Trước năm 1995, Việt Nam chưa tiếp cận khái niệm sản phẩm du lịch. Với chiến lược phát triển linh hoạt, chính sách kêu gọi đầu tư và sự song hành của doanh nghiệp, ngành du lịch đã có những thay đổi ấn tượng.
Du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của khách quốc tế
Trong một bài phóng sự về ẩm thực Việt Nam do Taylor Holiday thực hiện cho tờ The New York Times năm 2005, nữ nhà báo đã chia sẻ về những cảm nhận trong chuyến hành trình ghé thăm dải đất hình chữ S.
Thời điểm này, các nhà tổ chức tour của Mỹ rao giá từ 3.700 - 4.570 USD cho 11 ngày trải nghiệm ẩm thực Việt Nam. Còn các đầu bếp gốc Việt như Charles Phan, Michael Huynh hay Mai Pham được vinh danh trong các giải thưởng ẩm thực, tham gia viết sách và góp phần đưa ẩm thực Việt Nam đến với nhiều khách quốc tế.
Taylor viết, tại chợ Bến Thành, bà như lạc vào một "ma trận", cảm thấy "choáng ngợp bởi mùi của đồ ăn sống và chín", đồng thời được bao vây bởi một lực lượng người bán hàng luôn tích cực chào mời khách mua. Ở Hà Nội, Taylor tham quan chợ 19/12, nơi có những chú chó thui nguyên con bày bán trên sạp.
"Đây là điểm đến rất đáng tham quan, nhưng nếu bạn chưa đi đủ nhiều chợ để phân biệt giữa rau răm và gừng, giữa hoa chuối và trái thanh long, trải nghiệm này có thể vô cùng thất vọng", bà bày tỏ.
Tiếp đó, Taylor đã tường thuật lại hành trình tìm đến một vài nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, với những vị bếp trưởng nói tiếng Anh lưu loát, những menu có tiếng Anh và giúp bà hiểu được về nguyên liệu, cách nấu cũng như vẻ đẹp của ẩm thực Việt. Ở đó, nữ nhà báo chi trả khoảng 3 USD cho một món ăn và có những trải nghiệm hài lòng về chất lượng ẩm thực Việt Nam.
Ngay cả trong những tour tham quan chợ truyền thống, hay tham gia lớp học nấu ăn kiêm thưởng thức món ngon tại các nhà hàng có tiếng của đầu bếp người Pháp gốc Việt David Thai, nhờ có lịch trình và hướng dẫn chuyên nghiệp, bà cũng thấy chợ cá Nha Trang trở nên đẹp hơn. Bài viết của Taylor Holliday trên The New York Times kết thúc bằng cảm nhận của bà khi quay lại chợ Bến Thành một lần nữa, sau khi đã trải nghiệm các sản phẩm du lịch được thiết kế bởi những chuyên gia, được các đầu bếp danh tiếng và người dẫn tour thạo tiếng Anh giải thích kỹ càng.
"Sau tất cả những gì tôi đã quan sát và học hỏi, thì ngôi chợ này thực sự là một thánh đường hân hoan, với những món ăn quen thuộc, những mùi hương hấp dẫn, những sạp hàng vẫy gọi", Taylor Holliday viết.
Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Sun Group, câu chuyện của Taylor Holliday đã cho thấy thực tế rằng du lịch Việt Nam thời kỳ trước đây thường phụ thuộc vào những tài nguyên sẵn có mà thiếu đi một chiến lược nâng tầm với các sản phẩm du lịch bài bản.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch
Năm 1960, Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập, với vai trò là tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch. Trong phần quy định nhiệm vụ của Công ty, cứ trung bình mỗi hai câu, từ "tham quan" lại xuất hiện một lần. Suốt những năm trước đổi mới, "danh lam thắng cảnh" cũng là từ khóa chính xuất hiện trong các chính sách khuyến khích phát triển du lịch của nước ta.
35 năm sau, vào năm 1995, khi đất nước bắt đầu mở cửa, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam ra đời. Trong văn bản này, cụm từ "sản phẩm du lịch" được nhắc đến 14 lần, đi kèm với chính sách kêu gọi nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu, trong 15 năm tiếp theo thu hút khoảng 4,5 tỷ USD đầu tư cho du lịch. Trên thực tế, chỉ riêng năm 2009, tổng vốn đầu tư cho du lịch Việt Nam đã vượt xa con số 4,5 tỷ USD.
Hạ tầng du lịch của nhiều địa phương trên cả nước cũng ghi nhận sự thay đổi. Loạt điểm đến hoang sơ như Sa Pa, Đà Nẵng hay đô thị nhỏ như Hạ Long, đã chuyển mình trở thành những trung tâm du lịch thu hút du khách quốc tế.
Ngày nay, đến với Sa Pa, hàng triệu du khách đã có thể nhìn ngắm khung cảnh núi rừng Hoàng Liên Sơn từ một hệ thống cáp treo trị giá tỷ đô, nghỉ tại Hotel de la Coupole - khách sạn 5 sao được thiết kế bởi Bill Bensley.
Tại Đà Nẵng, ngoài hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh núi Bà Nà, du khách còn bị thu hút bởi những lễ hội tưng bừng, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao sang trọng hay Cầu Vàng. Trên bán đảo Sơn Trà là một nhà hàng với menu được thiết kế bởi những đầu bếp đạt sao Michelin, tại khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort.
Còn ở trung tâm Hạ Long là một Sun World với chuỗi hoạt động giải trí bên bờ vịnh kỳ quan. Đến với Quảng Ninh, du khách còn có thể ghé Quang Hanh để trải nghiệm khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp mang phong cách Nhật Bản.
"Chính các sản phẩm du lịch được hình thành trong những năm gần đây đã giúp du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao", đại diện Tập đoàn Sun Group chia sẻ.
Thu Hương
Link nội dung: https://travelteam.vn/gan-30-nam-phat-trien-san-pham-du-lich-cua-viet-nam-940.html