Di sản là gì với Gen Z?

Không chỉ là câu chuyện "xưa cũ", di sản còn là kho báu, nguồn cảm hứng bất tận cho những chuyến đi và hàng loạt nội dung triệu view của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.

Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang khám phá và kết nối với di sản theo cách riêng - sáng tạo, bất ngờ và nhiều màu sắc cá nhân. Những trải nghiệm hài hước, sâu sắc trên hành trình khám phá di sản đã góp phần "kể lại" lịch sử theo một cách sống động hơn bao giờ hết.

Tình yêu di sản từ những điểm chạm đầu đời

Sinh ra và lớn lên ở cố đô Huế, thay vì "quen quá hóa thường", Minh Thắng (28 tuổi) lại càng thêm tự hào khi là người con xứ Huế, được lớn lên giữa lòng di sản. "Tôi yêu Huế và cả những điều nhỏ nhặt nhất nơi đây. Di sản khơi gợi sự tò mò, thôi thúc tôi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, ẩm thực và con người nơi đây" Thắng chia sẻ.

Tuổi thơ của Thắng gắn liền với những chuyến tham quan Đại Nội, đi bộ trên cầu Trường Tiền ngắm sông Hương hay ghé thăm các lăng tẩm cổ kính từng xuất hiện trong sách giáo khoa. Hình ảnh di tích còn len lỏi trong những nét vẽ nguệch ngoạc của cậu trong giờ mỹ thuật. Lớn lên, đó là nơi anh tìm đến mỗi khi buồn, hoặc hẹn hò cùng người yêu - nay là vợ.

"Có lần tôi cùng vợ mặc cổ phục tham quan Đại Nội, nhiều du khách đã xin chụp ảnh cùng. Cảm giác rất vui và bất ngờ", anh kể. Với niềm tự hào sẵn có, Thắng chủ động chia sẻ vẻ đẹp của quê hương qua các video, bài viết trên mạng xã hội.

Mỗi lần có ai hỏi: "Huế chậm và buồn lắm đúng không?", Thắng chỉ cười và tình nguyện làm hướng dẫn viên. "Tôi thường bắt đầu hành trình khám phá ở Đại Nội để bạn vừa có ảnh đẹp, vừa nghe chuyện thú vị. Sau đó là chợ Đông Ba ăn uống, rồi dạo cảnh sông Hương. Nếu hiểu thêm về lịch sử, mọi người sẽ thêm yêu mến vùng đất này".

Trong khi đó, Hương Lý (25 tuổi) lần đầu "chạm mặt" di sản là vào năm 2022 ở Vịnh Lan Hạ - một phần của quần thể Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.

"Chiếc du thuyền chầm chậm đưa tôi len lỏi vào lòng di sản, tận mắt ngắm nhìn hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh về địa chất, địa mạo và lịch sử hình thành của vùng biển hoang sơ tuyệt đẹp này, thật sự rất hào hứng và ấn tượng", Hương nói với Tri Thức - Znews.

Theo cô, sức hút của di sản không nằm ở danh hiệu UNESCO, mà ở những trải nghiệm đánh thức cảm xúc, như lần xem vở diễn thực cảnh ở danh thắng Tràng An (Ninh Bình). "Với sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng hoành tráng cùng màn hóa thân của các diễn viên, vở diễn đã kể lại câu chuyện lịch sử một cách sống động, giúp tôi cảm nhận rõ hơn về thời đại, dân tộc, thậm chí là cảm xúc của lịch sử. Chính cái 'chạm' đầy cảm xúc đó khiến tôi nhận ra di sản, lịch sử không hề khô khan, chỉ là chưa được kể đúng cách", Hương Lý chia sẻ.

Một lần khác, khi ghé Dinh Bảo Đại II ở Đà Lạt, Hương và bạn hóa thân thành công chúa, đi đứng nói cười như thể từng sống ở đó. "Lúc nghe thuyết minh về các căn phòng, tôi thầm nghĩ: 'Đâu cần kể chi tiết vậy, ta biết hết rồi mà!' - rồi cười tủm tỉm như thật. Chính việc nhập vai ấy khiến lịch sử dễ nhớ và gần gũi hơn bao giờ hết", cô kể.

"Di sản không khó gần với Gen Z - vấn đề là cách tiếp cận ban đầu chưa phù hợp. Chúng mình quen với tốc độ nhanh, hình ảnh đẹp, nội dung sinh động. Trong khi đó, nhiều trải nghiệm di sản vẫn còn truyền thống, tĩnh, và nặng lý thuyết", Hương nhận xét.

Những người kể chuyện mới của di sản

Với sự lan tỏa của mạng xã hội, Gen Z đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc quảng bá di sản Việt Nam đến với thế giới. Những video, bài viết, thước phim được chia sẻ có thể tiếp cận hàng triệu người chỉ trong vài giờ.

