15 năm nhớ Sơn Nam

Tưởng nhớ 15 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, Nhà Xuất bản Trẻ TP HCM ra mắt hai tựa sách mới "Những góc đời quen lạ" và "Đi và ghi nhớ"

Dịp này Quỹ

Giá trị rất riêng ở nhà văn Sơn Nam

Những tác giả viết tập sách này có giao tình mật thiết với nhà văn, nhờ vậy, chúng ta mới có dịp biết đến những góc đời rất riêng và cũng rất lạ của nhà văn Sơn Nam. Chẳng hạn như thuở ban đầu chàng trai tên Lạc (tên ở nhà của Phạm Minh Tày tức Sơn Nam) đã làm quen và yêu cô gái làm giáo viên đàn hay, diễn kịch giỏi, rồi cậy nhờ mai mối thành thân như thế nào. Hay buổi đầu làm cha, nhà văn Sơn Nam về nhà thấy vợ nằm ổ mà không có than, đã cầm cái thùng đi mấy cây số từ Cái Bầu vô chợ Cả Nai để mua than về cho vợ; rồi ấn tượng về những ngày bé thơ cô Hằng được cha cõng đi khắp xóm trên xóm dưới để ông phụ giúp người ta xay lúa giã gạo và hai cha con ăn cơm ké quanh các nhà như vậy cũng là chuyện không tưởng đối với đa số người đời vốn chỉ biết Sơn Nam từ phía hào quang văn nghiệp.

Còn thật nhiều những câu chuyện riêng kiểu vậy lần đầu tiên được tiết lộ từ chính người trong gia đình, không nhằm tạo thêm một vầng sáng nào nữa cho nhà văn Sơn Nam, mà như hé mở thêm các góc đời vừa riêng lẻ vừa nhỏ hẹp, để biết đâu trong số những người yêu quý ông có dịp biết thêm, hình dung rõ hơn và hiểu đúng được ít nhiều về cuộc đời ông.

Có những câu chuyện thật xúc động, xuất phát từ việc Sơn Nam là người cha luôn xa nhà. Đến nỗi từ quê nhà, vợ ông quyết định dắt con gái lên Sài Gòn lập nghiệp làm giáo viên theo lời mời gọi của một người bạn mở trường tư thục, Sơn Nam cũng không hề biết. Cho đến một buổi hai mẹ con đang đứng đón xe buýt đến trường thì tự dưng cô Hằng nhìn thấy Sơn Nam và kêu lên "Ba!", thế là cuộc hội ngộ của gia đình ông diễn ra tại Sài Gòn trong hoàn cảnh kỳ lạ như vậy.

Nhà văn Sơn Nam ngoài nổi tiếng về văn tài, còn khá nhiều câu chuyện xung quanh ông cũng rất được nhiều người biết đến. Một trong những chuyện vừa tế nhị vừa thực tế là chuyện tiền bạc. Ở đây, từ những góc khuất của gia đình và bằng hữu, đồng nghiệp, có thể góp phần cắt nghĩa một phần cách ứng xử thù tiếp của nhà văn Sơn Nam trong bao mối quan hệ ở đời. Đó là câu nói khẽ khi đi cùng chuyến đò với nhà văn Lý Lan về quê được bà ghi lại: "Hai mươi lăm năm trước tôi theo ông đi ngang chỗ này, ông chỉ vào ngọn rạch mịt mùng nói "quê nội trong đó". Tôi hỏi ông có muốn ghé qua nhà không. Ông im lặng để mặc cho chiếc vỏ lãi chạy tới, rồi nói khẽ: "Không có tiền về làm gì?".

Hay đó còn là bữa đi tứ giác Long Xuyên cùng nhà văn Ngô Khắc Tài, ghé trường học vào nhà tập thể giáo viên thấy đời sống nghèo khổ, Sơn Nam rút tiền mua két bia để mọi người nhậu chơi. Là lần về An Giang cưới vợ cho con mà Sơn Nam đi hai tay không, bạn văn biết được đã hè nhau sắm sửa khay trầu mâm quả để Sơn Nam đi làm sui "cho giống người ta"...

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhớ về kỷ niệm khi làm việc với ông: "Lần đầu tiên được tiếp xúc với bản thảo đánh máy và viết tay của Sơn Nam, bản thân tôi cũng thấy choáng ngợp. Choáng ngợp vì cách ông tận dụng các khoảng trắng trong trang giấy đánh máy với những chú thích viết tay chằng chịt tưởng rất lung tung nhưng cực kỳ hợp lý, làm cho người biên tập dễ dàng nhận ra những điểm mà tác giả cố ý nhấn nhá cho bạn đọc dễ nhận biết và tiếp thu. Tôi nghĩ những kinh nghiệm này sở dĩ có được là do ông đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các "thầy cò" ở các nhà in, các tòa soạn báo trước giải phóng. Nơi mà các thợ sắp chữ chì, thợ mông-ta đều phải tiến hành các bản vỗ in thử thủ công và rất nhọc công, không như các thủ tục nhập liệu hiện đại ngày nay rất nhanh chóng và chính xác, rõ ràng...".

15 năm nhớ Sơn Nam - Ảnh 2.

Hai tập sách mới của nhà văn Sơn Nam. (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)

Sức viết dồi dào

"Đi và ghi nhớ" là tựa một bài báo tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam thuở sinh thời, đăng trên tạp chí Xưa & Nay năm 1997, nay được chọn làm tựa tập sách. Điểm mới của tập sách này là số lượng bài báo dày dặn: 56 bài báo. Đây là những bài đăng trên tạp chí Xưa & Nay cùng một số báo khác trước năm 1975.

Giọt nước mắt Sơn Nam

Ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay là người đã giúp tổng hợp những bài báo quý giá của nhà văn Sơn Nam mà ông còn lưu giữ. Theo ông, "Tạp chí Xưa & Nay làm công việc này như một hình thức ghi nhận sự đóng góp của ông đối với tạp chí, đồng thời cũng là nén hương để tưởng nhớ đến ông".

Nhà văn Sơn Nam có sức viết dồi dào, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào thống kê được đầy đủ tất cả những bài viết và tác phẩm của ông.

Phần cuối sách có các hình tư liệu của nhà văn Sơn Nam khi làm việc, khi ở bên bạn bè thân hữu, nhà văn trong các chuyến điền dã… và một trang bút tích của ông.

"Đi và ghi nhớ" là một tập sách thú vị cho người mến mộ và sưu tầm tác phẩm Sơn Nam, cũng là tác phẩm rất dễ đọc dành cho bạn đọc vừa làm quen với tác phẩm của ông, bởi lối viết dung dị và đề tài phong phú.

Vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 13-8, tại Hội quán Văn nghệ sĩ, 81 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM sẽ diễn ra buổi ra mắt 2 tựa sách mới “Những góc đời quen lạ” và “Đi và ghi nhớ” của nhà văn Sơn Nam, cùng cuộc trò chuyện về nhà văn Sơn Nam với sự góp mặt của đại diện gia đình nhà văn Sơn Nam và thân hữu, các tác giả và những người có đóng góp cho việc ra đời 2 quyển sách. Tại sự kiện, NXB Trẻ sẽ trưng bày giới thiệu toàn bộ tác phẩm của nhà văn Sơn Nam do NXB Trẻ phát hành.