TIẾNG VIỆT GIÀU ĐẸP: Cỏ áy là gì?

Có thể nói, nhà văn Tô Hoài vốn rất ý thức "tu luyện" chữ nghĩa. Ông bảo: "Trong Truyện Kiều có chữ "áy" ("Một vùng cỏ áy bóng tà", không biết nghĩa chữ áy thế nào, mới đọc đã cảm thấy man mác, thấy buồn).

Phải đến dịp, tôi về Thái Bình, nghe người trong làng nói: "cỏ áy, mạ áy" mới biết tiếng "áy" là của bà con đồng ruộng Quỳnh Côi, quê vợ của Nguyễn Du ở Thái Bình - khi thất thế, Nguyễn Du đã nhiều năm ở quê vợ".

Vậy cỏ áy là cỏ gì?

Khi đọc "Hồng Đức quốc âm thi tập", ta gặp những câu như "Cỏ áy những nhờ nơi tuyết bén", "Nào hay cỏ áy bén hơi dương" - trong tiếng Việt cổ "áy" có nghĩa là úa vàng, héo úa, ua ùa. Tuy nhiên, không chỉ có nghĩa này, ta thử nhìn từ câu thơ trong "Bạch Vân quốc ngữ thi tập": "Ruộng hiềm đất áy cày chưa chín".

Trước hết, xin nói, "chín" ở đây là hiểu theo nghĩa chỉn chu, kỹ lưỡng, hoàn chỉnh, chu toàn, đạt đến sự hoàn thiện, thí dụ có câu nói "Một nghề chín hơn chín mười nghề", cũng là chín nhưng nghĩa của hai từ khác nhau, một bên chỉ về sự lành nghề, một bên chỉ về số lượng. Vậy, "đất áy" nghĩa là sao? Ta có thể suy luận, nếu "cỏ áy" là cỏ úa thì "đất áy" chính là đất không màu mỡ, là đất cằn cỗi, đất xấu. Loại đất áy này, người ta còn dùng từ khác nữa, chẳng hạn trong bài "Tịch cư ninh thể phú" của Nguyễn Hãng thời Hậu Lê có câu cực hay:

Xó xỉnh góc trời, mom đất, một bầu thu cảnh mọn hẹp hòi;

Áy o ruộng núi vườn đèo, bốn mùa đủ thú vui cọc cạch.

Đất "áy o" chính là đất "áy". Xin cắc cớ hỏi thêm, nếu "áy" hiểu theo nghĩa trên là phổ biến ở ngoài Bắc, còn trong Nam lại có nghĩa gì? Điều thú vị, khi đọc "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895), ta thấy có ghi nhận: "Áy: có mùi chua", vậy, chẳng hạn, thức ăn nào đó đã "áy mùi", ta có thể hiểu là đã thiu, đã ôi, đã hẩm không còn giữ được mùi vị ban đầu.

Từ bao giờ, từ "áy" không còn sử dụng nữa? Nếu căn cứ vào "Việt Nam tự điển" (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, chúng ta không thấy ghi nhận. Chi tiết này, có thể góp phần lý giải vì một nhà văn bậc thầy chữ nghĩa như Tô Hoài có lúc không hiểu nghĩa từ áy trong câu thơ "Một vùng cỏ áy bóng tà".

Vậy, từ trái nghĩa với "áy/ mạ áy", bà con nông dân nơi quê vợ Nguyễn Du dùng từ gì? Rất ngạc nhiên, khi nhà văn Tô Hoài cho biết đó là từ ấn tượng, tình cảm: "mạ ngồi". Ngồi là thể hiện tư thế, ít ra lưng phải thẳng, nhô cao, trái ngược với nằm/ nằm dài - khi dùng từ ngồi cho mạ/ mạ ngồi, ta thấy rõ ràng nó hoàn toàn khác với mạ áy là ủ rủ, rủ xuống, héo úa bởi nó đang tươi, đang nhú lên, vươn lên…

Qua một hai dẫn chứng thú vị này, tác giả "Dế mèn phiêu lưu ký" đã hoàn toàn chính xác khi viết: "Học chữ và tiếng nói là cần thiết. Trong ba cửa: tiếng nói quần chúng, tiếng nói trong vốn cũ và trong vốn tiếng nước ngoài, học tiếng nói quần chúng là trọng yếu hơn cả" ("Sổ tay viết văn", NXB Tác phẩm mới -1977, tr.121).

Link nội dung: https://travelteam.vn/tieng-viet-giau-dep-co-ay-la-gi-967.html