.
Tuy nhiên, với không ít người, Venice trở thành biểu tượng cho sự quá tải của thế giới hiện đại: một thành phố biến thành công viên giải trí, lúc nào cũng chật kín khách du lịch và các căn hộ bị chuyển đổi thành nhà cho thuê ngắn hạn. Mỗi năm, khoảng 30 triệu du khách đến đây, trong khi dân số địa phương chưa đầy 50.000 người, tỷ lệ người dân và khách là 1:600.
Venice nhìn từ trên cao. Video: CNN
Người dân muốn tiếp tục sống ở Venice phải đối mặt hàng loạt khó khăn như khan hiếm nhà ở do bị chuyển thành nơi lưu trú phục vụ du khách, thiếu nhà hàng phục vụ sinh hoạt thường nhật, thiếu việc làm ngoài ngành du lịch.
Trong khi đó, 90% du khách chỉ ghé thăm trong ngày. Họ không chiếm chỗ ở lâu dài nhưng lại sử dụng tài nguyên thành phố và gần như không để lại giá trị kinh tế thực sự nào.
"Không khó hiểu khi Venice bị gọi là thành phố đang chết hay thành phố đang chìm", Simone Venturini, ủy viên hội đồng thành phố phụ trách du lịch, chia sẻ trong bộ phim tài liệu Saving Venice (Cứu Venice).
Với nỗ lực cứu thành phố, chính quyền đã thử nghiệm một số biện pháp như thu phí 5 euro vé vào cửa với khách không lưu trú, đến trong một số ngày cao điểm hoặc vận hành hệ thống giám sát theo dõi dòng người di chuyển. Dù gây tranh cãi, các biện pháp này cũng ít nhiều cho thấy nỗ lực giảm tải du lịch.
Song song đó, nhiều người dân cũng chủ động tìm cách giữ gìn bản sắc thành phố. Năm 2018, Emanuele Dal Carlo cho ra mắt nền tảng Fairbnb chuyên cung cấp chỗ ở do chính người dân Venice sở hữu. Dữ liệu từ Inside Airbnb cho thấy Venice hiện có hơn 8.300 căn hộ cho thuê, trong đó 77% thuê trọn (không chia sẻ với chủ nhà) và phần lớn thuộc sở hữu của những người có nhiều bất động sản.
Hệ thống rào chắn lũ ở Venice. Video: CNN
"Chúng tôi không phản đối quyền sở hữu cá nhân, nhưng nếu bạn sở hữu 20 căn hộ chỉ để cho khách thuê, bạn đang làm hại cộng đồng", Dal Carlo nói. Với Fairbnb, mỗi chủ nhà chỉ được đăng số lượng căn hộ giới hạn, 50% lợi nhuận sẽ được chuyển vào các dự án cộng đồng tại chính nơi du khách đến.
Nhiều người dân khác giữ gìn thành phố bằng cách truyền dạy các giá trị truyền thống. Elena Almansi tham gia Row Venice, tổ chức đưa du khách trải nghiệm chèo thuyền đứng (voga alla veneta) qua các kênh rạch, như cách người Venice xưa di chuyển. Matteo Silverio, với startup Rehub, tận dụng phế liệu từ quy trình chế tác thủy tinh ở Murano, in 3D thành các sản phẩm nghệ thuật.
Nhà thiết kế Michela Bortolozzi mở cửa hàng Relight Venice, bán xà phòng và nến mô phỏng chi tiết kiến trúc Gothic Venice. "Venice đẹp hơn cả sản phẩm của tôi. Đừng coi Venice như món đồ lưu niệm, vì chúng ta không thể xây lại nó", cô nói.
Fabio Carrera, người sáng lập Trung tâm dự án Venice thuộc Viện Bách khoa Worcesterm, Mỹ, vẫn lạc quan về khả năng cứu thành phố. Nhóm của ông nghiên cứu các giải pháp cải thiện khả năng sinh sống tại Venice, từ thiết kế tuyến đường giao hàng bằng thuyền để giảm sóng do tàu tạo ra, tới ý tưởng tạo trang trại vi tảo trên đầm phá.
Triều cường gây lụt ở Venice. Video: CNN
Hệ thống đầm phá từng là lợi thế khiến Venice có thế mạnh hàng hải, nhưng hiện lại trở thành mối đe dọa khi mực nước biển dâng. Đê chắn nước MOSE vận hành từ 2020 đã phải hoạt động thường xuyên hơn nhiều so với thiết kế ban đầu. Mỗi lần vận hành tốn khoảng 200.000 euro, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình tự làm sạch của đầm phá và gián đoạn hoạt động cảng. Trong khi đó, Venice là một trong những cảng quan trọng nhất nước.
Carrera cho rằng cần những giải pháp thực tế hơn, chẳng hạn một hệ thống tàu điện ngầm có thể giúp cư dân sống ở Venice nhưng làm việc trên đất liền, nơi có nhiều cơ hội việc làm trong các ngành công nghệ cao. Dal Carlo cho rằng chính quyền nên thu hút những người giỏi, sáng tạo đến sống tại thành phố.
Venice luôn trong tình trạng chật kín du khách. Ảnh: Venezia Autentica/Sebastian Fagarazzi
Bortolozzi tin rằng du lịch có trách nhiệm có thể góp phần cứu Venice. Cesare Peris, Chủ tịch Hiệp hội Tương trợ thợ mộc và thợ đóng thuyền truyền thống Venice, lo ngại có thể đã quá muộn để cứu thành phố. Tuy nhiên, nếu vẫn còn cơ hội, ông tin tiềm năng sẽ rất lớn.
"Nếu Venice tìm ra cách đón khách du lịch mà không làm hại chính mình, có lẽ đó cũng là chìa khóa để cứu tất cả những thành phố khác trên thế giới khỏi làn sóng du lịch đại trà", Peris nói.
Anh Minh (Theo CNN)
Link nội dung: https://travelteam.vn/venice-dang-chet-6276.html