"Mạng xã hội khiến di sản 'lên sóng' dễ hơn bao giờ hết. Gen Z chính là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Mỗi khi có ai nhắn: 'Nhờ video của bạn mà mình thấy di sản thú vị hơn' - tôi lại có thêm động lực để cố gắng", Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, để nội dung vừa hấp dẫn vừa chính xác là thách thức không nhỏ. "Rất nhiều lần tôi phải kiểm tra chéo thông tin từ sách, bảo tàng, hoặc hỏi chuyên gia, vì chỉ cần sai một chi tiết lịch sử là có thể gây hiểu lầm", cô cho biết. Cách tiếp cận của Hương thường là kể chuyện dưới góc nhìn cá nhân, kết hợp hoạt họa, memes hoặc lối dẫn chuyện kiểu "giải mã" - giúp dễ dàng tiếp cận người xem.

Cũng có lúc công việc gặp trục trặc. "Một lần đang phát sóng trực tiếp ở Hoàng Thành Thăng Long (Huế), mình mải mê chia sẻ mà không biết đã mất sóng 5G hơn 30 phút. Ekip không nỡ cắt vì thấy mình nói hăng say. Sau đó mình livestream lại từ đầu, được mọi người động viên rất nhiều", Hương kể.

Trong hành trình sáng tạo, những kỷ niệm với người dân địa phương luôn là phần đáng nhớ nhất. Hương kể, ở các khu ẩm thực hay chợ, cô thường được các cô chú tiểu thương chào đón nhiệt tình, mời ăn đặc sản, tặng quà mang về - khiến cô cảm thấy ấm lòng và trân quý.

Còn với Minh Thắng, một lần ghé quán cà phê Lò Gạch Cũ ở Hội An để lại ấn tượng đặc biệt. "Chị chủ tự gọi mình là Thị Nở, chồng là Chí Phèo. Hai anh chị sống ở vùng ngoại ô Hội An, vừa kinh doanh vừa chia sẻ kiến thức về di tích, thậm chí còn mở lớp dạy miễn phí cho học viên", anh kể.

Trước khi làm nội dung, Thắng thường xác minh thông tin qua sách vở, hỏi người thân hoặc người dân địa phương. Để lịch sử dễ hiểu và sinh động hơn, anh lồng ghép những câu nói vui, tình huống hài hước - khiến câu chuyện "vào tai" người xem một cách tự nhiên.

"Check-in sống ảo" cũng là một cách giúp giới trẻ kết nối với di sản. "Nếu kể chuyện lịch sử một cách hấp dẫn, các bạn đến chụp hình rồi cũng sẽ tò mò tìm hiểu thêm", Thắng nhận định. Còn Hương thì "mách nhỏ" rằng trước khi tham quan, mọi người có thể xem video tóm tắt hoặc đọc infographic để có kiến thức nền giúp chuyến đi "thấm" hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các nhà sáng tạo nội dung Gen Z cho rằng ý tưởng chuyển hóa di sản thành trải nghiệm hiện đại như gameshow thực tế, vở diễn đại thực cảnh, trình chiếu 3D mapping hoặc trò chơi AR như "Giải mật thư của vua Gia Long" sẽ giúp di sản thoát khỏi hình ảnh khô khan, trở thành trải nghiệm giàu cảm xúc - điều khiến du khách sẵn sàng kể lại, chia sẻ và tự hào lan tỏa đến cả thế giới.

Nét đẹp Việt mùa 3 với chủ đề “Chạm vào di sản” do Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp cùng TikTok LIVE tổ chức, nhằm quảng bá văn hóa và thúc đẩy du lịch bền vững thông qua hình thức livestream sáng tạo trên nền tảng TikTok.

Ngày 1-10/6, các nhà sáng tạo nội dung nổi bật của mảng livestream trên TikTok như: Lý Thế Hương, Dung Hoàng Phạm, Minh Thắng, K-ICM, Mạnh Tiến Khôi… sẽ cùng thăm các điểm đến nổi bật của 5 địa phương trên, khám phá từ di sản kiến trúc, văn hóa truyền thống cho đến tinh hoa ẩm thực vùng miền.

Toàn bộ hành trình phát trực tiếp trên kênh chính thức @tiktoklive_vietnam, một phiên live dài 5 ngày, mỗi ngày 12-14 tiếng.

Chương trình không chỉ dừng lại ở việc phát trực tiếp các hoạt động, mà còn mở ra chuỗi trải nghiệm thực tế kết hợp công nghệ, giúp người xem “chạm vào di sản” theo đúng nghĩa đen – chân thực, gần gũi và hiện đại. Thông qua sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và nội dung giàu ý nghĩa, chương trình tạo cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tiếp cận và thấu hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hóa truyền thống.

Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.

> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình

Link nội dung: https://travelteam.vn/di-san-la-gi-voi-gen-z-6396.html