Ngôi chùa với hàng trăm cây thốt nốt cổ thụ

Sóc TrăngChùa Ta Kúch Chắs hay Trà Quýt cũ ở huyện Châu Thành được hơn 200 cây thốt nốt cổ thụ bao phủ, tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Chùa Trà Quýt cũ tọa lạc tại ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa được xây dựng cách đây hơn 140 năm. Ngoài kiến trúc đặc trưng của đồng bào Khmer, nhiều du khách đến Sóc Trăng lựa chọn viếng chùa để được chiêm ngưỡng những hàng thốt nốt cổ thụ xanh mướt.

Theo những bậc cao niên ở địa phương, nơi đây trước kia từng có một người dân uy tín trong phun sóc tên Quýt đứng ra kêu gọi góp tiền xây chùa. Ông Quýt còn hướng dẫn xây dựng nhiều hạng mục quan trọng trong chùa. Từ đó, nhà chùa lấy tên ông để đặt nhằm tri ân công lao.

Hàng thốt nốt nổi bật trước cổng chùa Ta Kúch Chắs. Ảnh: An Minh

Hàng thốt nốt nổi bật trước cổng chùa Ta Kúch Chắs. Ảnh: An Minh

Lúc mới xây dựng, chánh điện chỉ được dựng tạm bằng cây lá đơn sơ với sự góp sức của người dân địa phương. Đến năm 2020, công trình xuống cấp trầm trọng nên được xây dựng mới. Điện được thiết kế theo lối kiến trúc của Phật giáo Nam tông Khmer dài 24 m, rộng 12 m, cao gần 20 m, tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Khi hoàn thành vào năm 2022, ngôi chánh điện trở thành điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái, tham quan.

Điểm đặc biệt của chùa Quýt còn nằm ở các mảng xanh, nổi bật là hàng trăm cây thốt nốt được trồng từ hạt. Thốt nốt được xem là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang. Loài này có chiều cao trung bình khoảng 20 m, tán lá xòe ra như lá cọ. Cây thốt nốt cái sau khi trổ bông sẽ kết thành từng chùm khoảng 50-60 quả, bên trong có nước cùng với lớp cơm màu trắng đục.

Cây thốt nốt trở thành điểm đặc trưng của chùa nhìn từ bên ngoài. Ảnh: An Minh

Cây thốt nốt trở thành điểm đặc trưng của chùa nhìn từ bên ngoài. Ảnh: An Minh

Với diện tích khoảng 17.000 m2, trước đây, khi chưa xây dựng tháp cốt và chánh điện mới, chùa có khoảng 400 cây thốt nốt, nhiều cây đã hơn 30 năm, thậm chí có cây hơn 90 năm tuổi. Về sau, nhiều cây thốt nốt bị đốn để thuận tiện cho việc xây dựng. Hiện nơi đây còn khoảng hơn 200 cây thốt nốt trưởng thành.

Những cây thốt nốt bị đốn có phần ruột rỗng nên người dân đem về sử dụng. Nhà chùa giữ lại một số gỗ lớn để làm chiếc trống kỷ niệm.

Trong khuôn viên chùa, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp những hàng cây thốt nốt. Ảnh: An Minh

Hàng cây thốt nốt bao phủ nhiều công trình trong chùa. Ảnh: An Minh

Theo Đại đức Kim Sang, trụ trì chùa, hơn 30 năm trước, sư cả đời thứ 7 của chùa đã đến thăm nhiều ngôi chùa ở An Giang và đem về trái thốt nốt, sau đó lấy hạt trồng trong khuôn viên. Cũng từ đó, những hàng cây thốt nốt được hình thành qua bàn tay chăm bón của các thế hệ sư sãi và phật tử. Cây thốt nốt thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên sinh trưởng tốt, trĩu quả,

"Ngoài tạo mảng xanh, những cây thốt nốt được trồng còn để bà con địa phương khai thác, phục vụ cho cuộc sống và kiếm thêm thu nhập", Đại đức Kim Sang nói, cho biết thốt nốt là biểu tượng của chùa nên sư sãi và phật tử luôn cố gắng giữ gìn.

Khoảng xanh từ cây thốt nốt tại chùa. Ảnh: An Minh

Khoảng xanh từ cây thốt nốt tại chùa. Ảnh: An Minh

Người dân trong vùng từng sử dụng lá thốt nốt để lợp nhà hay nuôi dơi lấy phân; lấy nước thốt nốt để làm đường. Qua nhiều thế hệ, nghề nấu đường thốt nốt dần mai một nhưng nơi đây vẫn còn giữ những hàng cổ thụ, thu hút du khách. Hiện nhà chùa ươm thốt nốt từ trái rụng để trồng tại những nơi đất trống trong khuôn viên, để duy trì cảnh sắc.

Chị Hồng Thu, du khách đến từ Cần Thơ, cho biết rất ấn tượng với những hàng thốt nốt xanh mướt, trĩu quả tại chùa. Ngoài kiến trúc với nét đặc sắc của Phật giáo Nam tông Khmer, các mảng xanh từ thốt nốt đã tạo nên nét rất riêng cho điểm đến.

An Minh

Link nội dung: https://travelteam.vn/ngoi-chua-voi-hang-tram-cay-thot-not-co-thu-6333.html