Các món bánh dưới đây là đặc trưng của tỉnh Phú Thọ và không thể thiếu vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, được Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ, cổng thông tin Cục Du lịch quốc gia và tư vấn từ chị Hà Phương, một người dân Phú Thọ, hiện sống ở Hà Nội gợi ý cho du khách.
Bánh chưng - bánh giầy

Bánh chưng - bánh giầy lên mâm cúng ngày giỗ Tổ. Ảnh: TTTT Xúc tiến Du lịch Phú Thọ
Mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), bánh chưng và bánh giầy thường được các nghệ nhân chuẩn bị kỳ công để dâng cúng. Bánh gắn liền với truyền thuyết về Lang Liêu, con trai Vua Hùng thứ sáu, người đã sáng tạo ra bánh chưng (tượng trưng cho đất) và bánh giầy (tượng trưng cho trời) để dâng lên vua cha. Sự kết hợp thể hiện quan niệm vũ trụ của người Việt xưa và mang ý nghĩa tri ân tổ tiên - đất trời.
Bánh chưng được gói vuông bằng lá dong, nhân gồm đậu xanh, thịt lợn và gạo nếp, còn bánh giầy được làm từ gạo nếp giã mịn, hình tròn, trắng, thơm mùi gạo. Bánh giầy nay thường được ăn thêm cùng giò chả. Những chiếc bánh này không chỉ là lễ vật mà còn là đặc sản để du khách thưởng thức hoặc mua về làm quà.
Bánh gio (bánh tro)

Bánh tro thường ăn cùng mật. Ảnh: Hà Phương
Bánh gio được làm từ bột gạo nếp ngâm trong nước tro (thường là tro của các loại cây như tre, rơm), sau đó gói trong lá chuối và luộc chín. Khi chín, bánh có màu hổ phách, thanh mát, thường được chấm với mật mía hoặc đường, tạo nên hương vị dân dã, đậm chất quê hương. Dù không phải là một lễ vật trong nghi thức cúng tế tại Đền Hùng, bánh gio vẫn là một phần của văn hóa ẩm thực địa phương, được người dân và du khách yêu thích.
Bánh củ mài

Bánh củ mài ăn chơi, dùng cùng với trà. Ảnh: TTTT Xúc tiến Du lịch Phú Thọ
Bánh được làm từ củ mài mọc hoang ở các vùng rừng núi. Củ mài thường luộc, xào hoặc nấu canh, chứa nhiều tinh bột, là một vị thuốc trong Đông y. Bánh củ mài làm qua nhiều công đoạn, bằng cách nghiền củ mài thành bột, sau đó cho vào nấu cùng bột nếp, mạch nha và đường, đạt độ chín dẻo, lót cơm dừa làm áo rồi để nguội, cắt khúc, đóng gói. Ngoài loại bánh truyền thống, còn có bánh củ mài vừng giòn, bánh củ mài nướng.
Bánh tai

Bánh tai nhân thịt. Ảnh: Hà Phương
Bánh tai có tên gọi dân dã do giống hình dáng bộ phận trên cơ thể. Bánh làm từ gạo tẻ, trải qua nhiều công đoạn đãi, giã, nhào thành bột rồi hấp. Nhân bánh là thịt lợn nửa nạc nửa mỡ được tẩm ướp rồi đem xào, phần mỡ dậy mùi thơm và giúp bánh không dính. Bánh lót lá chuối hấp cách thủy, khi chín vỏ mềm và dẻo. Bánh tai ăn ngon nhất ngay khi vừa hấp chín tới, còn nóng, đặc biệt phù hợp những ngày trời lạnh. Bánh tai chủ yếu để ăn sáng, do có nhân thịt nên bánh không để được lâu, thường chỉ dùng trong ngày.
Bánh tẻ mật

Bánh tẻ mật. Ảnh: Vietnamtourism
Bánh tẻ mật của Phú Thọ không có nhân, được làm từ bột gạo tẻ pha cùng nước và mật mía. Khi bánh còn nóng, mềm, sẽ được gói lá chuối rồi kéo chiếc bánh qua lại trong một dụng cụ hình trụ tròn để tạo hình. Bánh dâng cúng phải có hình trụ tròn, đường kính khoảng 10 cm, không được méo cũng không siêu vẹo. Bánh tẻ mật thông thường được gói thành những chiếc nhỏ, mỗi bánh chỉ to hơn nắm tay, bọc trong lá chuối khô và hấp. Khi chín và được cắt ra, bánh có màu nâu vàng giống khoai lang luộc.
Bánh sắn

Bánh sắn khi mang đi hấp. Ảnh: My Na
Bánh sắn đã có từ lâu ở Phú Thọ, vốn là loại bánh chống đói, được làm từ nguyên liệu chính là củ sắn (khoai mì). Sắn tươi hoặc bột sắn khô mài nhuyễn thành bột. Khi làm bánh, người dân sẽ đun nước sôi rồi dội từ từ vào chậu bột và đảo nhanh tay. Sau khi nước và bột quyện lại, bột sẽ được nhào đến khi thật dẻo. Càng nhào kỹ bánh sẽ càng dẻo và ngon. Bánh sắn trước đây không có nhân, ngày nay bánh có nhân gồm đậu xanh (bánh ngọt) và nhân thịt (bánh mặn). Bánh có vị bùi của đậu, vị béo của thịt, vị thơm của hành và lớp lá chuối bọc bên ngoài.
Tâm Anh