![]() |
Nhân viên kiểm tra vòng đeo tay của người leo núi đã đóng phí tại tuyến đường Yoshida trên núi Phú Sĩ. Ảnh: Zhang Xiaoyu. |
Mùa leo núi Phú Sĩ kéo dài từ tháng 7 đến đầu tháng 9. Năm nay, tuyến Yoshida mở cửa từ 1/7, trong khi 3 tuyến còn lại mở từ 10/7.
3h ngày 1/7, cánh cổng thép mới được lắp đặt tại trạm thứ 5 tuyến Yoshida mở ra, hàng trăm người lần lượt băng qua, rọi đèn pin trong màn đêm để bắt đầu hành trình chinh phục ngọn núi cao nhất Nhật Bản.
Theo chính quyền tỉnh Yamanashi, trong ngày đầu tiên, có 1.009 người đặt chỗ leo núi, trong đó khoảng 60% là du khách quốc tế. Người đầu tiên đi qua cổng là một cụ ông 79 tuổi đến từ tỉnh Hyogo.
"Tôi rất háo hức được ngắm cảnh từ đỉnh núi", ông chia sẻ.
![]() |
Những người leo núi đón bình minh trên đỉnh Phú Sĩ, ngày 1/7. Ảnh: Kyodo. |
Đây là lần đầu tiên cả 4 tuyến leo núi: Yoshida (tỉnh Yamanashi) và 3 tuyến Fujinomiya, Subashiri, Gotemba (tỉnh Shizuoka), đều thu phí 4.000 yen/người như nhau. Trước đó, chỉ tuyến Yoshida yêu cầu đóng 2.000 yen, còn các tuyến còn lại miễn phí, theo The Independent.
Ngoài việc thống nhất thu phí, chính quyền 2 tỉnh còn áp dụng loạt biện pháp mới nhằm tăng cường an toàn và bảo vệ môi trường di sản.
Tỉnh Yamanashi đầu tư 15 triệu yen xây cổng thép cố định tại trạm thứ 5 tuyến Yoshida, thay cho cổng gỗ tạm thời. Cổng sẽ đóng từ 14h đến 3h hôm sau, sớm hơn 2 tiếng so với năm ngoái, nhằm ngăn leo núi muộn và "bullet climbing" - kiểu leo xuyên đêm không nghỉ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tuyến Yoshida vốn đông khách nhất sẽ áp dụng giới hạn 4.000 người mỗi ngày tại trạm dừng thứ 5. Ba tuyến còn lại chưa có hạn ngạch cụ thể nhưng vẫn chịu các quy định giờ giới nghiêm tương tự.
Những người không đến được trạm thứ 5 trước 14h sẽ không được phép tiếp tục hành trình, trừ khi đã đặt chỗ nghỉ qua đêm tại các trạm dừng trên núi.
Du khách thiếu kinh nghiệm được khuyến cáo nên đi cùng hướng dẫn viên. Những người không đủ thiết bị leo núi chuyên dụng có thể bị từ chối leo núi.
"Chúng tôi cương quyết không cho những ai vi phạm quy định vượt qua cổng", Thống đốc Yamanashi, ông Kotaro Nagasaki, tuyên bố.
![]() |
Những người leo núi không đủ thiết bị chuyên dụng không được phép chinh phục núi Phú Sĩ. Ảnh: Travel Japan. |
Năm 2024, núi Phú Sĩ ghi nhận hơn 204.000 lượt leo, giảm gần 8% so với năm trước. Tình trạng quá tải, xả rác và hành vi thiếu ý thức của một bộ phận du khách trong những năm gần đây đã khiến chính quyền địa phương đau đầu tìm biện pháp siết chặt.
Trên thực tế, Phú Sĩ không phải ngọn núi duy nhất thu phí. Chính phủ Nepal đã thu phí tới 11.000 USD để cấp phép leo đỉnh Everest trong mùa cao điểm và dự kiến tăng lên 15.000 USD từ tháng 9 tới, theo BBC.
Với độ cao 3.776 m, Phú Sĩ không chỉ là biểu tượng quốc gia mà còn là điểm đến tâm linh hàng trăm năm của tín đồ Thần đạo và Phật giáo Nhật Bản. Năm 2013, núi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Mỗi tuyến lên Phú Sĩ có đặc điểm riêng. Fujinomiya là đường ngắn nhất nhưng dốc nhất, Gotemba dài và chênh lệch độ cao lớn nhất, Subashiri nổi tiếng với cảnh mặt trời mọc ngoạn mục và hợp lưu với tuyến Yoshida gần đỉnh - cung đường được nhiều người mới lựa chọn.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'
Link nội dung: https://travelteam.vn/them-mot-mua-leo-phu-si-dang-dau-dau-cua-nhat-ban-6722.html