Người Việt tham gia cuộc đua thuyền vượt biển dài nhất hành tinh

Dương Đỗ (45 tuổi) kỳ vọng trở thành một trong số người Việt đầu tiên vượt Thái Bình Dương thông qua cuộc thi Clipper Race Round The World diễn ra vào tháng 3/2026.

Được tổ chức 2 năm một lần, Clipper Race Round The World do thủy thủ Robin Knox-Johnston, người đầu tiên đi vòng quanh thế giới một mình bằng thuyền buồm, cầm trịch. Trong suốt 30 năm qua, cuộc thi dẫn dắt những cá nhân yêu thích biển cả và mạo hiểm chinh phục đại dương.

Năm nay, cuộc thi đua thuyền dài nhất hành tinh này ghi nhận dấu ấn của một thuyền viên người Việt Nam - Dương Đỗ (45 tuổi, ngụ TP.HCM), founder một công ty hàng hải tại Việt Nam.

"Trại" huấn luyện trên biển

Trò chuyện với Tri Thức - Znews, Dương cho biết phải hoàn thành 4 kỳ huấn luyện "khắc nghiệt" trước khi vào đường đua ở chặng 6 vượt Thái Bình Dương - The Mighty Pacific - vào tháng 3/2026, xuất phát tại cảng Portsmouth (Anh Quốc). Đây là cung dài và nguy hiểm nhất trong 8 chặng.

Để hình dung về công việc của mỗi thành viên trên thuyền, hãy nghĩ đến Jack Sparrow trong bộ phim huyền thoại Cướp biển vùng Caribbean.

Dương kể lại anh phải tuân thủ lịch trực với 2 ca/ngày, trung bình một ngày chỉ được ngủ 2-3 tiếng, chưa kể thuyền viên phải san sẻ giường ngủ cho nhau vì số lượng hạn chế. Toàn bộ sinh hoạt trên thuyền từ ăn uống, nghỉ ngơi đều trong trạng thái nghiêng 45 độ và nhấp nhô cùng các đợt sóng, gió cấp 4-5.

"Tôi buộc thành thạo những công việc như thủy thủ chuyên nghiệp, từ việc giăng/thu buồm, kéo dây hay đổi hướng buồm (tack-gybe) trong điều kiện sóng gió. Cái lạnh 5 độ C trên biển xứ Anh khiến thao tác dường như nặng nề hơn. Mọi đầu việc đều thực hiện thủ công, không sử dụng công cụ bổ trợ hiện đại.

Khá nhiều vận động viên chuyên nghiệp đã từng đạt thành tích cao trong các môn thẻ thao Ultra triathlon, Ironman hay bơi lội đều đã bị say sóng do không vượt qua được các thử thách của các khóa huấn luyện này. Kết quả phải từ bỏ cuộc chơi", Dương cho hay.

Cuộc đua Clipper năm nay có 8 cung với hơn 10 thuyền đua. Mỗi người chơi có quyền lựa chọn 1/8 chặng hoặc tất cả, tùy vào nhu cầu.

Để được tham gia đua chính thức, người dự thi không chỉ đảm bảo về mặt tài chính, mà còn trải qua vòng phỏng vấn và 4 kỳ huấn luyện khó nhằn cả về thể chất lẫn tinh thần. Mỗi kỳ là 7 ngày lênh đênh trên biển, không được tắm rửa.

Độ khó của Thái Bình Dương

Điểm nhấn của chặng 6 vượt Thái Bình Dương là đi qua đường đổi ngày quốc tế (International Date Line). Đường tưởng tượng đánh dấu sự chuyển đổi giữa các ngày, nằm gần kinh tuyến 180 độ, qua eo biển Bering, Thái Bình Dương, kéo dài đến Nam Cực, cũng là khoảnh khắc Dương mong đợi nhất.

Chặng vượt Thái Bình Dương kéo dài 12.300 km, xuất phát từ Thanh Đảo (Trung Quốc), kết thúc tại bờ Tây nước Mỹ và 37 ngày lênh đênh trên đại dương.

Một hải trình sẽ dừng lại tại 2 chặng khác nhau và đều thu hút lượng khách tham quan cũng như quảng cáo cho điểm đến.

Thông tin từ trang web chính thức của Clipper, không có cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới nào mạo hiểm tiến vào Bắc Thái Bình Dương.

Sức của gió, bão, sóng lớn, Mighty Pacific là bài kiểm tra cuối cùng về thể chất và sức mạnh tinh thần. Chặng 6 bao gồm các giai đoạn nước rút đòi hỏi chiến thuật bài bản ở biển Hoa Đông (phía đông Trung Quốc), biển Hoàng Hải và eo biển Triều Tiên.

Chưa hết, khi nhiệt độ giảm mạnh, tốc độ gió tăng lên, sương mù dày đặc, những con sóng khổng lồ tại Bắc Thái Bình Dương tiếp tục thách thức độ quả cảm của người chơi. Lúc này, thuyền được phép lướt máng với tốc độ hơn 30 hải lý/giờ.

Hơn 10 năm nay, Việt Nam có 2 địa danh nằm trong danh sách dừng chân của Clipper là Đà Nẵng và Hạ Long.

Kỳ đua năm 2023-2024, thuyền mang tên Vịnh Hạ Long là đại diện đoạt giải nhất và cái tên Hạ Long đang là một điểm đến cho giới mê thuyền trên toàn thế giới.

Ở chặng 6, kỳ 2025-2026, mỗi người chơi phải chi khoảng 7.300 euro, tương đương 223 triệu đồng. Con số sẽ tăng lên 7.795 euro/người vào kỳ năm 2027-2028.

Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.

> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình

Link nội dung: https://travelteam.vn/nguoi-viet-tham-gia-cuoc-dua-thuyen-vuot-bien-dai-nhat-hanh-tinh-6862.html